Vụ Asanzo, kiểm tra hàng chục DN vẫn chưa thể nói là sai

Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan ở các doanh nghiệp liên quan đến Asanzo và các doanh nghiệp bán hàng cho Asanzo.

Trả lời câu hỏi của tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 19/7 về kết quả xác minh vụ Asanzo, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan ở các doanh nghiệp liên quan đến Asanzo và các doanh nghiệp bán hàng cho Asanzo.

Vụ việc liên quan Asanzo đang có những diễn biến khó đoán định.

Vụ việc liên quan Asanzo đang có những diễn biến khó đoán định.

Bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan(Tổng cục Hải quan) thông tin thêm: Tổng cục Hải quan đã nhận được thông tin từ báo Tuổi trẻ về 25 doanh nghiệp và 26 doanh nghiệp do Bộ Công an chuyển sang. Chúng tôi đã xác minh, thu thập, loại trừ các doanh nghiệp trùng nhau ra thì còn lại 31 doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Asanzo.

“Cục kiểm tra sau thông quan đã có tiến hành kiểm tra xác minh 27 doanh nghiệp, còn 4 doanh nghiệp đã không còn hoạt động. Trong 4 doanh nghiệp này có 1 doanh nghiệp là Công ty Sa Huỳnh đã bị công an khởi tố”, đại diện Cục kiểm tra sau thông quan cho biết.

Trong quá trình kiểm tra, hiện tại Cục kiểm tra sau thông quan đã có quyết định kiểm tra sau thông qua 13 công ty, còn 14 công ty do Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ.

Ngoài 31 doanh nghiệp cung cấp “đầu vào” cho Asanzo, thì còn 56 doanh nghiệp phụ trách “đầu ra”, có cả doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tại, trong 56 doanh nghiệp này chỉ còn 16 doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này.

Trả lời câu hỏi của PV.VietNamNet về việc Asanzo nhập khẩu linh kiện về lắp ráp ti vi, rồi dán xuất xứ Việt Nam có sai hay không, ông Âu Anh Tuấn cho hay: Kết luận sai hay không thì chúng ta đã nghe ý kiến của nhiều chuyên gia. Việc dán nhãn hàng hóa tuân thủ theo Nghị định 43, còn xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định 31 và thông tư 05. Thế nhưng các văn bản này lại chỉ quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi hàng hóa tiêu thụ nội địa thì lại không có quy định.

Đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan chia sẻ: Do vậy cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không hiện tại vẫn chưa rõ quy định.

Còn trường hợp doanh nghiệp nào nhập khẩu nguyên chiếc bếp từ, bàn là… thì phải ghi đúng xuất xứ khi khai báo Hải quan, không được ghi made in Vietnam hay xuất xứ Việt Nam.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài Chính đang kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định tại Nghị định 43, Thông tư 05 để đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam lưu thông ở thị trường trong nước để có tiêu chí khi các cơ quan hải quan kiểm tra xác định hàng hóa này có thể gắn mác "Made in Vietnam" hay không.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/van-chua-ro-asanzo-sai-hay-khong-551805.html