Vụ án hút dư luận năm 2022

Năm 2022 đầy biến động sắp qua, cùng Báo Người Lao Động nhìn lại các vụ án thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội mà TAND TP HCM đã xét xử.

N

ăm 2022 đầy biến động sắp qua, cùng

Báo Người Lao Động

nhìn lại các vụ án thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội mà TAND TP HCM đã xét xử. --o0o--

Ngày 20-9, sau 2 ngày xét xử vụ bán rẻ 149 nền đất tại dự án An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP HCM), TAND TP HCM tuyên phạt Tề Trí Dũng 12 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các đồng phạm lãnh mức án từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến 5 năm tù giam.

HĐXX cho biết kết quả định giá 149 nền đất là 313,8 tỉ đồng. Trong khi đó, IPC chỉ bán với giá 186,1 tỉ đồng. Với vai trò Tổng Giám đốc IPC, Tề Trí Dũng đã không chỉ đạo cấp dưới so sánh giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng mà đồng ý và biểu quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng với giá bán sỉ các nền đất công gây thất thoát cho nhà nước.

Trước đó, trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần Sadeco cho Nguyễn Kim, TAND cấp cao tại TP HCM tuyên phạt Tề Trí Dũng 19 năm tù về hai tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản".

Tiếp đó, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt Tề Trí Dũng 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung của ba bản án mà bị cáo Tề Trí Dũng phải nhận là 30 năm tù.

Ngày 19-10, xét xử sơ thẩm vụ bán rẻ đất 2 dự án KDC Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) 6 năm tù tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tổng hợp bản án ngày 9-6-2022 của TAND Cấp cao tại TP HCM, bị cáo lãnh 14 năm 6 tháng tù.

Cùng tội danh, bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) được xác định có vai trò xuyên suốt trong toàn bộ vụ án, bị tuyên phạt 13 năm tù. 8 đồng phạm (nguyên là cán bộ thuộc Thành ủy TP HCM, Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty Tân Thuận) nhận các mức án từ 3-11 năm tù.

Tại phiên xét xử, HĐXX xác định số tiền thất thoát tại dự án KDC Ven Sông là hơn 52 tỉ đồng; thất thoát tại KDC Phước Kiển là hơn 154 tỉ đồng. Tổng số tiền thất thoát của nhà nước ở 2 dự án là 207 tỉ đồng.

HĐXX buộc 9 bị cáo (trừ Tất Thành Cang) liên đới bồi thường cho Công ty Tân Thuận hơn 283 tỉ đồng. Đối với dự án KDC Ven Sông, HĐXX giao UBND TP HCM giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chiều 25-11, sau một ngày xét xử, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) tuyên tử hình bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi; quê Gia Lai) về tội "Giết người" và 3 năm tù về tội "Hành hạ người khác", tổng hợp hình phạt là tử hình.

Đối với Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi; quê TP HCM) 3 năm tù về tội "Hành hạ người khác" và 5 năm tù về tội "Che giấu tội phạm"; tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.

HĐXX nhận định hành vi của Trang là mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Từ ngày 7 đến 22-12-2021, Trang nhiều lần dùng roi, cây gỗ đánh bé V.A. Nhiều lần Trang không cho cháu mặc quần áo, bắt quỳ gối, giơ hai tay lên cao rồi đánh; nhốt vào chuồng chó hoặc bắt cháu quỳ gối để học bài trong nhiều giờ.

Đỉnh điểm, ngày 22-12-2021, trong lúc dạy cháu V.A học online, Trang liên tục dùng cây gỗ đánh mạnh, liên tiếp vào người cháu. Khi mỏi tay Trang đổi sang tay khác, mang bao tay đánh tiếp. Mặc dù lúc này cháu V.A. có rất nhiều vết thương khác.

Khi cháu V.A. né tránh, Trang dùng dây rút trói hai tay chân cháu lại tiếp tục đánh. Khi cháu ngã xuống sàn, vẫn không ngừng đánh cháu.

15 giờ cùng ngày, Thái xem camera thấy Trang đánh con mình nên gọi điện bảo Trang đừng đánh nữa nhưng Trang vẫn tiếp tục. Đến 18 giờ, Thái đi làm về thấy con bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu.

Trong khi các bác sĩ cấp cứu cho V.A vì phù phổi cấp, sốc chấn thương thì Thái đăng nhập vào camera trên điện thoại xóa hết dữ liệu.

HĐXX nhận định rằng hành vi của Trang đủ yếu tố cấu thành tội "Giết người" thuộc trường hợp vì động cơ, mục đích đê hèn và có yếu tố côn đồ. Trang phạm tội đối với người không thể tự vệ được, dùng thủ đoạn tàn ác, phạm tội 2 lần trở lên đối với tội hành hạ người khác. Hành vi của Trang là đặc biệt nghiêm trọng nên cần loại bỏ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội mới tương xứng.

Đối với Thái, bị cáo không can ngăn, bỏ mặc mà còn chửi bới, đánh đập V.A., là đồng phạm giúp sức với Trang về tội "Hành hạ người khác".

Chiều 1-12, sau 4 ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên án vụ sai phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP HCM.

