Vụ bé 2 tuổi tử vong sau truyền dịch: Phòng khám tư có được phép truyền dịch?

Trường hợp bé Nguyễn Gia B. (2 tuổi) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám ở 392 Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội) là đáng tiếc, ngoài ý muốn, nhưng không phải hy hữu. Câu hỏi đặt ra là các phòng khám tư như vậy có được phép thực hiện truyền dịch hay không?

Lạm dụng truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai biến

Lạm dụng truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai biến

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, muốn truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ và chỉ được thực hiện ở bệnh viện, các cơ sở y tế đã qua thẩm định, được cấp phép, có đầy đủ phương tiện, thiết bị cấp cứu chống sốc phản vệ. Với các phòng khám thông thường, tuyệt đối không được thực hiện dịch vụ kỹ thuật truyền dịch.

“Chẳng hạn như Phòng khám chuyên khoa Nội (ở 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội), có phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép, gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên môn. Phòng khám này thực hiện truyền dịch cho người bệnh là vi phạm” – ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Trung, các cơ sở y tế đủ điều kiện để được cấp phép thực hiện dịch vụ truyền dịch chủ yếu là các phòng khám đa khoa có phòng cấp cứu vì truyền dịch là một thủ thuật dễ gây sốc phản vệ, kể cả với những loại dịch truyền thông thường.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Long Biên, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động y tế ngoài công lập, nhất là tập trung kiểm tra việc tuân thủ thực hiện đúng phạm vi các danh mục kỹ thuật được cấp phép.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng nghiêm cấm nhân viên y tế làm dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà, bởi nếu xảy ra tai biến thì không đủ trang thiết bị và nhân lực cấp cứu kịp thời, nguy cơ gây tử vong rất lớn. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên tự ý tìm đến những cơ sở không đủ điều kiện để truyền dịch, mà cần đến trạm y tế, bệnh viện, trung tâm y tế hoặc những cơ sở có đủ điều kiện, giấy phép...

Chia sẻ thông tin về những nguy cơ có thể xảy ra do truyền dịch, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trên thực tế, vẫn còn khá phổ biến tình trạng nhiều người bệnh hễ cứ thấy mệt mỏi, không khỏe, sốt cao... là nghĩ ngay đến truyền dịch mà không lường hết những hiểm họa.

Thậm chí ngay cả một số cơ sở y tế công lập, bệnh viện cũng có tình trạng lạm dụng việc truyền dịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca, nhưng vẫn phải thật cẩn trọng, không nên lạm dụng và tùy tiện thực hiện. Truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Việc dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tùy từng trường hợp cụ thể và có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vu-be-2-tuoi-tu-vong-sau-truyen-dich-phong-kham-tu-co-duoc-phep-truyen-dich/786898.antd