Vụ án tranh chấp thương mại giữa Đại Sơn và Licogi: Tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm

Ngày 20/11, TAND tỉnh Hải Dương tuyên án hủy bản án sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 15/10/2018 của TAND thị xã Chí Linh về tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi.

Theo HĐXX, quan hệ phát sinh giữa Công ty Licogi và Công ty Đại Sơn là hợp đồng xây dựng. Trên cơ sở thực hiện các hợp đồng, phụ lục hợp đồng được ký kết giữa hai bên, cả hai bên đều xác nhận đến ngày 30/5/2010 Công ty Đại Sơn đã ký 8 phiếu giá thanh toán của 8 đợt cho Công ty Licogi với tổng số tiền là 27.956.017.127 đồng.

HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hải Dương khẳng định, việc đưa thiếu người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Ảnh: Nguyễn Việt

Kết luận từ số liệu không chính thức

Công ty Đại Sơn đã thanh toán cho Công ty Licogi số tiền 23.146.027.533 đồng, Công ty Đại Sơn còn giữ lại số tiền 4.449.989.594 đồng, gồm 10% của các đợt thanh toán, 5% giá trị bảo hành, tổng số tiền là 4.139.402.569 đồng và 310.587.025 đồng là tiền chưa thanh toán đợt 8. Đến ngày 19/5/2009, Công ty Licogi ngừng thi công, ngày 28/12/2012 hai bên ký văn bản chấm dứt hợp đồng.

Đối với yêu cầu của Licogi buộc Đại Sơn phải trả số tiền gốc là 4.449.989.594 đồng và tiền lãi chậm thanh toán. Công ty Licogi xác định, đây là số tiền mà công ty Đại Sơn phải trả, cụ thể số tiền gốc là 4.139.402.569 đồng tính từ thời điểm ngày 30/5/2011, tức là 1 năm sau khi hết thời gian bảo hành và 310.587.025 đồng tính từ ngày 30/5/2010.

Công ty Đại Sơn có xác nhận số tiền trên, nhưng cho rằng đó chỉ là số tiền tạm tính, chưa phải số liệu chính thức, vì trong quá trình thi công Licogi luôn chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo. Trước các bản vẽ hoàn công, hai bên chưa thỏa thuận thống nhất chốt khối lượng đánh giá chất lượng, chưa thống nhất nghĩa vụ trả cụ thể của Công ty Đại Sơn đối với Công ty Licogi như thế nào. Ngoài ra, do chưa xác định rõ nghĩa vụ trả nợ nên Công ty Đại Sơn không chấp nhận yêu cầu tiền lãi của Công ty Licogi, vì chưa xác định được số tiền phải trả, thời gian trả thì không thể có căn cứ để tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ.

HĐXX nhận thấy, cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào 8 phiếu giá trừ đi số tiền mà Công ty Đại Sơn đã trả và văn bản số 18 ngày 17/6/2011 của Công ty Đại Sơn để buộc Đại Sơn phải trả cho Licogi số tiền 4.449.989.594 đồng là chưa có căn cứ. Bởi vì, Công ty Đại Sơn cho rằng số liệu đó mới chỉ là tạm tính để thanh toán. Hơn nữa, 8 phiếu giá này chưa đủ cơ sở để đánh giá chất lượng công trình mà Licogi đã thi công.

Chưa xác định rõ nghĩa vụ

Theo phụ lục hợp đồng, thời gian hoàn thành công trình là ngày 10/10/2009, trong khi đó Licogi đã dừng thi công từ ngày 19/5/2009. Các bên mới chỉ có biên bản nghiệm thu công việc mà chưa có biên bản nghiệm thu hạng mục công trình. Đến ngày 7/9/2012, hai bên mới có biên bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng, ngày 28/12/2012 hai bên mới ký biên bản chấm dứt hợp đồng. Theo những biên bản này, các bên còn phải thực hiện một số công việc, trong đó có nội dung các phiếu giá từ đợt 1 đến đợt 8 hai bên làm việc và trao đổi với nhau qua thư điện tử (email) trước khi ngồi lại để chốt số liệu công nợ, nhưng các bên chưa thực hiện công việc này.

