Vụ án 'Tờ bán chiết đất ruộng đi lạc'

Bản án phúc thẩm nêu rằng bị đơn không cung cấp được hợp đồng thể hiện nguồn gốc đất là của phía bị đơn, tuy nhiên hồ sơ vụ án lại thể hiện phía bị đơn đã hai lần cung cấp chứng cứ này.

TAND tỉnh Bạc Liêu vừa xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Trương Hữu Thanh và bị đơn là bà Âu Thu An và các đồng bị đơn khác.

Khi nhận được bản án, bà An cho rằng vì chứng cứ hệ trọng nhất trong vụ án đã bị HĐXX bỏ qua, dẫn đến bà thua kiện.

Tranh chấp hơn 1.000 m2 đất

Tháng 11-2020, vợ chồng ông Trương Hữu Thanh (ngụ khóm 3, phường 8, TP Bạc Liêu) khởi kiện yêu cầu tòa án công nhận quyền sử dụng đất cho mình phần đất 1.026,8 m2 tại khóm 3, phường 8, TP Bạc Liêu. Nguyên đơn cho rằng phần đất này do mình bao chiếm và ở ổn định từ năm 1984 đến nay. Nguồn gốc đất là của trạm vật tư thủy lợi bỏ trống. Khi làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất thì bị bà Âu Thu An và ông Quách Quang ngăn cản kéo dài.

Phần đất tranh chấp. Ảnh: TRẦN VŨ

Bà Âu Thu An, ông Quách Quang và một số đồng bị đơn khác đã phản tố, đề nghị tòa án bác đơn ông Thanh, đồng thời tuyên trả lại cho mình toàn bộ phần đất tranh chấp trên. Theo bà An, ông Quang, đất tranh chấp là một phần đất trong số đất của ông bà mình mua, có giấy tờ hợp pháp từ trước giải phóng để làm Nhà máy xay xát lúa gạo Liên Phong. Năm 1975, Nhà nước trưng dụng toàn bộ nhà máy và diện tích đất. Năm 1976, Nhà nước trả lại. Đến năm 1985, Nhà nước lại đưa Nhà máy Liên Phong vào hợp doanh với Công ty Lương thực thị xã Bạc Liêu và năm 1988 thì trả lại cho gia đình bà An nhưng trả không hết diện tích đất.

Ngày 17-3-2023, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm tranh chấp này. HĐXX đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn, chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn.

Cụ thể, tòa tuyên công nhận cho nguyên đơn quyền sử dụng đất đối với phần đất tranh chấp 805,52 m2. Phần đất tranh chấp còn lại hơn 221 m2 thuộc phạm vi quy hoạch lộ giới cũng tạm giao cho nguyên đơn quản lý sử dụng. Tòa bác yêu cầu phản tố của bị đơn về việc tuyên buộc nguyên đơn trả lại đất cho mình.

Ngày 13-4-2023, khi nhìn thấy “Tờ bán chiết đất ruộng (giấy tay)”, thẩm phán chủ tọa xét xử phúc thẩm vụ án nói: “Tôi đã cố tìm tờ giấy này nhưng không thấy trong hồ sơ vụ án”.

Tờ bán chiết đất ruộng “đi lạc”

Về nguồn gốc đất tranh chấp, HĐXX xác định đất là của trạm vật tư thủy lợi, được Nhà nước giao quản lý từ năm 1976. Nguyên đơn đến bao chiếm ở từ năm 1984, được UBND phường 8 đồng thuận bằng cách xác nhận vào “đơn xin xác nhận đất” ngày 27-11-1984.

Tòa bác nguồn gốc đất do phía bị đơn lập luận chứng minh. Bản án phúc thẩm nêu rằng quá trình tố tụng, ông Quang, bà An không cung cấp được hợp đồng thể hiện ông Lễ, ông Mậu (hai ông chủ Nhà máy xay xát lúa gạo Liên Phong) có nhận chuyển nhượng phần đất 3.000 m2.

Tuy nhiên, trái ngược với nhận định của tòa, hồ sơ lại thể hiện phía bị đơn đã hai lần cung cấp hợp đồng chuyển nhượng đất mà tòa cho rằng không có. Đó là tại đơn phản tố ngày 14-12-2020 và đơn cung cấp chứng cứ ngày 5-9-2022, trước khi xét xử sơ thẩm.

Tại hai đơn này, bị đơn liệt kê chứng cứ ghi rõ có “Tờ bán chiết đất ruộng (giấy tay)”. Tờ bán đất này thể hiện phía bị đơn nhận chuyển nhượng đất từ năm 1974. Cụ thể là vào ngày 20-4-1974, vợ chồng ông Du Văn Tem bán 3.000 m2 đất cho hai ông chủ Nhà máy Liên Phong (Quách Lễ và Âu Mậu). Phần đất 3.000 m2 này được chiết ra bán từ diện tích 1,5 ha đất có “chứng thư cấp quyền sở hữu” ngày 15-12-1970, đứng tên ông Tem.

Ngày 13-4-2023, trong lúc trao đổi với PV về vụ án trên, khi nhìn thấy “Tờ bán chiết đất ruộng (giấy tay)”, thẩm phán chủ tọa xét xử phúc thẩm vụ án nói: “Tôi đã cố tìm tờ giấy này nhưng không thấy trong hồ sơ vụ án”.

Tuy nhiên, sau khi xem kỹ nội dung tờ giấy này, thẩm phán nói tiếp: “Nhưng nếu có tờ này thì kết quả xét xử cũng không khác, vì nó không thể hiện vị trí thửa đất mua bán”.

Tòa phải xem xét chứng cứ đương sự giao nộp

Trường hợp bị đơn đã cung cấp chứng cứ trong quá trình xét xử (có biên bản giao nhận chứng cứ) nhưng không được tòa xem xét hoặc có xem xét nhưng đánh giá sai chứng cứ dẫn đến quyền và lợi ích chính đáng bị ảnh hưởng thì bị đơn có thể đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trường hợp chứng cứ này là chứng cứ mới, có đủ căn cứ để làm thay đổi nội dung của bản án nhưng chưa được cung cấp tại phiên tòa thì có thể đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm.

Trong vụ việc này, bị đơn đã cung cấp chứng cứ là tờ giấy chiết đất thì tòa phải xem xét theo quy định.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

SONG MAI ghi

TRẦN VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-an-to-ban-chiet-dat-ruong-di-lac-post730646.html