Vụ bỏ làm Phó Chủ tịch xã để đi XKLĐ: Phổ biến, không còn hiếm hoi

Liên quan đến một số trường hợp là cán bộ, công chức ở Hà Tĩnh thời gian qua xin nghỉ việc để ra 'làm ngoài', những người trong cuộc và cả cơ quan quản lý đã có những chia sẻ đáng quan tâm, trăn trở.

Ông Thành - nguyên là Trưởng Công an xã Cẩm Trung chia sẻ về quyết định nghỉ việc để đi lái xe container cho thu nhập cao hơn của mình. Ảnh: Trần Tuấn

Nhiều người xin nghỉ ra "làm ngoài"

Như Lao Động đã thông tin, UBND huyện Kỳ Anh đã có quyết định cho ông Dương Văn Quyền - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp nghỉ việc kể từ ngày 1.1.2019 theo nguyện vọng.

Sự việc cũng được ông Đào Mạnh Linh – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp xác nhận và cho biết, ông Quyền làm PCT xã Kỳ Hợp từ năm 2015 với mức lương cộng các phụ cấp khác trước khi xin nghỉ là hơn 6 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, ông Quyền vẫn xin nghỉ vì có người thân làm việc ở nước Đức gọi sang đó làm ăn.

Sáng 10.1, chia sẻ về quyết định của mình, ông Quyền cho rằng, bản thân không muốn nói đến chuyện vì thu nhập mà xin nghỉ việc làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của những cán bộ, công chức khác. Nguyên nhân xin nghỉ chỉ là.... “hoàn cảnh gia đình”.

Ông cũng xác nhận mình đã làm hồ sơ đi XKLĐ ở Đức.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp, giữa năm 2018, ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó trưởng Công an xã Kỳ Hợp cũng xin nghỉ việc dù đã có thời gian làm ở vị trí này được khoảng 3 năm để xin vào làm nhân viên của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nguyên nhân xin nghỉ là do làm phó công an xã lương chỉ hơn 2 triệu/tháng, nhưng khi vào làm ở Cty Formosa Hà Tĩnh thì được trả lương 10 triệu đồng/tháng.

Đường vào xã Kỳ Hợp, nơi trong năm 2018 có một PCT xã và một phó công an xã xin nghỉ việc. Ảnh: Trần Tuấn

Trước đó, vào năm 2017, ông Trần Hữu Thành - Trưởng Công an xã Cẩm Trung huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng xin nghỉ việc để vào miền Nam làm nghề lái xe container. Nguyên nhân xin nghỉ được người này chia sẻ vì thu nhập thấp không đảm bảo được cuộc sống nên tìm công việc mới để có thu nhập tốt hơn.

Sáng 10.1, trao đổi qua điện thoại, ông Thành cho biết mình đang lái xe đổ hàng ở tỉnh Quảng Bình. Hỏi về công việc hiện tại, ông Thành nói “Tôi lái xe thuê được trả lương 13 triệu đồng/tháng đã bao ăn, ở. Với mức thu nhập này tôi rất hài lòng. Đến giờ tôi vẫn cho rằng quyết định nghỉ việc của mình là đúng, không có gì phải hối tiếc”. Theo ông Thành, thời điểm ông xin nghỉ việc với chức danh là trưởng công an xã Cẩm Trung vào năm 2017, lương của ông khi đó trừ chi phí đóng BHXH chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng.

"Đã khá phổ biến"

Ông Trần Huy Liệu – PGĐ Sở Nội vụ Hà Tĩnh – cho rằng, việc một số cán bộ, công chức, viên chức hay bác sỹ ở bệnh viện công xin nghỉ việc ra làm ngoài thời gian qua ở Hà Tĩnh không phải là mới. Việc này cũng đã xuất hiện và khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Ở Hà Tĩnh, ông Liệu cho biết, không chỉ cán bộ cấp xã, phường mà có cả cán bộ, chuyên viên ở cấp huyện, cấp tỉnh cũng xin nghỉ việc để ra làm ngoài.

“Có người muốn thay đổi môi trường làm việc, muốn có thu nhập cao hơn mà họ tự tin và có cơ hội để thực hiện nên quyết định xin nghỉ để ra làm ngoài. Cán bộ cấp xã bây giờ thu nhập không còn như ngày xưa nữa, lương đã có ngạch, bậc như cấp huyện, cấp tỉnh rồi, cũng không còn quá thấp nữa, nhưng có người muốn có thu nhập tốt hơn thì họ vẫn xin ra”- ông Liệu nhìn nhận.

Với câu hỏi, vậy tại sao nhiều người lại cố gắng để xin, tuyển được vào làm cán bộ, công chức nhà nước, ông Liệu cho rằng, hiện nay chủ yếu vẫn đang là người muốn xin vào làm công chức nhà nước, đặc biệt là đối với các sinh viên mới ra trường. Bởi khi đó, nhiều sinh viên chưa tìm được cơ hội công việc bên ngoài. Ngoài ra, cũng có một số người dù đã có thu nhập tốt, nhưng cũng muốn xin vào nhà nước để gọi là có công việc ổn định, là cán bộ, công chức.

TRẦN TUẤN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vu-bo-lam-pho-chu-tich-xa-de-di-xkld-pho-bien-khong-con-hiem-hoi-651309.ldo