Vụ bê bối gian lận tuyển sinh đại học Mỹ: bề nổi của tảng băng trôi

Ngành giáo dục Mỹ đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi đường dây gian lận tuyển sinh được cho là lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến các trường đại học danh tiếng, các ngôi sao Hollywood, giới thượng lưu… vừa bị đưa ra ánh sáng.

Một số người nói rằng vụ bê bối này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Những ai đứng sau vụ gian lận tuyển sinh đại học?

Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết có tới 50 người, từ các ngôi sao Hollywood và các lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng, đã tham gia vào kế hoạch mua chuộc huấn luyện viên và quan chức các đại học để “gật đầu” cho con em họ “lọt vào” với tư cách là vận động viên trong đội tuyển thể thao để được đặc cách, ngay cả khi những sinh viên này chưa từng chơi hay đạt thành tích đặc biệt nào.

 Nữ diễn viên Hollywood, Lori Loughlin (trái) và Felicity Huffman bị truy tố trong vụ "mua suất" cho con vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

Nữ diễn viên Hollywood, Lori Loughlin (trái) và Felicity Huffman bị truy tố trong vụ "mua suất" cho con vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

Hai nữ diễn viên Lori Loughlin và Felicity Huffman nằm trong số hàng chục phụ huynh, đến từ 6 tiểu bang, dính phải cáo buộc. Ngoài ra có 9 huấn luyện viên của các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Đại học Yale, Đại học Stanford, Đại học Nam California, Đại học Georgetown; 2 kiểm soát viên phụ trách kỳ thi ACT hoặc SAT; CEO William Rick Singer…

Đường dây hoạt động như thế nào?

William Rick Singer xuất hiện tại tòa án ngày 12/3.

William Rick Singer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn tuyển sinh đại học có tên The Key, được cho là chủ mưu đứng sau vụ “mở cửa sau” đưa “con nhà giàu” vào các trường đại học danh tiếng.

Các công tố viên cho biết, một số phụ huynh quyền lực đồng ý “rút hầu bao” từ 15.000 - 75.000 USD cho Singer để “hóa phép” các bài kiểm tra đầu vào đại học của con cái họ đạt điểm cao hơn.

Vị CEO này đã sắp xếp bên thứ ba - thường là Mark Riddell - bí mật thay đổi các câu trả lời hoặc để người khác làm hộ bài kiểm tra. Singer cũng tiếp tay cho phụ huynh trong việc hối lộ huấn luyện viên của trường đại học để chứng thực con họ có năng khiếu thể thao, thậm chí “tung” một số hình ảnh giả của các sinh viên chụp trong sự kiện thể thao.

Mark Riddell là giám đốc luyện thi đại học tại Học viện IMG - trường thể thao nổi tiếng thế giới, nơi các vận động viên bao gồm Andy Murray và Serena Williams đã được đào tạo. Riddell thường kiếm được 10.000 USD cho mỗi bài kiểm tra và được chuyển khoản từ tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation (KWF) - tập đoàn phi lợi nhuận của Singer, nhằm mục đích giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thế giới, để được miễn thuế nhưng thực chất là hoạt động bất hợp pháp. KWF cũng được rót tiền từ các khoản thanh toán khổng lồ của phụ huynh cho William Rick Singer trên danh nghĩa từ thiện.

Không rõ chính xác Riddell đã “nhúng tay” vào bao nhiêu bài kiểm tra.

Để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và Riddell “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”, Singer cũng hối lộ những người có liên quan trực tiếp đến tuyển sinh. Igor Dvorskiy, người quản lý các bài kiểm tra SAT và ACT ở Los Angeles và Lisa Niki Williams, người quản lý các bài kiểm tra tại một trường trung học công lập ở Houston, đều bị buộc tội nhận hối lộ để cho phép Riddell can thiệp vào bài kiểm tra.

Hình phạt cho William Rick Singer, vợ chồng Lori Loughlin, và Felicity Huffman

Ngày 12/3, trong phiên điều trần tại Tòa án liên bang Boston, Singer bị cáo buộc 4 tội danh: gian lận tuyển sinh, rửa tiền, âm mưu trốn thuế và cản trở công lý. Ông đã thừa nhận tất cả cáo buộc đó là "sự thật". William Rick Singer có thể đối mặt với 65 năm tù, 3 năm được thả có sự giám sát, nộp phạt 1,25 triệu USD.

"Tôi muốn xin lỗi về những việc làm mà tôi đã gây ra. Tôi biết hành động của mình đã làm mất niềm tin vào quá trình tuyển sinh đại học. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Riddell nói trong một tuyên bố do luật sư của ông cung cấp.