Ngoài ra, trong biên bản chấm dứt hợp đồng có nội dung, đại diện ủy quyền của hai bên sau khi thực hiện xong các công việc được nêu rõ trong biên bản thống nhất ngày 7/9/2012 sẽ làm văn bản báo cáo lãnh đạo hai bên để xin ý kiến về việc thanh, quyết toán cũng như làm biên bản thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, thực tế sau khi hai bên ký biên bản chấm dứt hợp đồng ngày 28/12/2012, đến ngày 9/1/2013 tại TAND thị xã Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh), đại diện nguyên đơn và bị đơn có thống nhất và lập biên bản làm việc với nội dung là bị đơn sẽ bố trí đầy đủ thành phần để xác nhận hiện trường, hoàn chỉnh các bản vẽ hoàn công, biên bản bàn giao hạng mục trước ngày 18/1/2013. Ngoài văn bản này, nguyên đơn không có văn bản nào khác thể hiện đã đôn đốc, nhắc nhở phía bị đơn thực hiện theo nội dung thỏa thuận ngày 7/9/2012.

Đến ngày 23/1/2013, phía Công ty Đại Sơn có văn bản, văn bản này do Licogi cung cấp và xác định lý do không tiến hành làm việc được tại hiện trường cho đến sau ngày 17/2/2013 và trong đó có nội dung đề nghị phía Licogi cần hoàn thiện hồ sơ và bản vẽ hoàn công cho các hạng mục như nội dung biên bản làm việc ngày 7/9/2012.

Đến ngày 9/4/2013, hai bên có lập biên bản và giao một số hồ sơ 8 đợt là file điện tử bản vẽ hoàn công sơ bộ và Đại Sơn xác định đó là bản vẽ không có con dấu file điện tử bản vẽ hoàn công sơ bộ. Qua đó có thể thấy, có việc hai bên thỏa thuận về việc thực hiện theo thỏa thuận ngày 7/9/2012, bị đơn có văn bản lùi thời gian xuống kiểm tra Licogi có bàn giao bản vẽ theo nội dung biên bản ngày 9/4/2013. Nhưng từ đó đến nay, các bên đã không thực hiện thêm nội dung nào khác.

Như vậy, các bên chưa thanh, quyết toán cũng như làm biên bản thanh lý hợp đồng, chưa xác định rõ nghĩa vụ cụ thể của Đại Sơn đối với Licogi. Do đó, chưa có đủ căn cứ tài liệu chứng minh Đại Sơn phải trả cho Licogi số tiền là bao nhiêu.

Tính thời gian bảo hành không có căn cứ

Về thời điểm Công ty Đại Sơn phải trả tiền cho Công ty Licogi, Licogi xác định Đại Sơn phải thanh toán số tiền gốc 4.139.402.569 đồng Licogi tính từ thời điểm ngày 3/5/2011 (một năm sau khi hết thời gian bảo hành) và số tiền 310.587.025 đồng tính từ ngày 3/5/2010 (thời điểm Công ty Đại Sơn ký chấp nhận phiếu giá thanh toán), tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán tính từ ngày 3/5/2010 đối với khoản tiền 310.587.025 đồng và từ thời điểm ngày 3/5/2011đối với khoản tiền gốc 4.139.402.569 đồng.

Cấp sơ thẩm nhận định về thời gian bảo hành công trình tại điều 1.1.1.3 phần điều kiện riêng của hợp đồng 426B quy định thời hạn thông báo sai sót là thời hạn bảo hành. Thời hạn bảo hành được hai bên thỏa thuận là 12 tháng kể từ khi nghiệm thu. Do hợp đồng hai bên chấm dứt trước thời hạn căn cứ ngày công ty Đại Sơn ký phiếu thanh toán số 8 đối với khối lượng hạng mục công việc cuối cùng của công ty Licogi đã thực hiện ngày 3/5/2010.

