Vụ cá nược 'khủng' ở Bến Tre: Ngư dân đồng ý giao cá, sẽ chở về Hà Nội

Ngư dân đã đồng ý giao cá cho các nhà khoa học đưa về nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ở Hà Nội.

Cá “lạ” vừa xuất hiện ở Bến Tre được xác định là cá nược (hay cá nược Minh Hải) có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: NLĐ)

Cá “lạ” vừa xuất hiện ở Bến Tre được xác định là cá nược (hay cá nược Minh Hải) có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: NLĐ)

Trao đổi với PV lúc 15h30 chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, ngư dân Phan Văn Thái (49 tuổi, ngụ ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng) đã đồng ý giao xác cá nược Minh Hải quý hiếm cho các chuyên gia và cơ quan chức năng đưa về nghiên cứu.

Ngư dân Phan Văn Thái đồng ý nhận số tiền hỗ trợ là 5 triệu đồng, thấp hơn so với con số 40 triệu đồng mà người này một mực yêu cầu trong những ngày trước. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Phụng, 5 triệu đồng là số tiền hỗ trợ hợp lý đối với xăng dầu và công lao động của ngư dân khi kéo cá vào bờ.

Tuy nhiên, tính tới 16h10 cùng ngày, các chuyên gia sinh vật học lại không có mặt ở địa phương, và chính quyền địa phương hiện cũng không liên lạc được với bất kỳ ai.

“Xác cá vẫn đang ướp ở nhà của anh Thái. Ngư dân đồng ý giao cá với 5 triệu đồng rồi, nhưng đợi mãi chưa thấy ai chuyển tiền để gửi cho họ. Chúng tôi ở đây cũng đang lưỡng lự, chưa biết xử lý thế nào”, ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Phú Phụng nói và nhờ PV hỗ trợ trong việc liên lạc với các chuyên gia hải dương học.

Lúc 17h, qua điện thoại, phóng viên đã kết nối được với PGS.TS. Phan Kế Long - Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Ông Long xác nhận đơn vị đã đồng ý nhận cá và đã cử cán bộ về địa phương.

“Cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ bay về Cà Mau rồi mới di chuyển đến Bến Tre nên có thể phải đêm nay mới tới được. Yên tâm là chúng tôi cũng đã sắp xếp với các sở ngành địa phương để chở cá từ Bến Tre ra Hà Nội bằng xe đông lạnh”, ông Long nói.

Trước đó, khuya 14/5 - rạng sáng 15/5, ông Thái cùng vợ đi đánh cá trên sông Cổ Chiên, đoạn gần cầu Cổ Chiên. Đến khoảng 2h sáng 15/5, thấy lưới động đậy rất mạnh, ông nghĩ là dính được cá to. Khi ông Thái nhảy xuống nước kiểm tra thì thấy con cá rất to và dài nhưng không biết là cá gì.

Do cá quá nặng, không kéo lên ghe được nên ông cột lưới, dùng ghe kéo về. Lúc đem về nhà, ông Thái phải nhờ hàng xóm xuống kéo giúp con cá lên bờ và cũng không ai biết đây là loài cá gì.

Theo quan sát, con cá có màu đen huyền, dài khoảng 2,3m, nặng gần 150kg. Bên trong miệng cá không có răng, đỉnh đầu cá có một lỗ nhỏ, được xác định là con cá đã rất già.

Dù cá đã chết nhưng ông Thái cũng như các ngư dân không dám xẻ thịt mà chỉ ướp đá để đó. Một số người đến xem đã lên mạng tìm hiểu thì cho rằng đây là cá heo quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngay trong đêm 15/5, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp, thạc sĩ Vũ Long cùng cộng sự đã trực tiếp đến nhà của ngư dân Phan Văn Thái xem cá. Kết quả, thạc sĩ Vũ Long khẳng định 100% đây là cá nược Minh Hải có nguy cơ tuyệt chủng.

Cá nược (Orcaella brevirostris) là một loài động vật có vú thuộc họ cá heo biển Delphinidae, sống ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á. Cá chủ yếu được tìm thấy trên sông Irrawaddy tại Myanma, sông Mahakam ở Indonesia, sông Mekong tại Campuchia và Việt Nam.

Loài này có ở Việt Nam và được gọi là cá nược hoặc cá nược Minh Hải. Khi mới sinh, cá nược có chiều dài cơ thể khoảng 1m và cân nặng khoảng 10kg. Cá trưởng thành có thể đạt tới 2,3m và nặng trên 130kg, tuổi thọ khoảng 30 năm.

Cá nược được bảo vệ trong Công ước CITES, không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Phú Phụng, hàng chục năm trước, loại cá nược này không lạ với các ngư dân trên sông Cổ Chiên. Cá nược Minh Hải hiền lành, sống rất gần gũi với ngư dân. Tuy nhiên, theo thời gian thì số lượng cá thể cá nược đã dần vơi đi và có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngọc Phạm

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vu-ca-nuoc-khung-o-ben-tre-ngu-dan-dong-y-giao-ca-se-cho-ve-ha-noi-980666.html