Vụ bé gái nghi bị xâm hại tình dục ở Nghệ An: Thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em?

Hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự.

Thời gian qua, vụ việc bé gái 6 tuổi tại Nghệ An nghi bị xâm hại tình dục đang gây bức xúc dư luận, với nhiều thông tin trái chiều. Mặc dù vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công An TP Vinh điều tra làm rõ và chưa có kết luận cuối cùng.

Để giúp độc giả hiểu hơn về hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định như thế nào thì, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã dành ra 05 điều quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong đó có:

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tội này tương đương với Tội hiếp dâm trẻ em được quy định tại Điều 112 BLHS năm 1999. Tại Điều 142 BLHS năm 2015, hành vi của tội này đã được mô tả cụ thể hơn.

Theo đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Như vậy hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi được quy vào tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Và với tội danh này, người phạm tội sẽ bị phạt thấp nhất là 07 năm tù và cao nhất là tử hình, tùy thuộc vào mức độ phạm tội.

Clip cuộc nói chuyện giữa cháu bé nghi bị xâm hại ở Nghệ An.

Mới đây, TAND Tối cao vừa gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội phạm xâm hại tình dục, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Dự thảo dành một điều để giải thích từ ngữ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em, quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục và dụng cụ khác.

Trong đó, “Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập” - dự thảo nêu rõ.

Hành vi quan hệ tình dục khác, theo dự thảo, là một trong các hành vi:

a) Quan hệ tình dục của người cùng giới tính;

b) Quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu;

c) Hành vi quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.

Dự thảo cũng dành một điều quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo đó:

Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của BLHS (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non).

b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân).

Không xử lý hình sự về tội phạm tương ứng đối với hành vi quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi, trừ trường hợp quay lại cảnh quan hệ tình dục sau đó phát tán ra công chúng.

Liên quan đến vụ việc cháu bé tại Nghệ An nghi bị xâm hại, theo Luật sư Nguyễn Huy An – Văn phòng Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Căn cứ vào những tình tiết và hình ảnh mà người nhà nạn nhân cung cấp, vụ việc đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự. (Quy định tại điều 143; 147 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo đó: Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra ( CQ CSĐT) tiếp nhận tin báo, tố giác, tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội, căn cứ vào lời khai của Người bị hại, chứng cứ, vật chứng liên quan nếu đủ cơ sở sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

Đối với vụ việc này, ở đây CQ CSĐT đã tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân, tiến hành lấy lời khai của các bên liên quan.

Căn cứ vào những tình tiết, kết quả giám định sức khỏe của cháu bé hoàn toàn phù hợp với những lời khai và nguồn tin tố giác.

Vì vậy CQ CSĐT Công an TP Vinh hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự.

Bàn tròn Pháp luật bàn luận xung quanh vụ việc cháu bé 7 tuổi nghi bị xâm hại tại TP Hồ Chí Minh.

Hà Thư

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-be-gai-nghi-bi-xam-hai-tinh-duc-o-nghe-an-the-nao-la-hanh-vi-xam-hai-tinh-duc-tre-em-d104484.html