Do vậy, xác định thời gian bảo hành công trình là từ ngày 3/5/2010 đến ngày 3/5/2011, khi hết thời hạn này thì công ty Đại Sơn phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền giữ lại trong các đợt thanh toán, cụ thể là số tiền 4.139.402.569 đồng. HĐXX nhận thấy, theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 29 ngày 6/2/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thời gian bảo hành được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành để đưa vào sử dụng không ít hơn 1 tháng. Theo thỏa thuận tại mục 10.2 hợp đồng số 462B quy định, nếu chủ đầu tư sử dụng bất cứ phần nào của công trình trước khi có chương trình nghiệm thu công trình đã được cấp thì phần công trình được sử dụng đó sẽ được coi là đã được tiếp nhận kể từ ngày được đưa vào sử dụng.

Việc cấp sơ thẩm tính thời gian bảo hành từ ngày 3/5/2010 (thời điểm sau khi Công ty Đại Sơn ký phiếu giá số 8) là không có căn cứ, vì ngày đó không phải là ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành để đưa vào sử dụng. Các bên mới chỉ dừng lại ở việc ký biên bản nghiệm thu công việc như sự thừa nhận của chính Công ty Licogi.

Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm cũng chưa thu thập được những tài liệu chứng cứ để chứng minh ngày 3/5/2010 là ngày Công ty Đại Sơn đã đưa các phần công trình đã được thi công vào sử dụng. Vì chưa xác định được ngày tính bảo hành, nên không có cơ sở để xác định công ty Đại Sơn phải trả cho Licogi số tiền từ thời điểm nào, không xác định được tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán theo yêu cầu của Licogi được tính từ ngày nào, số tiền là bao nhiêu.

“Như vậy, cấp sơ thẩm chưa thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm cơ sở xác định công ty Đại Sơn phải trả cho công ty Licogi số tiền là bao nhiêu, thời gian nào, tiền lãi phát sinh tính từ thời điểm nào, số tiền lãi chậm thanh toán cụ thể là bao nhiêu… mà chỉ căn cứ vào giá trị của 8 phiếu giá là công văn số 18 ngày 17/6/2011 của công ty Đại Sơn và lấy ngày 3/5/2010 để tính thời gian bảo hành, từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”, HĐXX nhấn mạnh.

Bỏ qua chứng cứ quan trọng

Xem xét đối với yêu cầu khởi tố của bị đơn, đó là công ty Licogi phải thanh toán trả lại phần giá trị đề nghị thanh toán là 80% khối lượng vật tư nhập về nhiều hơn so với thực tế thi công từ đợt 1 đến đợt 8 với số tiền 617.977.667 đồng tại phiếu thanh toán đợt 2 với tổng trị giá 34.761.208 đồng; tại phiếu thanh toán đợt 3 tổng số tiền là 502.299.975 đồng; tại phiếu thanh toán đợt 5 là 67.716.448 đồng; tại phiếu thanh toán đợt 8 là 13.200.000 đồng do công ty Licogi chưa thực hiện bản vẽ hoàn công.

Công ty Đại Sơn cho rằng, qua kiểm tra thực tế phần khối lượng mà Công ty Licogi đã thi công so với khối lượng công việc mà Licogi thực hiện thể hiện trong hồ sơ đề nghị thanh toán, thì khối lượng công việc thực tế thi công ít hơn nhiều so với khối lượng trong hồ sơ đề nghị thanh toán.

Cấp sơ thẩm không tiến hành thẩm định tại chỗ làm cơ sở cho việc so sánh đối chiếu số lượng thực tế đã thi công với phần khối lượng công việc Licogi thực hiện thể hiện trong hồ sơ có phù hợp với nhau hay không, làm căn cứ đánh giá giải quyết yêu cầu khởi tố này của bị đơn, mà chỉ căn cứ vào 8 phiếu giá được ký giữa Licogi và Đại Sơn để khẳng định không có căn cứ xác định Licogi đề nghị thanh toán nhiều hơn so với thực tế thi công là chưa có cơ sở.

