Vụ án Tam Tần

Ở thành phố cổ Thọ Quang có một câu nói truyền miệng rằng 'Vụ án Tam Tần ở Ninh Diêu đã làm giàu cho Trịnh Gia Trang'. Tại sao lại có câu nói này?

Theo người già kể lại vào những năm cuối đời nhà Thanh, ở Ninh Diêu huyện Thọ Quang nhà họ Điền xảy ra một vụ án mạng nên kiện lên quan, vì nhà họ Điền giàu có, khi đi kiện ở nhà trọ Trịnh Gia Trang, do thời gian kiện quá dài nên thời gian ở quán trọ Trịnh Gia cũng dài và Trịnh Gia Trang thu được một khoản tiền lớn nhờ vụ kiện này.

Tương truyền, nhà họ Điền có ba anh em trai, người anh cả mất sớm có người con trai là Điền Văn buôn bán ở vùng Đông Bắc. Người con thứ hai là Điền Kiến làm quan ở miền Nam, còn người con thứ ba là Điền Tam Tần làm ăn ở quê. Điền Tam Tần có rất nhiều ruộng lại có cửa hàng trên phố và thuộc loại giàu có nhưng Tam Tần là người có tâm địa ác độc, dối trên lừa dưới nên người ta gọi Tam Tần là kẻ lươn lẹo.

Minh họa: Thành Chương

Minh họa: Thành Chương

Mùa xuân năm nọ, Điền Văn ở Đông Bắc nhớ về cội nguồn nên muốn dọn nhà về quê. Điền Văn mang rất nhiều bạc về Thọ Quang, trước tiên đến nhà người anh em bên vợ là An Phát và nói ra ý định của mình, An Phát nghe nói thì rất ủng hộ ý định của Điền Văn nói là hai ngày nữa sẽ về Ninh Diêu gặp nhau.

Bởi vì buổi tối hôm đó có uống chút rượu nên Điền Văn ngủ cả buổi sáng, buổi chiều mới bắt đầu lên đường về quê. Đến chập tối Điền Văn về đến Ninh Diêu và đến ngay nhà ông chú Điền Tam Tần. Tam Tần thấy cháu về vội làm cơm rồi hai chú cháu vừa uống vừa trò chuyện. Khi Điền Văn nói ra ý định của mình, Tam Tần rất vui nói sẽ hết sức giúp đỡ. Tam Tần hỏi Điền Văn: “Vậy lần này cháu mang về bao nhiêu tiền và định mua bao nhiêu mẫu đất? Nếu mua cả nhà nữa thì phải có rất nhiều tiền đấy?”.

Điền Văn nở nụ cười nói: “Chú ba yên tâm đi, vì cháu muốn về quê nên đã chuẩn bị đủ tiền để mua dăm mẫu đất và một ngôi nhà chữ khẩu”. (nhà bốn mặt có sân ở giữa).

Tam Tần nghe cháu nói vậy biết là lần này thằng cháu mang về rất nhiều tiền, mắt hắn đảo đi đảo lại rồi bỗng nhỏ giọng hỏi: “Cháu đi về đây trên đường có gặp ai không?”.

Điền Văn không biết bụng dạ của Tam Tần nên thuận mồm nói ngay: “Cháu không gặp ai cả, có chuyện gì vậy?”.

Tam Tần cười nhăn nhở nói: “Không có gì đâu, cháu ăn đi!”.

Buổi tối hôm đó hai chú cháu vừa trò chuyện vừa uống nên Điền Văn uống hơi nhiều rồi ngủ luôn ở nhà Tam Tần. Khi đứa cháu ngủ say, Tam Tần bàn với vợ: “Thằng Điền Văn về lần này định ở lại quê nên mang rất nhiều tiền để mua đất và mua nhà, tôi nghĩ nên thế này …”. Hai vợ chồng Tam Tần nghĩ ra một mưu mô hiểm độc.

Điền Văn ngấm rượu ngủ rất say, hai vợ chồng Tam Tần dùng dây thừng siết cổ Điền Văn cho đến chết và định lén lút mang cái thi thể ra bên ngoài để chôn. Đêm khuya vợ chồng Tam Tần mở của nhìn ra phố vẫn thấy có mấy nhà còn sáng đèn và có người đi lại, đợi một lúc lại mở cửa quan sát nhưng vẫn thấy có người, qua đi một lúc lâu nữa vẫn thấy có người.

Đến khi trời đã sắp sáng mà không mang được thi thể ra bên ngoài nên đành phải đợi đến đêm hôm sau nhưng đêm hôm sau trên phố vẫn có người mà còn đông hơn đêm hôm trước, như vậy liên tục ba đêm vợ chồng Tam Tần vẫn không thể mang thi thể Điền Văn ra ngoài được. Hôm sau An Phát từ trên huyện về Ninh Diêu để gặp Điền Văn nhưng người trong thôn nói không ai nhìn thấy Điền Văn cả. An Phát nghĩ là Điền Văn ở nhà ông chú Tam Tần nên đến nhà Tam Tần xem Điền văn có ở đấy không?

Tam Tần nói là không thấy Điền Văn về thôn, An Phát cảm thấy có điều gì đó rất lạ. An Phát biết Điền Văn về quê mang theo rất nhiều tiền nên phần nào đó nghi ngờ Tam Tần đã giết hại đứa cháu để cướp của.