Đồng quan điểm với VKSND TP HCM, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho Bệnh viện Mắt TP HCM hơn 14,2 tỉ đồng.

HĐXX nhận định 14.800 người bệnh mà cáo trạng của VKSND tối cao xác định là bị hại không liên quan vụ án. Mối quan hệ giữa người khám chữa bệnh với các bên liên quan, nếu có yêu cầu, sẽ được xem xét sau.

HĐXX xác định trong vụ án này, tội phạm hoàn thành tại thời điểm Bệnh viện Mắt TP HCM chi trả các gói thầu, do đó bác yêu cầu xem xét tư cách bị hại khác của các luật sư.

Trong 8 bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Khải (khi đó là giám đốc bệnh viện) là chủ mưu. HĐXX cũng nhận định các bị cáo không hưởng lợi trong vụ án này.

Vụ án xảy ra vào năm 2018, khi Bệnh viện Mắt TP HCM được giao tổ chức đấu thầu "Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018". Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Việc bị cáo Khải chỉ đạo thuộc cấp đưa tiêu chí đánh giá của hội đồng chuyên môn "đạt" hoặc "không đạt" đối với nội dung đánh giá hàng mẫu vào yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu là phù hợp, không trái quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu không đưa ra cụ thể, rõ ràng các tiêu chí đánh giá hàng mẫu của hội đồng chuyên môn làm cơ sở để đánh giá hàng mẫu trong phần đánh giá kỹ thuật là vi phạm quy định và không minh bạch trong đấu thầu, không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nội dung đánh giá hàng mẫu.

Hội đồng đánh giá hàng mẫu tự đưa ra các tiêu chí đánh giá ngoài yêu cầu của hồ sơ mời thầu để đánh giá hồ sơ dự thầu là vi phạm quy định, không bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong đấu thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

HĐXX xác định bị cáo Khải can thiệp bất hợp pháp vào công việc của Hội đồng đánh giá hàng mẫu, chỉ đạo đánh giá không đạt đối với phần kỹ thuật của nhà thầu Codupha. Từ đó, Bệnh viện Mắt TP HCM không chọn nhà thầu có giá trị thấp nhất trong số các công ty dự thầu cùng đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.

7 bị cáo còn lại phạm tội đồng phạm giúp sức trong vụ án, lệ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên. Các bị cáo thừa nhận trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu.

HĐXX tuyên 8 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo (như ăn năn hối cãi, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, tự nguyện nộp từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án...), HĐXX tuyên phạt: bị cáo Nguyễn Minh Khải (cựu giám đốc) 7 năm tù, các bị cáo còn lại lãnh mức án từ 12 tháng 7 ngày tù đến 3 năm tù.

HĐXX buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Bệnh viện Mắt TP HCM 14,2 tỉ đồng. HĐXX tuyên không áp dụng hình phạt bổ sung, tạo điều kiện cho các bác sĩ tiếp tục tham gia khám chữa bệnh sau khi ra tù.

Chiều 29-12, tuyên án 23 bị cáo, HĐXX nhận định tội phạm do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và các đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong thời gian rất ngắn từ đầu năm 2018 đến tháng 9-2019, thông qua việc tự lập, vẽ các dự án bất động sản và ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền dự án, Luyện đã chiếm đoạt số tiền 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại trên khắp cả nước.

Trừ bị cáo Luyện chưa ăn năn hối cãi, các bị cáo còn lại đều được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: nhiều người còn trẻ, nhân thân tốt, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả vụ án, một số bị cáo là anh chị em ruột cùng bị xét xử trong một vụ án…

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên bị cáo Luyện tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; các đồng phạm chịu mức án từ 10-20 năm tù.

Phạm 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền", bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em Luyện) lần lượt bị tuyên phạt 30 và 27 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng) phạm tội "Rửa tiền" được hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm vì đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc vợ chồng Nguyễn Thái Luyện hoàn trả 2.446 tỉ đồng cho bị hại.

Trong những ngày diễn ra phiên xét xử trước đó, có 39 bị hại và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 bị hại khác đề nghị được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất nền dự án.

Đối với đề nghị này, HĐXX đánh giá, nội dung hợp đồng nêu rõ đối tượng chuyển nhượng là đất thổ cư 100%. Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng cho tới nay, hiện trạng khu đất mà bị cáo Luyện và các đồng phạm "vẽ" dự án dân cư đều là đất nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa, đất dừng sản xuất… , không có dự án khu dân cư nào.

Mặt khác, theo quy định sử dụng đất tại địa phương thì nhiều khu đất không được quy hoạch là đất ở, do đối tượng chuyển nhượng là các nền dự án không còn tồn tại trên thực nên yêu cầu tiếp tục thực hiện giao dịch chuyển nhượng là không có căn cứ. Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận các yêu cầu này.

Tuy nhiên, HĐXX xác định thiệt hại của 39 bị hại trên là thực tế. Do đó, buộc bị cáo Luyện và bị cáo Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà bị hại đã nộp vào Công ty Alibaba.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/onl-xuan-ctxh-vu-an-hut-du-luan-nam-2022-20230120082423378.htm