Đối với yêu cầu Công ty Licogi phải trả lại phần giá trị hạng mục chung bị khấu trừ tương ứng với tỉ lệ giá trị công trình phải sửa chữa là 1.206.566.409 đồng giá trị hao mòn và đánh giá lại chất lượng công trình xuống cấp theo thực tế là 3.378.491.738 đồng, HĐXX cho rằng, để có căn cứ cơ sở đối với hai yêu cầu này của bị đơn thì tòa án phải đánh giá được chất lượng công việc hạng mục công trình mà Công ty Licogi đã thi công có đảm bảo theo hồ sơ thiết kế hay không? Có đảm bảo chất lượng công trình không bị xuống cấp, phải sửa chữa hay không? Với những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ của vụ án thì không đủ cơ sở kết luận chất lượng hạng mục công trình, vì các bên mới chỉ có biên bản nghiệm thu công việc mà chưa có nghiệm thu các hạng mục công trình.

Tại cấp sơ thẩm, trên cơ sở yêu cầu của đương sự, tòa án đã có quyết định trưng cầu giám định từ trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hải Dương, trưng cầu Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) thực hiện giám định chất lượng các hạng mục công trình mà công ty Licogi đã thi công, nhưng hai tổ chức này đều từ chối giám định.

HĐXX đánh giá, việc giám định chất lượng công trình trong trường hợp này là cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Tòa án tự mình yêu cầu tổ chức giám định khác để giám định và yêu cầu bị đơn phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định theo quy định, nếu trường hợp bị đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định thì tòa án sẽ căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để xem xét xử lý đối với yêu cầu này của bị đơn. Và đây cũng là những chứng cứ tài liệu quan trọng cho việc giải quyết vụ án mà cấp sơ thẩm chưa thực hiện.

Sai sót nghiêm trọng khi không đưa Cometco tham gia tố tụng

Đối với công ty Cometco – là đơn vị trực tiếp thi công công trình theo sự ủy quyền của công ty Licogi theo các hợp đồng về gói thầu hạ tầng khu Trường trung cấp Huấn nghề Việt – Mỹ tại Cộng Hòa – Chí Linh tỉnh Hải Dương và hợp đồng về gói thầu xây dựng hạ tầng khu du lịch, nhà nghỉ khu trung tâm huấn nghệ và Công nghệ cao, cũng như các phụ lục hợp đồng kèm theo giữa Công ty Licogi và Công ty Đại Sơn, thì Công ty Đại Sơn giao cho Công ty Licogi thực hiện toàn bộ công tác xây lắp theo hồ sơ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt.

Nhưng Công ty Licogi không trực tiếp thực hiện mà ủy quyền cho công ty Xây lắp cấp thoát nước và hạ tầng kỹ thuật (Cometco) thi công từ đầu cho đến khi dừng thực hiện thi công công trình ngày 19/5/2009 theo văn bản ủy quyền ngày 6/6/2007 của Công ty Licogi cho Công ty Cometco.

Để làm rõ Cometco được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nào về quan hệ pháp lý với Công ty Licogi? Cometco có đủ tư cách pháp lý và năng lực để nhận và thực hiện sự ủy quyền thi công công trình của Công ty Licogi hay không? Cometco thực hiện sự ủy quyền này như thế nào, có đảm bảo đúng theo hợp đồng được ký kết giữa Công ty Licogi và Công ty Đại Sơn hay không? Có thực hiện đúng nội dung phạm vi ủy quyền hay không? Quan điểm Công ty Đại Sơn về vụ việc này như thế nào?

Đồng thời làm rõ tiến độ, chất lượng công trình mà Cometco đã thi công, trách nhiệm, nghĩa vụ của Cometco trong trường hợp tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo là căn cứ cơ sở trong việc giải quyết vụ án, thì phải đưa Công ty Cometco tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc cấp sơ thẩm không đưa Cometco tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án làm thiếu người tham gia tố tụng.

Từ những nhận định, phân tích trên, HĐXX phúc thẩm xác định cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu quan trọng là cơ sở trong việc giải quyết vụ án. Đưa thiếu người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

“Đây là những thiếu sót của cấp sơ thẩm, do đó để đảm bảo quyền lợi của các đương sự thì cần phải hủy bản án sơ thẩm để trả lại hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm”, HĐXX kết luận.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vu-an-tranh-chap-thuong-mai-giua-dai-son-va-licogi-cap-so-tham-thieu-sot-nghiem-trong-161860.html