Vụ Bản thu ngân sách Nhà nước đứng đầu các huyện, thành phố của Nam Định

Vụ Bản là vùng đất văn hiến, được lưu truyền danh xưng 'Thiên bản lục kỳ', 'Địa linh nhân kiệt', giàu truyền thống hiếu học và là quê hương của nhiều bậc hiền tài.

Mảnh đất "Thiên bản lục kỳ" với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt

Là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Nam Định, Vụ Bản còn lưu giữ nhiều dấu ấn gắn liền với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt, nơi đây còn bảo tồn được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc lâu đời, nhiều di tích và danh lam thắng cảnh có ý nghĩa lịch sử.

Huyện Vụ Bản còn là một miền quê văn hiến,được lưu truyền danh xưng “Thiên bản lục kỳ”, “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến. Bên cạnh những giá trị di sản văn hóa vật thể, đây còn là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo. Trên địa bàn huyện có 173 di tích trong đó có nhiều di tích cấp Quốc gia như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh; đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, di tích lịch sử chùa Hổ Sơn, bảo tàng Huyền Trân công chúa...

Bên cạnh đó, Vụ Bản còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, nổi bật là lễ hội Phủ Dầy; Hội chợ Viềng; nghi lễ Chầu văn của người Việt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc biệt; 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo UBND huyện cũng đã triển khai có hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương và hình thành nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều sự kiện văn hóa nổi bật như: Chợ Viềng xuân và Lễ hội Phủ Dầy...

Vụ Bản cũng là mảnh đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Trong suốt thời kỳ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Nam, Vụ Bản có 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Danh nhân tiêu biểu phải kể đến Trạng nguyên Lương Thế Vinh, là một nhà chính trị xuất sắc, đứng đầu Viện hàn lâm đảm trách việc văn thư cho nhà vua, lo việc bang giao với nước ngoài, luận bàn việc nước....

Chủ trương đúng, người dân đồng thuận, tốc độ tăng tưởng cao

Đồng chí Trần Minh Hoan - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Vụ Bản

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Minh Hoan - Bí thư huyện ủy Vụ Bản cho biết: Kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2023 của huyện Vụ Bản tiếp tục ổn định, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 13,43%. Tổng giá trị sản xuất đạt 111% theo kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 115,8% theo kế hoạch. Tiền thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đứng đầu trong các huyện, thành phố.

Huyện Vụ Bản cũng đã tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các các dự án. Về lĩnh vực y tế, văn hóa, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, giải quyết đầy đủ và kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện số hóa việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, huyện Vụ Bản tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình an ninh, chính trị - xã hội tiếp tục được ổn định; các dự án trên địa bàn huyện được quan tâm cho phép đầu tư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của huyện.

Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tếp tục được quan tâm chỉ đạo là động lực thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 14,5%, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Đồng chí Nguyễn Khắc Xung - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Đồng chí Nguyễn Khắc Xung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ thêm: Huyện sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 13,5-14,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,87%, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 85% trở lên. Về xây dựng NTM, có từ 1 đến 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; từ 12 thôn, xóm, tổ dân phố trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng các dự án triển khai trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, trình UBND tỉnh về việc chấp thuận nghiên cứu, khảo sát cụm công nghiệp (CCN) Hợp Hưng, CCN Thanh Quang và đưa vào Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyện phấn đấu năm 2024 thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,5-14,5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.064,8 tỷ đồng.

Ánh Tuyết - Duy Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vu-ban-thu-ngan-sach-nha-nuoc-dung-dau-cac-huyen-thanh-pho-cua-nam-dinh.html