Vụ án TrustBank: Luật sư tranh luận về việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch

Ngày 24/5, phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và các đồng phạm về những hành vi sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư xoay quanh việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Các luật sư tại phiên tòa. Ảnh: N.H

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Sơn Nam (Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) trình bày, các bị cáo đều nhận thức mục đích mua bán căn nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch là sử dụng làm trụ sở Ngân hàng, theo đó, đây là mục đích hoàn toàn hợp pháp, mang lại lợi ích cho chính ngân hàng.

Ngoài ra, tại thời điếm đó, NHNN đã chấp thuận cho Ngân hàng Đại Tín tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, các bị cáo mới ký mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Các bị cáo tin tưởng rằng với việc chấp thuận tăng vốn điều lệ thì việc mua tài sản là hợp lý. Hơn nữa việc mua sắm đã được cổ đông chấp thuận.

Các luật sư cũng phân tích, khi Thanh tra NHNN vào kiểm tra có phát hiện tài khoản mua sắm tài sản cố định khi mua căn nhà tăng từ 2.300 tỷ lên 3.600 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Thanh tra NHNN đã xử phạt Ngân hàng Đại Tín 154 triệu đồng, trong đó có phạt mua tài sản vượt quá 20% vốn điều lệ 20 triệu đồng. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu đưa căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch hạch toán vào tài sản cố định, có nghĩa là đồng ý đưa vào tài sản của Ngân hàng Đại Tín, thuộc sở hữu của Ngân hàng. Theo đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét về việc hành vi ký mua bán căn nhà đã bị xử lý hành chính rồi nhưng lại bị đưa ra xem xét lần nữa.

Liên quan đến hành vi vi phạm khi mua bán căn nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch không thông qua Đại hội đồng cổ đông, luật sư cho biết thực chất đã có văn bản ủy quyền của cổ đông về việc mua bán căn nhà. Hơn nữa, do Hứa Thị Phấn nắm giữ gần 85% cổ phần của ngân hàng nên bà Phấn có quyền ủy quyền mua căn nhà này.

Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset) lại cho rằng có căn cứ để chứng minh bị cáo Tụ không có cố ý làm trái quy định như cáo trạng nêu. Bị cáo Tụ và Công ty định giá TrustAsset chỉ biết mục đích thẩm định giá qua chứng thư 22 ký kết giữa Công ty Lam Giang và TrustAsset, không có tài liệu nào chứng minh ông Tụ và TrustAsset nhận chỉ đạo của bà Phấn hay TrustBank thực hiện việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Ông Tụ cũng không biết việc ký chứng thư thẩm định giá số 22 là trái quy định Nhà nước.

Ngoài ra, khi mua bán căn nhà thì hiệu lực chứng thư định giá đã quá hạn 13 tháng nên cáo trạng quy kết chứng thư này dẫn đến hành vi nâng khống giá trị căn nhà là không chính xác. Đồng thời, bị cáo không biết mục đích thực của việc định giá là nhằm mua bán .

Theo các luật sư, chứng thư 22 không thể là căn cứ giao dịch mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch mà chỉ có mục đích tham khảo thông tin cho khách hàng. Do đó, các luật sư cho rằng không có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Công Tụ phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/luat-su-cac-bi-cao-cho-rang-viec-mua-can-nha-so-5-pham-ngoc-thach-la-dung-quy-dinh.aspx