Vụ cháy chung cư Carina Plaza: Vì sao chưa khởi tố vụ án hình sự?

Theo luật sư, xác định vụ cháy có dấu hiệu tội phạm hay không thì các Cơ quan tố tụng trước tiên phải làm rõ nguyên nhân phát sinh cháy nổ và lý do hệ thống PCCC tại sao lại không hoạt động để dẫn tới thiệt hại...

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Dân Trí

Vụ cháy kinh hoàng xảy ra khoảng 1h đêm ngày 23/3 tại chung cư Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP Hồ Chí Minh khiến 13 người tử vong và gần 100 người bị thương đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Đa số nạn nhân tử vong do ngạt khói, một số do nhảy từ trên cao xuống đất để thoát thân. Cơ quan điều tra cho biết, qua nắm tình hình vụ cháy thì nguyên nhân ban đầu phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm giữ ôtô, xe máy nằm giữa khu A và B của tòa nhà.

Ngọn lửa bùng phát nhanh, khói phủ kín khu vực. Hàng trăm người bị mắc kẹt bên trong đã chạy lên phía trên cao la hét kêu cứu. Tòa nhà gồm ba block cao từ 14 đến 20 tầng với trung tâm thương mại và hơn 700 căn hộ. Khi vụ cháy xảy ra, hệ thống báo cháy của chung cư không hoạt động.

Vì sao chưa khởi tố vụ án hình sự?

Liên quan đến vụ hỏa hoạn làm chết người ở trên, câu hỏi đặt ra là vì sao chưa khởi tố vụ án hình sự? Để hiểu rõ hơn, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội).

Theo luật sư Thơm, một vụ án chỉ được khởi tố khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, Tổ chức. Cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

Để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, cần xác định vụ việc phải có dấu hiệu tội phạm. Tội phạm theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 là: “Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội..”.

Một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 4 yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.

"Vụ cháy chung cư Carina vào sáng 23/3/2018 vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản khi có đến 13 người chết, hàng trăm phương tiện bị cháy hỏng,… Xác định vụ cháy có dấu hiệu tội phạm hay không thì các Cơ quan tố tụng trước tiên phải làm rõ nguyên nhân phát sinh cháy nổ và lý do hệ thống PCCC tại sao lại không hoạt động để dẫn tới thiệt hại. Đây là yếu tố quyết định để xác định có hành vi vi phạm pháp luật hay không để khởi tố vụ án hình sự", luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm, việc giám định tìm nguyên nhân cháy nổ và hệ thống PCCC không hoạt động là rất phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức.

Khi có kết luận sơ bộ ban đầu của Cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy nổ, cũng như hệ thống PCCC không hoạt động khi có sự cố thì mới có cơ sở để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm và cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không.

"Nếu qua việc giám định phương tiện xe máy có dấu vết của vật liệu nổ gây ra thì đây được xác định là hành vi cố ý. Theo quy định của pháp luật, người nào gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm tươn ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", luật sư Thơm bày tỏ quan điểm.

Hệ thống PCCC không hoạt động, ai phải chịu trách nhiệm?

Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy thường do chập điện, va chạm mạnh, nổ bình xăng và sự cố do kỹ thuật khác. Có 2 yếu tố để xảy ra một vụ cháy xe là rò xăng và tia lửa (có thể là tia lửa do điện, tĩnh điện, tàn lửa hay ma sát tạo ra...) để châm ngòi cho vụ cháy. Ngoài ra, yếu tố hiển nhiên nữa là oxy trong không khí (bộ phận bị cháy phải là bộ phận hở, tiếp xúc với không khí).

Nếu có căn cứ xác định, phương tiện xe máy tự bốc cháy rồi lan sang các phương tiện khác gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì có thể được coi là rủi ro khách quan và cũng khó có thể quy trách nhiệm chủ phương tiện. Bởi lẽ việc xe máy tự cháy nổ có rất nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau.

Về công tác phòng cháy chữa cháy của chung cư, theo người dân cho biết, họ không nghe thấy tiếng chuông mà người dân tự động báo nhau. Đây thực sự là vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm của ai, sai đến đâu.

Như vậy, có thể thấy Chung cư Carina đã được cấp giấy phép đủ điều kiện về PCCC và đã được thanh tra, kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, thực tế khi cháy nổ xảy ra thì hệ thống PCCC lại không hoạt động nên đã gây ra hậu quả thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do đó, cần phải xem xét việc cấp giấy phép PCCC cũng như quá trình kiểm tra định kỳ đã thực hiện đúng quy định hay chưa.

"Nếu có sai phạm trong việc thanh tra, kiểm tra PCCC sẽ phải trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015", luật sư Thơm nói.

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201803/vu-chay-chung-cu-carina-plaza-vi-sao-chua-khoi-to-vu-an-hinh-su-598291/