Vụ cha ném xác con gái xuống sông Hàn: Thả nghi phạm khiến công tác điều tra gặp khó khăn

Liên quan đến vụ án cha sát hại, ném xác con gái xuống sông Hàn, VKSND Tối cao cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Hời thì việc điều tra vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn.

Như đã đưa tin về nội dung vụ án, tại cơ quan điều tra Đinh Văn Hời khai sau ly hôn vào tháng 3/2018, anh ta đưa con gái 8 tuổi vào Đà Nẵng sinh sống và gửi tại một ngôi chùa ở huyện Hòa Vang.

Tháng 1/2019, Hời đón con về ăn Tết ở cùng anh ta và người tình quốc tịch Hàn Quốc. Khi chung sống với đứa trẻ, đôi tình nhân thường xảy ra bất hòa. Chiều 1/2, bực tức vì cháu bé quấy khóc và uống sữa vung vãi trên giường, Hời bóp cổ con gái cho đến chết. Sau khi gây án, người này tiếp tục ở tại khách sạn.

Lực lượng công an đưa đối tượng giết, ném xác con gái xuống sông Hàn đi thực nghiệm điều tra. Ảnh: CAND

Đến 0h ngày 4/2 (30 Tết), Hời chở xác con gái đến khu vực cầu Thuận Phước và bỏ thêm 2 cục đá khoảng 10 kg vào bên trong bao tải mua ở chợ rồi ném xuống sông Hàn, sau đó về khách sạn ở đến ngày 8/2.

Ngày 24/2, Hời nhắn tin với người thân ở quê, thú nhận việc giết con ruột và bà ngoại của nạn nhân đến công an trình báo. Ngày 25/2, người này bị bắt khi xuất hiện tại bến xe Đà Nẵng.

Ngày 7/3 VKSND TP Đà Nẵng ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ trước đó, đồng thời yêu cầu Công an Đà Nẵng trả tự do cho Bùi Văn Hời.

Theo Báo Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, tại văn bản số 820 gửi C02 Bộ Công an, bà Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2 VKSND Tối cao) cho biết cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đã khám nghiệm hiện trường nhưng không thu được dấu vết, chứng cứ liên quan đến vụ giết người như lời khai của Bùi Văn Hời.

Cơ quan điều tra đã kiểm tra camera tại khách sạn (nơi Hời lưu trú) nhưng dữ liệu không còn nên không thu thập được hình ảnh chứng minh Hời bóp cổ cháu bé. Không có nhân chứng nhìn thấy anh ta đánh hoặc mang xác cháu bé ném xuống sông. Mấu chốt của vụ án là cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân.

Tuy nhiên, theo bà Hoa thì lời khai của Hời khách quan. Bởi lẽ, từ hôm 18/1 đến 28/1 (thời gian diễn ra vụ án), Hời là người nuôi và ở cùng cháu bé tại các khách sạn ở quận Sơn Trà.

Lời khai nhận tội của Hời phù hợp với lời khai của các nhân viên khách sạn và trùng khớp với thời điểm cháu Ngân mất tích. Điều quan trọng là kẻ tình nghi đã khai bỏ thi thể cháu bé vào bao tải rồi dùng xe máy chở đến cầu Thuận Phước ném xuống sông.

Hình ảnh của camera tại cầu Thuận Phước cũng còn lưu hình ảnh Hời điều khiển xe máy ở khu vực này. Trong quá trình thực nghiệm hiện trường, người đàn ông 34 tuổi thực hiện các thao tác giống như lời khai. Sau khi đưa ra những lập luận trên, với tư cách là Vụ trưởng Vụ 2, bà Hoa cho rằng việc khởi tố bị can và tạm giam Hời để điều tra vụ án là có căn cứ và cần thiết.

Tại văn bản 820, lãnh đạo Vụ 2 còn cho biết Hời đăng ký thường trú tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) nhưng không cư trú ở địa phương mà thương xuyên đi làm ở nhiều nơi khác nhau. "Nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Hời thì việc điều tra vụ án sẽ gặp nhiều khó khăn", bà Hoa nhận định.

Đồng quan điểm, đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết việc thả Hời khiến công tác điều tra vụ án gặp khó khăn. Hơn nữa, người này không còn tiền nên công an phải thuê nhà nghỉ và lo tiền ăn cho anh ta mỗi ngày.

Cầu Thuận Phước - nơi Hời khai phi tang xác con gái 8 tuổi. Ảnh: Zing.vn

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Saostar, Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết, đến thời điểm này tất cả các tình tiết của vụ án đều là lời khai của Hời, chứ chưa có bất kỳ một nhân chứng hay bằng chứng nào để xác nhận lời thú tội này đúng sự thật hay không?. Do đó, vì hết thời gian tạm giữ và gia hạn tạm giữ, nhưng chưa đủ chứng cứ để buộc tội nên việc cơ quan tố tụng trả tự do cho Hời là đúng quy định.

“Theo Khoản 2, Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Cơ quan điều tra không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Do đó, trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng chỉ dựa vào lời khai của Hời làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội là không xác thực, vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến việc oan sai, không đúng người, đúng tội. Nếu muốn buộc tội thì nhiệm vụ của cơ quan tố tụng phải chứng minh được cháu Nhi đã bị Hời giết”, Luật sư Đỗ Pháp, giải thích.

Cũng theo Luật sư, muốn chứng minh được hành vi phạm tội của Hời thì cần phải tìm được thi thể của cháu bé, dù chỉ là một bộ phận cơ thể. Đây cũng chính là mấu chốt mà Cơ quan điều tra và VKS cần làm rõ. Bởi, nếu không tìm thấy xác thì không có cơ sở xác định cháu bé đã chết, vậy thì không thể xử lý nghi phạm đúng tội danh. Và, theo luật chỉ khi tìm thấy xác thì mới xác định được khung hình phạt. Đồng thời, trong quá trình điều tra, nếu có tình tiết, vấn đề khác không trùng khớp với lời khai của Hời. Bởi, cũng không nên loại trừ khả năng Hời đang đánh lạc hướng cơ quan điều tra, nhận tội thay cho người khác hoặc thi thể cháu bé không bị ném ở sông Hàn?

“Phải hiểu rằng việc trả tự do cho Hời không có nghĩa vụ án đã kết thúc, mà chỉ là làm đúng theo quy định của luật tố tụng hình sự ở một diễn biến khác đó là chứng minh tội phạm”, Luật sư Đỗ Pháp nói.

Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/phap-luat/vu-cha-nem-xac-con-gai-xuong-song-han-tha-nghi-pham-khien-cong-tac-dieu-tra-gap-kho-khan-a268983.html