Vụ cái chết của cô gái trẻ: Châu Việt Cường đối mặt án tử hình?

Về vụ Châu Việt Cường liên quan về cái chết của cô gái trẻ, luật sư cho biết tội giết người có thể đối mặt án tử hình.

Châu Việt Cường bị tạm giữ để điều tra về cái chết của cô gái trẻ

Theo thông tin ban đầu, khoảng 23h ngày 4/3, Châu Việt Cường, chị H, ca sĩ N. K cùng một người bạn đến nhà Phạm Đắc Thế (SN 1988) ở khu tập thể 2,1 ha (P.Cống Vị, quận Ba Đình) sử dụng ma túy dạng ketamin.

Đến sáng ngày 5/3, ca sĩ N. K về trước chỉ còn 4 người ở lại.

Châu Việt Cường

Do sử dụng ma túy nên chị H bị ảo giác rằng nhà của Thế có ma nên đã tìm lấy tỏi rắc xung quanh nhà. Sau đó, chị H lấy tỏi nhai và đưa cho Châu Việt Cường.

Một lúc sau, do nhai hết tỏi nên Châu Việt Cường đã đi lấy thêm và quay trở lại nhét vào mồm chị H khiến chị tử vong.

Nhận được tin báo, công an phường Cống Vị, công an quận Ba Đình đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường điều tra nguyên nhân vụ việc.

Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định chị H tử vong do ngạt thở và xung quanh căn phòng mà cả 5 người sử dụng ma túy vương vãi nhiều nhánh tỏi tươi.

Theo báo Phapluat, lãnh đạo Công an quận Ba Đình cho hay, đến chiều 5/3 vẫn chưa thể lấy lời khai do Châu Việt Cường vẫn trong tình trạng ngáo đá, cơ thể nồng nặc mùi tỏi ăn nói lung tung và thường xuyên vào nhà vệ sinh khạc nhổ.

Bầu show của Châu Việt Cường: "Cậu ấy sống bạt mạng và khó kiểm soát"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, Châu Việt Cường từng dính vào rất nhiều scandal, tai tiếng xung quanh việc va chạm, ẩu đả, đặc biệt là sự việc người hâm mộ tố bị ca sĩ hiếp dâm tại nhà riêng.

Một vị bầu show chuyên sắp xếp chương trình cho Châu Việt Cường (nhân vật xin được giấu tên) cho biết trên Người đưa tin: "Tôi đã quen Cường nhiều năm, vì có nhiều mối quan hệ với các hội chợ, chương trình ca nhạc ở các tỉnh miền Bắc nên có hay book show cho Châu Việt Cường và nhiều đồng nghiệp khác. Về chuyên môn thì không nói, vì Cường có giọng hát cũng được.

Tuy nhiên tính tình của Cường thì ngông lắm. Châu Việt Cường là một người rất ăn chơi, sống bạt mạng và khó kiểm soát. Việt Cường không phải là một người thuần tính, có thời gian cậu ấy còn "bay lắc" nữa". Một số người bạn chơi với Cường từng khuyên bảo cậu ấy nên chăm chú vào sự nghiệp, không sống bản năng nữa. Có thời gian, cậu này đã "tu" rồi. Không hiểu vì sao mà lại xảy ra cơ sự như báo chí vừa thông tin".

Châu Việt Cường đối mặt án tử hình?

Trước rất nhiều vụ án nghiêm trọng mà người thực hiện hành vi ở tình trạng ngáo đá. Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm hình sự đối với người “ngáo đá” thực hiện hành vi phạm tội? Liệu người trong tình trạng “ngáo đá” thực hiện hành vi phạm tội có được miễn, giảm trách nhiệm hình sự không? Hành vi phạm tội do người “ngáo đá” thực hiện có phải là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Tuy nhiên, tại điều 13, Bộ luật Hình sự có quy định chung về vấn đề này. Cụ thể: "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự".

Trường hợp người “ngáo đá” phạm tội, cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra.

Về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, do BLHS không quy định nên người phạm tội do “ngáo đá” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt mà BLHS đã quy định.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, theo Đời sống & Pháp lý - Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty Luật Minh Bạch) cho biết, theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Từ quy định này có thể thấy, dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội giết người theo Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 là:

Khách thể: Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

Chủ thể: Là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan: Có hành vi làm chết người khác, dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống. Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức hành động hoặc không hành động.

Mặt chủ quan: Lỗi cố ý nhằm mục đích giết chết nạn nhân.

Lavie (TH)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giai-tri/vu-cai-chet-cua-co-gai-tre-chau-viet-cuong-doi-mat-an-tu-hinh-403647/