Vụ bảo vệ chung cư Home City chặn xe cấp cứu: Lãnh đạo Trung tâm 115 nói gì?

Sau vụ bảo vệ chặn xe cấp cứu bệnh nhân đột quỵ tại chung cư Home City (177 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội), vấn đề được nhiều người dân quan tâm hiện này là thực trạng việc cấp cứu người bệnh tại các khu chung cư cao tầng diễn ra như thế nào, những tồn tại gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu bệnh nhân…

Để làm rõ các nội dung trên, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với ông Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

PV: Ông có thể nói rõ thêm về vụ việc xe cấp cứu 115 bị bảo vệ chung cư Home City chặn lại diễn ra vào ngày 3-9?

Ông Trần Anh Thắng: Ngay sau khi người nhà bệnh nhân gọi điện tới Trung tâm 115 cung cấp địa chỉ cần đến là 177 Trung Kính, Trung tâm đã nhanh chóng điều nhân viên y tế, xe cứu thương đến địa chỉ này. Khi xe đến cổng, do bảo vệ không mở barrier nên nhân viên y tế đã chủ động, linh hoạt, xuống xe đi bộ để vào cấp cứu bệnh nhân nhanh nhất có thể, còn xe cấp cứu di chuyển ra cổng khác. Đáng tiếc là bệnh nhân đã không qua khỏi.

Ông Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Ông Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

PV: Qua sự việc trên, ông có thể cho biết về những khó khăn trong quá trình cấp cứu bệnh nhân tại các khu chung cư cao tầng thời gian qua?

Ông Trần Anh Thắng: Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều khu chung cư lối ra vào khá chật hẹp, trong các tòa nhà lại không có thang hàng nên cáng cứu thương không lên được. Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà lại không có chỉ dẫn rõ ràng, không địa chỉ cụ thể nên việc cấp cứu bệnh nhân bị chậm trễ…

PV: Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn Hà Nội số cuộc gọi đến yêu cầu xe cấp cứu là bao nhiêu, số ca không thể tiếp cận được cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Trần Anh Thắng: Trung bình 1 ngày, Trung tâm cấp cứu 115 nhận được từ 100-110 cuộc gọi yêu cầu cấp cứu. Tuy vậy, có tới gần 30% cuộc gọi xe cấp cứu không tiếp cận được (hầu hết là những cuộc gọi cấp cứu tai nạn giao thông vào ban đêm, tại các khu chung cư mới không có địa chỉ rõ ràng hoặc tại phố chưa có tên, số nhà lộn xộn…). Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân mà còn gây tốn kém, mất thời gian cho đơn vị thực hiện cấp cứu. Bởi hiện Trung tâm cấp cứu 115 chỉ 20 xe cấp cứu phục vụ trên 10 triệu dân của Thành phố nên nhiều khi rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, do ý thức của một số người tham gia giao thông còn hạn chế, khi xe cấp cứu hú còi xin vượt, thấy trên xe không có người họ cố tình không nhường đường mà không biết rằng việc cứu người đang vô cùng cấp thiết.

PV: Để công tác cấp cứu đạt hiệu quả cao, ông có khuyến cáo gì đối với người dân và đơn vị quản lý các khu chung cư?

Ông Trần Anh Thắng: Điều quan trọng nhất khi gọi xe cấp cứu là người dân cần cung cấp địa chỉ rõ ràng và chính xác, chỉ dẫn cụ thể cho lái xe điểm cần đến. Bên cạnh đó, các gia đình phải đảm bảo giữ liên lạc thường xuyên đối với số điện thoại đã gọi xe cấp cứu để trong trường hợp khẩn cấp, nhân viên y tế của trung tâm liên lạc, hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân qua điện thoại.

Tại các khu chung cư cao tầng, chủ đầu tư cần lưu ý trong quá trình thiết kế, thi công nên lắp đặt thang hàng đủ rộng (chiều rộng khoảng 1 m, chiều dài trên 2m) phòng trường hợp phải di chuyển thang cứu thương lên các tầng trên đồng thời bố trí người vận hành thang này thường xuyên, liên tục. Mặt khác, lối ra, vào chung cư nên bố trí hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xe cứu thương, xe PCCC dễ dàng tiếp cận, gắn biển tên tòa nhà, có sơ đồ chỉ dẫn rõ ràng. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà cũng cần được đào tạo bài bản, xử trí linh hoạt, kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vu-bao-ve-chung-cu-home-city-chan-xe-cap-cuu-lanh-dao-trung-tam-115-noi-gi/781342.antd