Vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Không có căn cứ xem xét xử lý hình sự các cá nhân thuộc Bộ GTVT

Trong vụ án 'Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có nêu rõ về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải.

 Vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Không có căn cứ xem xét xử lý hình sự các cá nhân thuộc Bộ GTVT

Vụ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Không có căn cứ xem xét xử lý hình sự các cá nhân thuộc Bộ GTVT

Theo cơ quan điều tra, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng Người quyết định đầu tư, đồng thời là Bộ quản lý chuyên ngành đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đã phân công các Thứ trưởng trực tiếp phụ trách dự án, phân công Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông vận tải giúp lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện cơ chế phối hợp, cơ chế quản lý dự án nhằm xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh Tổng công ty VEC là chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các Vụ, Cục chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để đôn đốc về tiến độ, chất lượng dự án.

Cùng với đó trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án, phát hiện các vấn đề tồn tại của dự án đều đã có các văn bản để chỉ đạo Tổng công ty VEC và các đơn vị có liên quan thực hiện, khắc phục trong quá trình tổ chức thi công dự án; kịp thời giải quyết những kiến nghị của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra cũng cho biết Bộ Giao thông vận tải và các Vụ, Cục chuyên môn đã phát hành 34 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và 302 văn bản khác liên quan đến công tác quản lý, thực hiện dự án để quán triệt, chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hoàn thiện, điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa các vấn đề về chất lượng thi công dự án, trả lời những kiến nghị, giải pháp khắc phục những vấn đề chuyên môn kỹ thuật của dự án.

Kết quả điều tra, Bộ Công an xác định không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân tại Bộ Giao thông vận tải được giao theo dõi, phụ trách giai đoạn 1 của dự án.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65 km từ TP. Đà Nẵng tới TP. Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỷ đồng.

Dự án được khởi công năm 2013, năm 2017 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018 thông xe giai đoạn 2. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.

Từ kết quả giám định về chất lượng công trình xây dựng các gói thầu xây lắp, Bộ Công an đã thu thập hồ sơ tài liệu, xác định giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 881,86 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 36 bị can trong vụ án này, đồng thời kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng và tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của nhiều bị can.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phong tỏa tiền bảo hành chất lượng công trình xây dựng các gói thầu của các nhà thầu thi công hiện do VEC nắm giữ. Tổng cộng 251,777 tỷ đồng hiện đã phong tỏa tại tài khoản của VEC. Cụ thể, số tiền 20,307 tỷ đồng của Cienco 5 (gói thầu số 1); 23,437 tỷ đồng của Công ty Vạn Cường, 17,275 tỷ đồng của Cienco 6 (gói thầu số 2); 17,222 tỷ đồng của Cienco 6, 10,275 tỷ đồng của Công ty Trico (gói thầu số 3B); 18,556 tỷ đồng của Tổng Công ty Thăng Long, 19,881 tỷ đồng của Cienco 4, 17,753 tỷ đồng của Tổng Công ty Sông Đà, 13,256 tỷ đồng của Công ty Tuấn Lộc (gói thầu số 4); 2,682 tỷ đồng của Cienco6, 18,02 tỷ đồng của Công ty Phương Thành (gói thầu số 5); 19,672 tỷ đồng của Vinaconex, 9,005 tỷ đồng của Công ty Vinaconex E & C (ở gói thầu số 6); 21,859 tỷ đồng của Cienco1, 22,512 tỷ đồng của Công ty Thành Phát - thầu phụ nộp cho Công ty OHL (gói thầu số 7).

Đức Hoàng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vu-cao-toc-da-nang-quang-ngai-khong-co-can-cu-xem-xet-xu-ly-hinh-su-cac-ca-nhan-thuoc-bo-gtvt-20180504224250512.htm