Vụ chạy thận làm 8 người chết tại Hòa Bình: Bộ Y tế kiến nghị hủy bản án

Bộ Y tế đã chính thức có văn bản kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Ngày 2/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 4439/BYT-PC v/v ra kháng nghị giám đốc thẩm hủy Bản án sơ thẩm số 08/2019/HSST ngày 30/1/2019 của TAND TP Hòa Bình và Bản án Phúc thẩm số 20/2019/HSPT ngày 19/6/2019 của TAND tỉnh Hòa Bình.

Văn bản của Bộ Y tế.

Văn bản của Bộ Y tế.

Tại văn bản này Bộ Y tế khẳng định: "Ngày 30/1/2019 TAND TP Hòa Bình đã ra bản án số 08/2019/HSST, tuyên “Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc phạm tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 19/6/2019, TAND tỉnh Hòa Bình đã ra Bản án số 20/2019/HSST tuyên Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc phạm tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 372 và Điều 374 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS). Bằng văn bản này, Bộ Y tế kiến nghị ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và ông Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm - hủy Bản án sơ thẩm số 08/2019/HSST ngày 30/1/2019 của TAND thành phố Hòa Bình và Bản án phúc thẩm số 20/2019/HSPT ngày 19/6/2019 của TAND tỉnh Hòa Bình vì đã vi phạm tố tụng trong giải quyết vụ án".

Theo đó Bộ Y tế đã kiến nghị giải quyết vụ án đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội:

"Nhận thấy những kết luận trong Bản án trên không phù hợp với những tình tiết khách quan của Vụ án. Có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đên sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trên nêu trên.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều bỏ qua các quy định của Luật KCB và Quy chế bệnh viện (pháp luật chuyên ngành). Cho nên khi đánh giá tính chất vụ án, phân tích các hành vi có liên quan đến các quy định chuyên môn – kỹ thuật cao lại không đủ kiến thức cơ bản để phân tích một cách khoa học về vật tư, trang thiết bị y tế, về nguồn nước RO cũng như việc xét nghiệm AAMI trong trường hợp nào cho đến nay vẫn còn nhiều thắc mắc, nhưng bản án và hồ sơ vụ án vẫn chưa chứng minh làm rõ.

Nói cách khác, những người tiến hành tố tụng và cơ quan tố tụng đã không tiếp thu, sử dụng các ý kiến của các nhà khoa học, các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành về y tế.

Đây là nguyên nhân dẫn đến những nội dung kết luận điều tra, cáo trạng truy tố cũng như bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã không phản ánh chính xác, khách quan, toàn diện và đầy đủ về Vụ án như đã nêu.

Vì lý do trên, Bộ Y tế trân trọng kiến nghị Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Ông Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội áp dụng Điều 371, khoản 1 Điều 372 và khoản 3 Điều 373 Bộ luật TTHS ra kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án sơ thẩm số 08/2019 ngày 30/1/2019 của TAND TP Hòa Bình và hủy bản án phúc thẩm số 20/2019/HSPT ngày 19/6/2019 của TAND tỉnh Hòa Bình vì các kết luận trong Bản án này không phù hợp với những tình tiết khách quan của Vụ án; có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cũng như áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.

Bộ Y tế tin tưởng rằng nội dung kiến nghị trên là có căn cứ khoa học, phù hợp với các quy định của pháp luật sẽ được ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và ông Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét, chấp thuận".

Trước đó Pháp luật Plus đã thông tin tại bài viết: "Vụ chạy thận làm 8 người chết người tại Hòa Bình: Bộ Y tế công bố chứng cứ then chốt".

Sáng 5/8, Tiến sỹ Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã cung cấp chứng cứ quan khoa học trong vụ án tai biến chạy thận tại Hòa Bình khiến 8 nạn nhân tử vong.

Tiến sỹ Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế.

