Vụ án Vệ Tôn và hoạt động của tình báo quân sự

Khi Vệ Tôn, một kỹ sư 48 tuổi làm việc cho Hãng Hệ thống tên lửa Raytheon (gọi tắt Raytheon) rời công ty tại Mỹ để đi nước ngoài công tác vào năm ngoái 2019, anh ta nhắn lại với hãng rằng sẽ mang theo chiếc laptop HP EliteBook 840 (do Raytheon cấp cho nhân viên làm việc) cùng đi.

Vì laptop của Vệ Tôn có chứa một lượng lớn dữ liệu bị hạn chế nên giới chức Raytheon nói rằng nếu Tôn mang nó ra nước ngoài, sẽ không chỉ vi phạm chính sách của hãng, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật liên bang.

Vệ Tôn (một người Mỹ gốc Trung Quốc) đã làm việc cho hãng Raytheon (nhà thầu quốc phòng lớn thứ 4 của Mỹ) suốt một thập niên. Ở Raytheon, Vệ Tôn giữ vai trò cấp an ninh mật, thường làm việc cho các chương trình tên lửa mang tính nhạy cảm cao vốn chỉ do quân đội Mỹ sử dụng.

Theo các công tố viên Mỹ thì Vệ Tôn biết tỏng nhưng bỏ ngoài tai. Sau khi rời nước Mỹ, Vệ Tôn liền truy cập mạng nội bộ của Hãng Raytheon từ chính laptop đem theo. Rồi đột nhiên anh ta gửi thư điện tử (email) tuyên bố nghỉ việc ngang xương sau gần 10 năm học tập và làm việc ở Mỹ.

Mô hình loại tên lửa diệt hạm siêu thanh Hải Long được chỉ định phát triển cho hải quân Mỹ đã bị tin tặc “thó” mất từ năm 2018. Ảnh nguồn: The Drive.

Mô hình loại tên lửa diệt hạm siêu thanh Hải Long được chỉ định phát triển cho hải quân Mỹ đã bị tin tặc “thó” mất từ năm 2018. Ảnh nguồn: The Drive.

Một tuần sau đó khi Vệ Tôn quay trở lại Mỹ, Tôn nói với giới chức an ninh của hãng Raytheon rằng mình chỉ ghé thăm Singapore và Philippines. Nhưng chính sự thiếu minh bạch, nhất quán trong các câu chuyện do Tôn kể mà sau đó người này buộc phải thú nhận mình đã đến Trung Quốc với chiếc laptop.

Một luật sư của Hãng Raytheon sau khi kiểm tra chiếc laptop của Tôn đã khẳng định rằng nó có chứa nhiều thông số kỹ thuật bị cấm xuất khẩu chiếu theo Ủy ban giao thông quốc tế về quản lý xuất khẩu vũ khí (ITAR), thêm vào phần mềm bảo mật vốn bị kiểm soát xuất khẩu và đòi hỏi phải có giấy phép đặc biệt mới được phép mang ra khỏi nước Mỹ.

Ngay sau đó khi Vệ Tôn bị các điệp viên FBI tóm, luật sư của ông ta là Cameron Morgan đã không trả lời câu hỏi của giới truyền thông. Cameron Morgan chỉ nói rằng “Hãng Raytheon sẵn sàng hợp tác với cuộc điều tra” và từ chối cho biết thêm.

Theo các tài liệu của phía tòa án được thẩm tra bởi hãng tin Quartz thì khối lượng hồ sơ phân loại của Vệ Tôn là có liên quan đến vài hệ thống phòng không khác nhau do hãng Raytheon độc quyền thiết kế cho quân đội Mỹ và sẽ bán cho các đồng minh của Mỹ cũng như các đại diện Mỹ trên toàn thế giới.

Cho đến giờ này vụ án vẫn chưa được báo cáo công khai, nó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm cho thấy Trung Quốc đang tăng cường mọi nỗ lực để chiếm được công nghệ quân sự của Mỹ. Các dịch vụ an ninh của Mỹ có được là thông qua việc dàn xếp với hàng tá hệ thống vũ khí quan trọng chủ lực, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân đội Mỹ, và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis vốn được sử dụng bởi hải quân Mỹ.

Mô hình AMRAAM (Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) được sử dụng cho các chiến cơ Mỹ kiểu như F-16 và F-22. Ảnh nguồn: National Air and Space Museum.

Trước đó vào năm 2018, các tin tặc được cho là từ Trung Quốc đã đánh cắp một số kế hoạch tối mật về việc phát triển ra loại tên lửa diệt hạm siêu thanh mà phía hải quân Mỹ gọi là Hải Long.