Luật sư người Mỹ Andrew Lelling cho biết: "Về cơ bản William Rick Singer vi phạm hai loại gian lận. Một là gian lận trong các kỳ thi tuyển sinh SAT và ACT. Thứ hai là sử dụng các mối liên hệ của ông ấy với các huấn luyện viên và hối lộ họ nhằm giúp “con nhà giàu” “chạy” vào trường đại học hàng đầu với thông tin giả mạo trong hồ sơ thể thao".

Mặc dù các huấn luyện viên đại học không quyết định rõ ràng ai được chấp nhận vào trường đại học mà họ đang giảng dạy, nhưng họ đưa ra khuyến nghị về việc nên tuyển chọn vận động viên nào.

Lori Loughlin - một trong ba siêu sao Hollywood - và chồng cô, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli, được cho là đã đưa hối lộ với tổng số tiền 500.000 USD để hai con gái của họ “lọt” vào Đại học Nam California (USC). Nhưng cả hai cô con gái của nữ diễn viên "Full House" đều không phải.

Nữ diễn viên Huffman đã chuyển 15.000 USD cho tổ chức từ thiện KWF.

Ngày 13/3, xuất hiện tại tòa án liên bang ở Los Angeles, Loughlin thừa nhận cáo buộc trước các nhà chức trách, phát ngôn viên của FBI Laura Eimiller cho biết. Tuy nhiên, vợ chồng Loughlin đều được bảo lãnh với số tiền 1 triệu USD. Thẩm phán Steve Kim cho biết, ngôi sao Hollywood không bị cấm bay ở Mỹ và British Columbia (Canada), nơi cô đang tham gia dự án phim. Loughlin có nhiều kế hoạch khác đến tháng 11 năm nay.

Ngôi sao phim truyền hình Những bà nội trợ kiểu Mỹ - Felicity Huffman cũng được tại ngoại sau khi nộp 250.000 USD tiền bảo lãnh.

Cả ba đều bị bắt giữ tại nhà vào ngày 12/3. Phiên tòa tiếp theo xét xử vụ bê bối này sẽ diễn ra vào ngày 29/3 tại Boston và dự kiến sẽ được tuyên án ngày 19/6.

Theo luật sư Andrew Lelling, đa số sinh viên không biết “động cơ chính trong vụ lừa đảo này” của phụ huynh, vì vậy, họ có thể không bị buộc tội.

Phản ứng của nước Mỹ

Trên khắp nước Mỹ, các bậc phụ huynh bày tỏ bất bình trước sự việc các gia đình giàu có hành vi gian lận trong mùa tuyển sinh đại học trong khi những đứa con của họ dốc sức học hành, miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi thì bị loại.

Đại học Nam California.

Ngay sau khi vụ bê bối bị phanh phui, Đại học Nam California cho biết họ đã sa thải Giám đốc thể thao cấp cao Donna Heinel và huấn luyện viên bóng nước Jovan Vavic - hai người đều bị buộc tội liên quan đến âm mưu này.

Mặc dù không bị cáo buộc trực tiếp về hành vi sai trái này, nhưng Đại học Nam California đang trong quá trình xác định các khoản tiền bất hợp pháp mà trường đại học này nhận được liên quan đến cáo buộc. Ngoài ra, USC đang cố gắng thắt chặt quy trình tuyển sinh để đảm bảo những hành động như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai. Cũng theo phát ngôn viên của USC, Gary Polakovic, trường sẽ đánh giá từng trường hợp cụ thể đối với các sinh viên đã đăng ký học tại USC và đưa ra các quyết định phù hợp, sáng suốt. Những sinh viên có liên quan đều không được nhập học. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi vụ bê bối bị phơi bày.

Đại học Stanford vừa sa thải huấn luyện viên trưởng đội đua thuyền, John Vandemoer sau khi nhận tội vào thứ 3 (12/3).

Huấn luyện viên bóng chuyền Bill Ferguson của trường Đại học Wake Forest bị buộc thôi việc.

Đại học Texas tại Austin hôm thứ 4 đã sa thải huấn luyện viên quần vợt nam Michael Center, một ngày sau khi cho anh nghỉ phép. Center bị buộc tội đồng phạm trong âm mưu lừa đảo này.

Đại học Georgetown cho biết họ "rất thất vọng" khi biết cựu huấn luyện viên quần vợt Gordon Ernst bị buộc tội. Ernst đã không đảm nhiệm vị trí huấn luyện đội quần vợt của trường đại học này kể từ tháng 12/017, sau một cuộc điều tra nội bộ cho thấy anh ta vi phạm các quy tắc liên quan đến tuyển sinh của trường".

Đại học Yale sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà điều tra sau khi cựu huấn luyện viên bóng đá nữ Rudolph Rudy Meredith bị buộc tội.

Hiện Mỹ đang tiến hành mở rộng điều tra vì còn rất nhiều người đứng sau vụ việc gây chấn động ngành giáo dục nước này.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/vu-be-boi-gian-lan-tuyen-sinh-dai-hoc-my-be-noi-cua-tang-bang-troi-159700.html