An Phát bàn bạc với mấy người bạn của mình nhưng không có chứng cứ gì thì cũng đành bó tay. Qua tìm hiểu mọi người cũng biết được chút ít manh mối là mấy hôm nay Tam Tần không ra khỏi nhà, có người còn biết tối nào Tam Tần cũng mở cửa đến mấy lần nhưng không có ai ra ngoài. Mọi người đều cho rằng hắn đã giết Điền Văn và muốn đưa thi thể ra ngoài nhưng chưa thể đưa ra được nên An Phát cử người theo dõi mọi động tĩnh của nhà Tam Tần.

Đêm tối lại đến, Tam Tần định dùng xe ngựa mang phân ra bón ruộng để lợi dụng giấu thi thể Điền Văn trong xe phân mang ra ngoài. Người của An Phát biết chuyện đến nói với Tam Tần: “Chú Tam, hôm nay chúng tôi đang rỗi, nghe nói chú chở phân ra ruộng bón lúa chúng tôi giúp cho một tay.”

Tam Tần sợ bị phát giác tội lỗi của mình nên gượng cười nói: “Đâu dám làm phiền mọi người, đêm nay chưa chở phân đâu?”, và Tam Tần lại không dám mang thi thể Điền Văn ra ngoài nữa nhưng cái thi thể để trong nhà mấy hôm bắt đầu bốc mùi, không còn cách nào khác hắn đành phải đào một cái hố ở phía Đông nhà rồi chôn thi thể Điền Văn xuống đó.

Những người giám sát nhà Tam Tần mấy ngày liền nhưng không thấy có động tĩnh gì không biết làm thế nào đành đi báo cáo tình hình với Thôn trưởng. Thôn trưởng cảm thấy có thể có vấn đề lớn nên vội đi báo quan huyện. Quan huyện cũng cho là có án mạng nên đích thân dẫn hơn chục nha dịch đến nhà Tam Tần. Lúc này Tam Tần đang ngồi trên ghế ở trước sân nhà hút thuốc, hắn giả vờ như không có chuyện gì. Nha dịch lục soát nhà Tam Tần nửa ngày trời cũng không tìm thấy chứng cứ. Khi quan huyện định về phủ thì Tam Tần nói: “Quan huyện đại nhân, ông đừng đi vội, ông mang nha dịch đến nhà tôi lục soát nửa ngày làm náo động cả thôn này, ông cho tôi là con người thế nào? Tự cổ có quy định quan không tự động vào nhà dân vậy ông phải cho một lời giải thích chứ nếu không tôi sẽ đi kiện ông đấy?”.

Tam Tần trách quan huyện một hồi, lúc đó dân chúng đến xem rất đông nên vị quan huyện cảm thấy mất mặt nhưng không biết giải thích với Tam Tần như thế nào. Đúng lúc đang khó xử thì con chó nhà Tam Tần từ ngoài cổng chạy về đến phía Đông nhà vừa cào đất vừa sủa. Tam Tần mặt biến sắc, vội đi đuổi con chó, quan huyện thấy vậy sai nha dịch đến xem và phát hiện chỗ con chó cào là đất mới đào, quan huyện sai người đào chỗ đó và thấy thi thể của Điền Văn. Lúc này thì Tam Tần không nói được gì nữa, gói thuốc đang cầm trên tay rơi xuống đất. Quan huyện lập tức sai nha dịch trói Tam Tần lại giải về nha môn.

Sau khi Tam Tần bị áp giải về nha môn, người nhà Tam Tần vội tìm người móc nối và nghĩ mọi cách để cứu hắn khỏi tội chết. Đầu tiên là nhờ người đến nha huyện Thọ Quang “thăm hỏi” yêu cầu nha huyện đừng xử án vội để có thời gian cứu vãn. Huyện lệnh Thọ Quang thấy người nhà Tam Tần thăm hỏi rất hậu nên chỉ đành giam Tam Tần trong nhà lao đợi tình hình sẽ xét xử sau. Người nhà Tam Tần trọ ở Trịnh Gia Trang vừa để theo dõi tình hình vừa để tiện đút lót quan cai ngục đối xử tốt với Tam Tần.

Người của An Phát thấy Tam Tần bị giải đi nha môn vội tìm cách báo cho người nhà Điền Văn ở vùng Đông Bắc và người nhà Điền Văn đã mang rất nhiều bạc về huyện Thọ Quang cũng trọ ở Trịnh Gia Trang. Người nhà Điền Văn cũng móc nối với người của nha môn đút tiền cho quan huyện để làm sao quan huyện nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử và Tam Tần phải bị tội chết để rửa được mối hận.

Tình hình cứ như thế hai bên giằng co nhau và vụ án kéo dài hơn nửa năm, cuối cùng Tam Tần bị kết tội cố ý giết người cướp của và phải chịu án tử hình. Vì vụ án Tam Tần nên người của cả hai bên trọ ở Trịnh Gia Trang một thời gian dài và Trịnh Gia Trang thu được một khoản lớn nên mới có câu nói “Vụ án Tam Tần ở Ninh Diêu đã làm giàu cho Trịnh Gia Trang”.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/vu-an-tam-tan-i669355/