Vụ BS Lương: 9 người chết là do đồng hồ đo độ dẫn điện?

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương cũng như bị cáo Bùi Mạnh Quốc đều cho rằng việc đồng hồ đo độ dẫn điện bị sai số là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố chạy thận khiến 9 người chết.

Ngày 24-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, các LS bào chữa cho Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) đã đưa ra hàng loạt căn cứ để chứng minh thân chủ của mình không phạm tội vô ý làm chết người. Đại diện VKS đã có phần tranh luận lại với những quan điểm này.

Quang cảnh phiên xử sáng ngày 24-1. Ảnh: TP

Quang cảnh phiên xử sáng ngày 24-1. Ảnh: TP

Phải lựa chọn an toàn cho bệnh nhân thay vì thói quen

Mở đầu phần đối đáp, đại diện VKS bác toàn bộ phần tranh luận của các LS bào chữa cho Hoàng Công Lương khi cho rằng cơ quan này có nhiều vi phạm tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án. Vị đại diện khẳng định đã phối hợp cùng CQĐT thực hiện đầy đủ các bước tố tụng.

Về hành vi phạm tội, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ để truy tố Lương tội vô ý làm chết người, bởi chủ thể của tội này là người có hành vi vô ý gây thiệt hại về tính mạng cho người khác. Trước khi ra y lệnh, dù biết nguồn nước bị can thiệp nhưng Lương đã không kiểm tra, bởi vậy đây là hành vi nguy hiểm.

Cơ quan công tố cáo buộc Lương trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, tẩy rửa màng RO bởi vậy bị cáo biết rõ nội dung sửa chữa ngày 28-5-2017. Giữ nguyên quan điểm trong cáo trạng, đại diện VKS cho rằng là bác sĩ được đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật lọc máu, Lương buộc phải biết sau khi tẩy rửa hệ thống RO, nguồn nước phải đảm bảo.

Đại diện VKS cũng đối đáp lại phần bào chữa của các LS khi cho rằng Lương không biết nội dung của hợp đồng 315 giữa BV và công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, không nắm được phải xét nghiệm AAMI và cũng không biết Bùi Mạnh Quốc (giám đốc côn ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) đã sử dụng loại hóa chất gì để tẩy rửa hệ thống.

Cụ thể, nữ KSV khẳng định cơ quan công tố không cáo buộc Lương phải chịu trách nhiệm về nguồn nước cũng như phải trực tiếp kiểm tra chất lượng nguồn nước, mà chỉ cáo buộc với vai trò là bác sĩ điều trị, Lương phải xác minh lại thông tin về nguồn nước để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Tại ca lọc thận ngày 29-5 được xác định là trường hợp đặc biệt, vì hệ thống RO số 2 vừa mới sửa chữa. Việc chạy thận không thể dừng tuy nhiên nguồn nước RO lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn. Trong trường hợp này, Lương buộc phải lựa chọn sự an toàn của người bệnh chứ không thể vì thói quen mà thực hiện ra y lệnh theo phản xạ.

Trước khi ra y lệnh, Hoàng Công Lương không xác minh lại thông tin từ người sửa chữa mà chỉ nghe thông tin gián tiếp từ điều dưỡng viên để ra y lệnh. Điều dưỡng viên này lại không hề là người được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm nguồn nước.

“Với vai trò phụ trách chuyên môn điều trị và lương tâm của bác sĩ, Lương buộc phải biết nguồn nước phải đảm bảo an toàn trước khi chạy thận cho bệnh nhân” – đại diện VKS nói.

Đối với việc ba lần thay đổi tội danh với Lương, đại diện VKS cho hay qua nhiều lần điều tra lại thì cơ quan tố tụng nhận thấy có những tình tiết mới trong vụ án. Trong đó, nhiệm vụ của Lương tại cuốn sổ giao ban được xác định là bị ghi thêm, vì vậy bằng chứng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không còn khách quan. Từ đó, VKS đã thay đổi tội danh sang vô ý làm chết người đối với bị cáo.

KSV Bùi Thị Thu Hằng, người giữ quyền công tố tại phiên tòa. Ảnh: TP

Chết người là tại cái đồng hồ?

Đối đáp lại, LS Hoàng Ngọc Biên đề nghị đại diện VKS chỉ ra điều, khoản cụ thể quy buộc Hoàng Công Lương phải có trách nhiệm kiểm tra lại nguồn nước trước khi ra y lệnh.

Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Quynh cho rằng việc không lấy mẫu nước ở đầu vào để giám định là vi phạm trong quá trình thu thập vật chứng. Cùng một thời điểm, cùng một quá trình, cùng một lượng hóa chất, bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện ở nhiều BV khác nhau nhưng tại sao sự cố chỉ xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hơn thế, quy trình lọc thận của Bộ Y tế năm 2014 và năm 2018 có sự khác nhau, trong khi năm 2014 quy định ai có chứng chỉ hành nghề đều được ra y lệnh thì năm 2018 (sau khi sự cố xảy ra) mới sửa thành chỉ ai có chứng chỉ lọc máu mới được ra y lệnh.

LS Nguyễn Thúy Kiều cũng phản bác lại cáo buộc của VKS quy trách nhiệm Lương biết việc tẩy rửa màng RO. Tuy nhiên trên thực tế, Lương chỉ ký xác nhận nội dung sửa chữa hệ thống RO số 2 chứ không biết sửa chữa những mục gì.

Đáng chú ý, LS Trần Hồng Phúc khẳng định việc Hoàng Công Lương ra y lệnh không phải là “chốt chặn” cuối cùng của quy trình chạy lọc thận, đây mới chỉ là bước thứ hai trong tổng số tám bước.

LS cho rằng đại diện VKS đã bỏ qua nhiều bút lục có lợi cho Lương, trong đó có những lời khai cho thấy Trần Văn Sơn chưa được điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo bàn giao hệ thống RO trước khi sửa chữa. Điều này có nghĩa là việc sửa chữa là chưa hợp pháp, do đó không thể buộc Lương phải có biên bản bàn giao trước khi ra y lệnh.

Đặc biệt, nữ LS cũng đề cập tới chiếc đồng hồ đo độ dẫn điện của đơn nguyên thận nhân tạo bị sai số, được thể hiện qua kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an.

Theo bà Phúc, đồng hồ đo độ dẫn điện là công cụ duy nhất để xác định chỉ số an toàn trong mức cho phép. Nếu không vì đồng hồ sai chỉ số thì sự cố đã không xảy ra. Do đó, Lương hoàn toàn vô can vì không có trách nhiệm trước sự sai số của đồng hồ.

Tại phiên tòa chiều qua (23-1), vấn đề này cũng được bị cáo Bùi Mạnh Quốc nhắc đến. Theo đó, Quốc khẳng định chưa bao giờ cẩu thả trong việc vệ sinh, sục rửa, tẩy cặn màng RO.

“Khi làm bị cáo dựa vào chỉ số của đồng hồ đo độ dẫn điện. Vụ việc xảy ra trong ngày 29-5, bị cáo không phải đổ tội cho ai nhưng có thể do đồng hộ dẫn điện sai số, mong HĐXX xem xét và đánh giá khách quan nhất” – Quốc nói.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vu-bs-luong-9-nguoi-chet-la-do-dong-ho-do-do-dan-dien-814580.html