Vụ bắt lãnh đạo Huawei phủ bóng lên đàm phán Mỹ - Trung

Vụ Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei theo yêu cầu của Mỹ, có thể làm căng thẳng thêm các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei, người vừa bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Ảnh: Reuters

Vụ bắt giữ “gây sốc”

Hôm 5-12, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Canada cho biết bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei (Trung Quốc), bị bắt giữ hôm 1-12 và đang được Mỹ yêu cầu dẫn độ. Người phát ngôn không thông báo chi tiết tội danh bị cáo buộc vì bà Meng yêu cầu không công bố.

Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada tuyên bố cực lực phản đối vụ bắt giữ và kêu gọi Canada thả bà Meng ngay lập tức vì cho rằng bà không vi phạm pháp luật Canada hay pháp luật Mỹ. Huawei cũng xác nhận không biết bà Meng có vi phạm gì vì hãng này chỉ được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc nhằm vào bà.

Thông báo của Huawei cho biết bà Meng bị bắt theo yêu cầu của Mỹ khi đang đổi chuyến bay ở Canada và bà đối mặt với các cáo buộc chưa rõ chi tiết từ Văn phòng biện lý liên bang Mỹ ở Eastern District, New York (Mỹ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hành động bắt giữ người mà không đưa ra lời giải thích là “vi phạm nhân quyền”. Tờ Globe & Mail cho biết bà Meng Wanzhou bị bắt giữ vì liên quan đến các vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Các nhà chức trách Mỹ đang điều tra Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất thiết bị mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới vì nghi ngờ hãng này bán các sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ cho Iran, vi phạm các luật kiểm soát xuất khẩu và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Julian Ku, giáo sư ở trường Luật thuộc Đại học Hofstra ở New York cho rằng vụ bắt giữ là động thái chính đáng. Ông viết trên Twitter: “Khi Huawei trả phí để được cấp phép sử dụng một số công nghệ của Mỹ, hãng này đã cam kết không xuất khẩu chúng đến một số nước (bị Mỹ trừng phạt) như Iran. Vậy nên, không có gì bất hợp lý khi trừng phạt Huawei vì coi thường luật Mỹ”.

Vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou diễn ra đúng vào hôm Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại tại cuộc họp cấp cao ở Argentina. Andrew Gilholm, Giám đốc phụ trách Bắc Á ở tổ chức North Control Risks Group cho rằng: “Thời điểm và cách bắt giữ (bà Meng Wanzhou) gây sốc”.

Từ lâu, Huawei đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại Mỹ. Hoa Kỳ nhiều lần bày tỏ lo ngại rủi ro an ninh quốc gia khi sử dụng các thiết bị của Huawei vì cho rằng hãng này có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc.

Meng Wanzhou là ai?

Meng Wanzhou, 46 tuổi, là con gái của Ren Zhengfei, người sáng lập kiêm Chủ tịch Huawei. Gần đây, bà nổi lên như ngôi sao sáng có khả năng kế nhiệm vai trò chủ tịch Huawei sau khi được bổ nhiệm vào vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Huawei trong năm nay. Trong suốt 25 năm làm việc, bà đã kinh qua nhiều bộ phận và có thời gian lãnh đạo một chương trình hợp tác giữa Huewei và IBM.

Bà chủ trì hội nghị tài chính hàng năm của Huawei có tên gọi Diễn đàn Tài chính công nghệ thông tin và truyền thông Huawei, một sự kiện từng tổ chức ở New York (Mỹ), Milan (Ý) và Cancun (Mexico). Về mặt nội bộ, Huawei nổi tiếng với văn hóa làm việc nhóm có cường độ cao, căng thẳng và bà Meng được biết đến là người có phong cách trầm tĩnh, kiên quyết.

Năm 2007, bà Meng được bổ nhiệm vào vị trí thư ký hội đồng quản lý của công ty Huawei - Skycom, nắm quyền sở hữu công ty Skycom Tech ở Hồng Kông. Skycom Tech có mối quan hệ làm ăn với Iran. Năm 2008, bà được đưa vào vị trí thành viên hội đồng quản trị của Skycom Tech trước khi từ chức vào năm sau đó. Nhà chức trách Mỹ giờ đây đang điều tra những việc làm của bà khi ở vai trò này.

Vụ điều tra Huawei cũng tương tự như vụ điều tra của Mỹ nhằm vào hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE về cáo buộc vi phạm lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho Iran. Hồi đầu năm nay, Mỹ cấm các công ty trong nước bán linh kiện cho ZTE, khiến tình hình kinh doanh của hãng này điêu đứng. Sau đó, công ty này chấp nhận nộp phạt 1 tỉ đô la, một phần của thỏa thuận để được dỡ bỏ lệnh cấm.

Trong một thập kỷ qua, Huawei đã vươn lên trở thành một tập đoàn quyền lực. Được thành lập vào năm 1987 bởi Ren Zhengfei, một cựu kỹ sư của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, Huawei đạt doanh thu hơn 90 tỉ đô la trong năm 2017. Là một gương mặt đại diện cho các công ty tư nhân, ông từng được bầu làm đại biểu quốc hội Trung Quốc vào năm 1982.

Gây căng thẳng cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Giới phân tích cho rằng vụ bắt giữ Meng Wanzhou sẽ không làm hỏng tiến trình khởi động các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tuy vậy, họ vẫn ghi nhận rằng vụ bắt giữ sẽ ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán này.

Eswar Prasad, giáo sư chuyên ngành chính sách thương mại ở Đại học Cornell New York, cho biết vấn đề Huawei có thể “phủ một bóng đen lên các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung".

Ông nói: “Thỏa thuận đình chiến thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang lung lay giờ đây có nguy cơ tan rã nhanh chóng”. Song theo ông, khả năng Trung Quốc chỉ phản ứng chừng mực trước vụ bắt giữ nhưng điều này chắc chắn sẽ đẩy cao căng thẳng cho các cuộc đàm phán thương mại.

Các nhà phân tích của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou sẽ làm xói mòn các cuộc đàm phán hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh. Vụ bắt giữ và yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ cho thấy một sự leo thang lớn trong hàng loạt nỗ lực của Mỹ nhằm buộc các công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm vì vi phạm pháp luật Mỹ.

“Kết hợp với các biện pháp khác mà chính quyền Mỹ đang cân nhắc chẳng hạn Mỹ có thể áp dụng các lệnh trừng phạt chống các công ty Trung Quốc được hưởng lợi nhờ ăn cắp tài sản trí tuệ..., hành động bắt giữ Meng Wanzhou sẽ ảnh hưởng xấu đến bầu không khí của các cuộc đàm phán, khiến hai bên có ít khả năng đạt được một thỏa thuận bền vững”, các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định.

Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao phụ trách châu Á ở Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush nói: “Vụ bắt giữ chắc chắn làm phức tạp thêm cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung”.

Hôm 5-12, tờ Thời báo hoàn cầu, một phụ san của tờ Nhân dân nhật báo, đã đăng trên Twitter phát biểu của Mei Xinyu, một chuyên gia ở Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc: “Trung Quốc nên sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ vì nước này vẫn giữ lập trường cứng rắn, vụ bắt giữ một lãnh đạo cấp cao của Huawei là một ví dụ sống động”.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282629/vu-bat-lanh-dao-huawei-phu-bong-len-dam-phan-my--trung.html