Theo đó, toàn bộ hệ thống lọc nước RO1, RO2 phục vụ cho đơn nguyên chạy thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tại thời điểm xảy ra vụ án đã được phục dựng khoa học nguyên trạng từ các mảnh rời rạc.

Tiến sỹ Lê Thanh Hải trình bày luận điểm khoa học tại công trình phục dựng.

Hai hệ thống này đã bị phá dỡ trước đó. Trong đó, hệ thống RO1 được cất vào kho của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO2 được thanh lý sắt vụn.

“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức để thu thập được đầy đủ toàn bộ 2 hệ thống này gồm đường ống, máy bơm, tank nước, hệ thống quả lọc..., riêng hệ thống RO2 được tìm thấy tại một nhà dân ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình”, Tiến sỹ Hải thông tin.

Tiến sỹ Hải trình bày với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.

Giữa tháng 7/2019 vừa qua, các chuyên gia của Viện Trang thiết bị và công trình y tế đã bắt tay phục dựng lại hệ thống này và mất 2 tuần để hoàn tất dựa theo sơ đồ và các hình ảnh được cung cấp.

“Sau nhiều lần thực nghiệm, kết quả cho thấy nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong là do nhiễm đa chất, nguyên nhân do hỏng cùng lúc 3 van K1, K2, K3 của hệ thống RO1 chứ không phải do tồn dư HF”.

Tiến sỹ Hải cho biết thêm: "Hệ thống RO1 cấp nước tinh khiết vào tank RO1 để rửa quả lọc thận, RO2 cấp nước chạy thận nhân tạo. 2 hệ thống này dùng chung hệ thống tẩy sạch CIP.

Ông Bùi Mạnh Quốc chỉ thực hiện lau rửa màng lọc RO2 và tiệt khuẩn đường ống tuần hoàn cấp nước cho các máy thận, sau đó đã thay van xả đáy bồn nên không còn tồn dư hóa chất. Bằng chứng, đồng hồ đo độ dẫn điện hiển thị chỉ số cho phép. Hiện tại, sau khi phục dựng lại, đồng hồ này vẫn vận hành rất tốt, đo chính xác.

Trong khi nguyên nhân thực sự là do 3 van của RO1 bị hỏng trùng hợp, trong đó K2, K3 hỏng do quá trình sử dụng nhiễm hóa chất từ hệ thống CIP. Việc 2 van K2, K3 bị hỏng khiến nước chỉ được lọc qua cột lọc thô và lọc than (không đủ điều kiện), chảy vào tank RO2 rồi chuyền đến bệnh nhân. Điều này, chính Bùi Mạnh Quốc cũng không kiểm soát được".

Theo Tiến sỹ Hải thì trước đó, Viện Khoa học hình sự đã tìm ra 3 van hỏng nhưng chỉ dừng lại ở đây mà không chạy thực nghiệm để tìm nguyên nhân thực sự.

Hiện tại, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã thành lập Hội đồng khoa học và sẽ tiếp tục thực nghiệm lại toàn bộ chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc dựa trên các tài liệu từ kết luận điều tra về hóa chất, độc chất, thậm chí sẽ thử nghiệm trên động vật với sự tham gia của các chuyên gia về trang thiết bị y tế, pháp y, hóa chất, y khoa và pháp lý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu trực tiếp quan sát và xem thực nghiệm.

Với những chứng cứ khoa học mới từ Viện trang thiết bị và công trình y tế, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đánh giá: “Đây là những tình tiết hết sức quan trọng là những yếu tố khoa học, chuyên môn nhưng đã bị bỏ qua và là hướng đi mới của vụ án. Do đó rất cần các cơ quan tố tụng thực nghiệm lại. Tôi mong sẽ có phiên Giám đốc thẩm để quan tâm đến các vấn đề khoa học chuyên sâu hơn”.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thanh Bình

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/vu-chay-than-lam-8-nguoi-chet-tai-hoa-binh-bo-y-te-kien-nghi-huy-ban-an-d106536.html