Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo khai không được hưởng lợi gì ngoài tiền lương

Tiếp tục diễn biến phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, chiều nay (7/3), HĐXX thẩm vấn nhóm bị cáo là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng SCB để làm rõ hành vi Vi pham quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong phần thẩm vấn chiều nay, đáng chú ý là lời khai của bị cáo Huỳnh Thiên Văn (SN 1978, nguyên Giám đốc Kênh kinh doanh trực tiếp ngân hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB). Bị cáo Văn tiếp nhận vị trí Giám đốc Kênh kinh doanh trực tiếp ngân hàng doanh nghiệp từ năm 2021. Là bộ phận tương đương với chi nhánh ngân hàng, có chức năng cho vay nhưng Kênh không có con dấu riêng. Chính bởi vậy, để thực hiện hợp đồng tín dụng, bị cáo khai là phải sử dụng con dấu của Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, Chi nhánh Sài Gòn.

Theo HĐXX, việc Ngân hàng SCB thành lập 3 Kênh trong đó có Kênh kinh doanh trực tiếp ngân hàng doanh nghiệp là một “sáng kiến” của bà Trương Mỹ Lan trong hoạt động tín dụng mà không ngân hàng nào có. Tòa xác định, việc thành lập Kênh về mặt bản chất là nhằm thực hiện thủ đoạn chia bớt hạn mức tín dụng để che đậy hành vi sai phạm để không bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện.

Phiên tòa bước sang ngày xét xử thứ 3. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Cùng hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, bị cáo Mai Hồng Chín (SN 1987, Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định thuộc Khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB) cho biết, đã làm việc tại Ngân hàng SCB cũ từ tháng 9/2009.

Sau khi Ngân hàng SCB cũ sáp nhập và tiến hành tái cơ cấu, bị cáo làm việc với chức vụ Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, rồi Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB. Đến tháng 9/2019 thì bị cáo nghỉ việc.

Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan xin tòa cho phép được ủy quyền cho người thân thu hồi các tài sản nhằm nộp khắc phục hậu quả của vụ án. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Khai trước HĐXX, bị cáo Mai Hồng Chín cho hay, việc sáp nhập ngân hàng để thực hiện tái cơ cấu, bị cáo đặt rất nhiều niềm tin. Song quá triển khai thực hiện, thấy việc tái cơ cấu được thực hiện bằng những hành vi trái pháp luật nên bị cáo đã xin thôi việc. Theo bị cáo, bản thân đã nhận thức được hành vi sai phạm và xin HĐXX xem xét.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Mai Hồng Chín đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 94.031 tỷ đồng. Còn bị cáo Huỳnh Thiên Văn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 19/7/2021 đến ngày 22/9/2022, bị cáo Huỳnh Thiên Văn đã ký hợp thức hồ sơ 156 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 1.701 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX hầu hết các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB cho biết phạm tội vì làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi gì. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Cũng trong phần trả lời HĐXX chiều nay, hầu hết các bị cáo giữ chức danh cao trong Ngân hàng SCB như: Nguyễn Văn Thanh Hải - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, Hoàng Minh Hoàn - quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, Bùi Nhân - nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB hay giám đốc các chi nhánh, bộ phận chức năng của SCB đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Theo các bị cáo, việc thực hiện hành vi sai phạm do tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, bởi nếu không sẽ bị đuổi việc. Các bị cáo cũng không được hưởng lợi gì ngoài tiền lương.

Cũng trong phiên tòa chiều nay, chủ tọa cũng thông báo đã nhận được đơn của bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan) về nguyện vọng ủy quyền cho con gái được thu hồi các tài sản nhằm nộp khắc phục hậu quả của vụ án.

HĐXX đồng tình và hỗ trợ các bị cáo trong vụ án thu hồi tài sản (nếu có) để hậu quả của vụ án được khắc phục.

Việt Đức, Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/vu-an/vu-an-van-thinh-phat-nhieu-bi-cao-khai-khong-duoc-huong-loi-gi-ngoai-tien-luong-post1081264.vov