Vụ án sản xuất xăng giả tại Công ty Lũng Lô: Hoãn phiên xét xử, truy trách nhiệm ông Phan Thanh Toàn

Theo nguồn tin của Ngày Nay, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã quyết định tạm hoãn phiên xét xử vụ án sản xuất xăng dầu giả tại công ty Lũng Lô dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 7/2020.

Hình ảnh phiên xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất xăng giả tại Công ty Lũng Lô

Hình ảnh phiên xét xử sơ thẩm vụ án sản xuất xăng giả tại Công ty Lũng Lô

Trong khi đó, các kiến nghị trong bản án tại phiên sơ thẩm đang được lực lượng chức năng tập trung làm rõ, trong đó đặc biệt là việc làm rõ trách nhiệm của ông Phan Thanh Toàn – nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương.

Quá trình thu thập tài liệu của Phóng viên Ngày Nay cho thấy, ngày 5/10/2015 Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương (gọi tắt là Công ty Đông Phương) ký hợp đồng bán 2.500.000 lít dung môi Naphtha cho Công ty Cổ phần Thương mại và XNK Vật tư Giao thông (gọi tắt là Công ty Vật tư Giao thông); cùng ngày Công ty Vật tư Giao thông ký hợp đồng bán lại cho Công ty Vạn Xuân.

Mặc dù trên hợp đồng là bán cho Công ty Vật tư Giao thông nhưng ngày 21/10/2015 Công ty Đông Phương ký hợp đồng thuê Công ty Văn Khoa chuyển 2.100.000 lít dung môi Naphtha từ kho Petro Mekong Cần Thơ của Công ty Đông Phương về kho VK 102, Cục Hậu cần Quân khu 7 để giao cho Công ty Vạn Xuân, đại diện chủ hàng là Lê Quang Hiếu Hùng và Nguyễn Văn Phương để “hô biến” thành xăng Ron 92 giả.

Với thủ đoạn này nhóm đối tượng đã pha trộn 2.030.702 lít dung môi Naphtha với 513. 649 lít Toluen tại bể số 9 của kho VK 102 tạo thành 2.544.351 lít xăng Ron 92 giả sau đó được Nguyễn Văn Phương bán ra thị trường.

Tiếp đó căn cứ vào hợp đồng của Công ty Đông Phương bán 1.300.000 lít dung môi Naphtha cho Công ty Vận tư Giao thông. Ngày 9/12/2015 Lê Minh Anh, Tổng Giám đốc Công ty Đông Phương thuê tàu Kim Minh 4 chuyển 1.423.900 lít Naphtha về bến sông Soài Rạp, huyện Nhà Bè, TP. HCM giao cho Công ty Vạn Xuân.

Do Công ty TNHH Bình Trí không cung cấp đủ hóa chất Toluen nên Lê Quang Hiếu Hùng đã liên hệ với Lê Minh Anh, Tổng Giám đốc Công ty Đông Phương mua lại hóa chất BM - MT 200 của Công ty Đông Phương Tây Đô là Công ty con của Công ty Đông Phương tiếp tục “hô biến” hóa chất thành xăng Ron 92 giả.

Với thủ đoạn này các đối tượng đã pha trộn 1.416.283 lít Naphtha với 18.352 lít hỗn hợp chất BM-MT200 và bột sắt với bột màu tại bể số 9 của kho VK 102 tạo thành 1.434.635 lít xăng Ron 92 giả rồi được Nguyễn Văn Phương chỉ đạo xuất ra thị trường.

Sau hai lần pha chế xăng Ron 92 bằng hóa chất Toluen và hỗn hợp chất BM-MT200 nhưng hiệu quả mang lại không cao do lượng hóa chất phải dùng nhiều, nguồn cung cấp hóa chất không đủ.

Lê Quang Hiếu Hùng, Nguyễn Văn Phương thống nhất với Lê Minh Anh, Tổng Giám đốc Công ty Đông Phương và Phan Trường Sơn nhờ Trần Anh Việt cung cấp hóa chất N - Melthyl Anniline 99% (NMA) xuất xứ Trung Quốc có khả năng làm tăng chỉ số Ron mạnh.

Bằng các thủ đoạn các đối tượng đã pha trộn dung môi Naphtha, Condensate, Solmix với hóa chất NMA nguồn gốc Trung Quốc tạo bột màu thành 50.035.999 lít xăng giả. Trong đó có 46.217.339 lít Ron 92 và 3.818.660 lít Ron 95 rồi được Nguyễn Văn Phương bán ra thị trường.

Như vậy các đối tượng đã pha trộn dung môi Naphtha, Condensate, Solmix với các hóa chất Toluen, NMA, BM-MT 200, chất thơm hóa và bột màu tạo thành 54.014.985 lít xăng giả Ron 92, Ron 95 sau đó bán hết ra thị trường.

Như đã phản ánh, tại cấp sơ thẩm ông Phan Thanh Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương bị kiến nghị làm rõ trách nhiệm việc công ty này liên quan đến sản xuất, mua bán xăng giả.

Cùng với đó, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án trong việc tiêu thụ xăng giả; xem xét công tác quản lý, vận hành sử dụng cơ sở vật chất kho xăng dầu liên quan đến vụ án; xem xét công tác quản lý kinh doanh và quản lý chất lượng xăng dầu.

Ngọc Cương

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/vu-an-san-xuat-xang-gia-tai-cong-ty-lung-lo-hoan-phien-xet-xu-truy-trach-nhiem-ong-phan-thanh-toan-175547.html