Theo hồ sơ của tòa án, những kẻ xâm nhập đã tìm cách lấy đi một lượng lớn dữ liệu cảm ứng và tín hiệu nhạy cảm vốn là phần bổ sung từ kế hoạch phát triển tàu ngầm của hải quân Mỹ được lưu giữ trong thư viện chiến tranh điện tử. Những vũ khí mà Vệ Tôn được cho là đã chuyển giao ngầm cho phía Trung Quốc là “những hệ thống hàng đầu của Mỹ” theo học giả Dean Trịnh, một thành viên của Quỹ di sản, người chuyên nghiên cứu về các khả năng quân sự của Trung Quốc.

Theo đó, AMRAAM (Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) đã được sử dụng cho các chiến cơ Mỹ kiểu như F-16 và F-22 nhằm tiêu diệt máy bay trước khi chúng kịp phát hiện bằng radar. AMRAAM cũng đã được chuyển đổi thành một hệ thống phòng thủ đất đối không vốn là thứ mà Vệ Tôn quan tâm, và các công tố viên mô tả công việc của Tôn chỉ chăm chăm vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Các tài liệu tòa án cũng tiết lộ việc các nhân viên Raytheon sẽ cung cấp lời làm chứng về tên lửa Stinger (một loại tên lửa phòng không xách tay do lính Mỹ sử dụng) đã được quân đội Mỹ trao cho các lãnh chúa Afghanistan trước đây. Nhưng âm mưu đáng gờm nhất của Vệ Tôn có lẽ là sự tham gia của y vào chương trình Máy giết chóc thiết kế lại (RKV), đây là một nỗ lực mới nhằm thay thế máy bay đánh chặn được sử dụng bởi các hệ thống phòng không của Mỹ nhằm triệt hạ các loại tên lửa đạn đạo đang bay tới.

Năm ngoái 2019, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ chương trình RKV do các trục trặc kỹ thuật, tuy nhiên thông tin về nó xem ra vẫn còn rất hữu ích cho phía Bắc Kinh để hiểu về việc người Mỹ sẽ làm gì để bảo vệ lãnh thổ khỏi các loại tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân. Công nghệ tên lửa đang trở thành trọng tâm thiết yếu trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhằm tạo ra sự bù đắp cho những thiếu hụt về kinh nghiệm từ các hệ thống vũ khí như chiến cơ phản lực.

Trung Quốc có vẻ rất háo hức muốn tìm hiểu cách đánh bại các tên lửa bằng việc hiểu các chi tiết kỹ thuật về cách tên lửa lần ra mục tiêu bằng radar và các cảm biến khác, cũng như làm thế nào các tên lửa có phản hồi các nỗ lực gây nhiễu hoặc làm mất tập trung tác động đến chúng, ông Dean Trịnh cho biết. Sự thật thì Trung Quốc đã có những vũ khí do họ chế tạo tương đương với Mỹ, do đó không nhất thiết phải sao chép công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, hệ thống tên lửa không đối không tiên tiến của Trung Quốc lại chưa từng sử dụng vào thực chiến, trong khi thiết kế của AMRAAM lại mang nhiều bài học có giá trị cho công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Ông Dean Trịnh nhấn mạnh: “Vụ án Vệ Tôn chỉ là một góc trong bức tranh gián điệp quân sự… Và bất cứ quốc gia nào cũng đều có đội quân tình báo chuyên dòm ngó các bí mật quân sự. Vấn đề chỉ là họ đã lấy được những gì mà thôi... ”.

Không có tài liệu nào làm lộ sáng về vai trò đồng phạm của Vệ Tôn, hoặc giả nếu có thì nó cũng không thể khẳng định liệu Tôn có làm việc thay mặt cho tình báo Trung Quốc hay không.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng các cơ quan đặc biệt nước khác luôn đang để mắt tới các cựu công dân – đặc biệt là những người đang làm việc cho các tập đoàn lớn của Mỹ (như Raytheon)”, dẫn lời ông Janosh Neumann, một cựu sĩ quan phản gián từng làm việc cho Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSS), giờ đang sống ở Mỹ. William Mackie, trưởng công tố viên trong vụ án của Vệ Tôn, cho rằng bất kỳ ai mang máy tính tới Trung Quốc cũng có thể gây hại mà không cần phải trực tiếp hợp tác một cách cụ thể.

Bất kỳ thông tin quan trọng nào trong máy cũng đều có thể rơi vào bàn tay nhuần nhuyễn của các điệp viên. Cách đây ít lâu, một bồi thẩm đoàn ở Arizona đã trả lại bản cáo trạng tuyên Vệ Tôn vi phạm các điều khoản của ITAR. Các hồ sơ pháp lý cho thấy Vệ Tôn – người ban đầu không nhận tội – đang chuẩn bị nhận tội như là một phần của thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ. Vệ Tôn đã ra hầu tòa vào ngày 14 tháng 2 năm 2020.

Phan Bình (theo Mysterious Universe)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/vu-an-ve-ton-va-hoat-dong-cua-tinh-bao-quan-su-599904/