Vụ án kỳ lạ, làm sao thi hành?

Khi ông Hiếu cất nhà, mới biết trên đất của mình có một phần ngôi nhà bà Lan nằm 'chồm' sang. Vụ việc được đưa ra tòa, tòa phán bà Lan phải tháo dỡ một phần ngôi nhà nằm trên đất ông Hiếu. Nhưng vì là nhà kết cấu bêtông, nếu đập bỏ một phần, cả ngôi nhà sẽ sập. Làm sao thi hành án?

Bên trong ngôi nhà thờ xảy ra tranh chấp.

Vụ việc xảy ra tại ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông Lưu Văn Sửu có lô đất bề ngang 35m cặp lộ (Đường tỉnh 825), trên đó có ngôi nhà (để ở và thờ gia tiên) được cất kiên cố từ năm 1960.

Khi qua đời vào năm 1985, ông Sửu có để lại cho con trai là Lưu Kim Hoàng thừa kế ngôi nhà thờ và phần đất bề ngang 10 mét cặp lộ thuộc 2 thửa 763 và 764 tờ bản đồ số 10. Ông Sửu cũng chia thừa kế cho người con gái Lưu Thị Vùng phần đất bề ngang 5m kề bên đất ông Hoàng, thuộc thửa 762.

Năm 2014, bà Vùng cho người em ruột là Lưu Kim Hòa mượn sổ đỏ lô đất 762 thế chấp ngân hàng vay tiền làm ăn. Làm ăn thất bại, ông Hòa không trả nợ được, nên ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, theo đó ngày 1.9.2015 bà Vùng đã làm giấy chuyển nhượng thửa đất 762 cho ông Nguyễn Văn Hiếu và bà Dư Ngọc Nha.

Sau đó, khi ông Hiếu chuẩn bị cất nhà trên thửa đất này, mới biết ngôi nhà thờ gia tiên mà bà Bùi Cúc Lan (vợ ông Hoàng) và các con đang ở (ông Hoàng qua đời năm 2015) nằm “chồm” qua thửa đất 762 một phần diện tích 24,5m2 (ngang khoảng 2m, dài hơn 10m).

Ông Hiếu và bà Nha yêu cầu bà Lan và các con tháo dỡ phần ngôi nhà “chồm” qua thửa đất 762, nhưng không kết quả, nên kiện ra TAND huyện Đức Hòa. Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 17.1.2018, TAND huyện Đức Hòa tuyên buộc bà Lan tháo dỡ phần ngôi nhà thờ nằm trên thửa đất 762.

Mặt trước ngôi nhà thờ nơi xảy ra tranh chấp.

Bà Lan không đồng ý nên kháng án, yêu cầu được giữ nguyên ngôi nhà, cho bà hoàn giá trị đất cho ông Hiếu. Ngày 11.4.2018, TAND tỉnh Long An đã xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa.

TAND tỉnh Long An cho rằng, vợ chồng ông Hoàng – bà Lan dù được cha cho ngôi nhà thờ, nhưng chưa được công nhận quyền sở hữu căn nhà (có một phần nằm trên thửa đất 762), nên không thể nói rằng việc chuyển nhượng thửa đất 762 giữa bà Vùng và ông Hiếu – bà Nha có liên quan đến quyền lợi của bà Lan.

Cũng theo Tòa, dù đây là ngôi nhà thờ gia tiên, nhưng các bàn thờ không đặt trên phần diện tích “chồm” qua thửa đất 762 nên chấp thuận chuyện đập bỏ một phần ngôi nhà để giao đất cho ông Hiếu – bà Nha.

Trong khi đó, theo gia đình bà Lan, tính hợp pháp của căn nhà do cha chồng bà xây dựng từ năm 1960 là không phải bàn cãi. Vợ chồng bà cùng các con sống với cha trong ngôi nhà mấy chục năm qua, khi cha chết để thừa kế ngôi nhà cho vợ chồng bà, trong gia tộc đều công nhận, thì chuyện bà và các con sở hữu ngôi nhà là hoàn toàn hợp pháp.

Gian bên phải ngôi nhà bị buộc phải tháo dỡ một phần.

Bà Lan và các con tha thiết muốn nhận lại phần đất nói trên để giữ ngôi nhà thờ tổ tiên. Bà không thể chấp nhận tháo dỡ một phần ngôi nhà như Tòa đã tuyên, vì bà không xây dựng nhà trái phép. Với lại, tháo dỡ một phần ngôi nhà, phần còn lại có thể sẽ sụp đổ theo.

Tình huống cuối cùng có thể xảy ra: Địa phương Đức Hòa sẽ quyết định cưỡng chế thi hành án (đập một phần ngôi nhà trên thửa đất 762) nếu bà Lan không tự nguyện thi hành án. Nhưng sẽ cưỡng chế bằng cách nào khi mà nếu đập một phần, toàn bộ ngôi nhà có khả năng đổ sập? Có lẽ vì vậy mà cho tới nay bản án vẫn chưa được thi hành.

Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-an-ky-la-lam-sao-thi-hanh-622464.ldo