Vụ chi 48 tỷ khai quật tàu cổ: Đề xuất giám định vết vỡ hiện vật

Để truy tìm nguyên nhân khai quật tàu cổ đắm ở Dung Quất chỉ thu về phần lớn là mảnh vỡ, các chuyên gia đề xuất giám định vết vỡ mới hay cũ thì sẽ rõ vấn đề.

Dư luận Quảng Ngãi đang bàn tán xôn xao việc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề nghị Công ty Hào Hưng thuê xáng cạp (còn gọi là gàu múc) thay thế máy hút cát khai quật tàu cổ Dung Quất.

Trước đó, hồi tháng 3, ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Trưởng ban khai quật), gửi văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi thuê xáng cạp để đẩy nhanh tiến độ khai quật cổ vật.

Qua khảo sát, các chuyên gia xác định tàu cổ đắm nằm ở độ sâu 15 m. Tàu được bao phủ lớp trầm tích dưới đáy biển, dạng bùn sình dẻo, dày hơn 2 m nên rất khó thổi hút bùn cát nên đề xuất thay xáng cạp.

Lực lượng biên phòng Quảng Ngãi từng thu giữ nhiều hiện vật gốm bị khai thác trộm trong giai đoạn đầu phát hiện tàu cổ Dung Quất. Ảnh: A.Tanh.

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam), cho hay khai quật khảo cổ cần nhất là phải nắm rõ phân bố không gian của các hiện vật, tránh không xáo trộn.

Truy tìm nguyên nhân cổ vật vỡ

Về nguyên tắc, khai quật cổ vật vẫn có thể dùng xáng cạp nếu lớp bùn quá dày. Tuy nhiên, giải pháp này phải tính toán cẩn thận, theo dõi điều khiển gàu xúc bùn qua hệ thống camera giám sát tránh gây tổn hại cổ vật.

"Nếu cổ vật bị vỡ do khai quật thì hoàn toàn khác với hiện vật đã bị vỡ từ lâu. Cơ quan chuyên môn cần giám định vết vỡ mới hay cũ để xác định nguyên nhân cổ vật không còn nguyên vẹn là do đâu ?", ông Long đề xuất.

Tiến sĩ Vũ Thế Long,nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam). Ảnh: NVCC.

Từng tham gia nghiên cứu, khảo cổ học dưới nước ở Chanthabury (Thái Lan), ông Long cho hay nước bạn từng dùng máy hút cát để khai quật tàu cổ đắm dưới sông, biển. Những cuộc khai quật tàu đắm tại Việt Nam trước đây cũng từng dùng máy hút cát. Về vị trí và môi trường của con tàu cổ đắm ở Dung Quất có thể nằm ở cửa sông, cửa biển bị bồi lấp nhiều bùn nên họ dùng giải pháp khác chăng?

Theo vị chuyên gia này, tùy theo thực tế của môi trường nơi khai quật để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Không phải cứ khai quật là thu về được vàng, bạc hay các hiện vật nguyên vẹn.

Minh văn dưới đáy đĩa của mảnh vỡ cổ vật khai quật từ tàu cổ Dung Quất. Ảnh: M.H.

Ông cho rằng từ lâu, nhiều người quan niệm sai lầm là khai quật tàu cổ đắm là vì lấy được cổ vật có giá trị và sau đó xem như món hàng để buôn bán. Thực tế, khai quật khảo cổ học ngoài việc thu các cổ vật còn quan trọng hơn là tìm hiểu được rất nhiều mặt của giao thương hàng hải, về trình độ kinh tế, khoa học thời xưa.

UNESCO từng khuyến cáo nếu khai quật tàu cổ đắm chưa có đủ kỹ thuật, phương tiện khai quật, trục vớt và bảo quản trong bảo tàng thì tốt nhất cứ giữ nguyên tàu dưới đáy biển, đáy sông có khi còn bảo quản tốt hơn nhiều.

Một số công nhân tham gia khai quật phản ánh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã huy động xáng cạp thay cho máy hút cát. Tuy nhiên, xáng cạp múc bùn bao phủ tàu cổ đắm kèm theo nhiều hiện vật gốm cổ bị vỡ nát. Mọi người đi lại trên sà lan nhặt mảnh vỡ, bơm nước rửa rồi bỏ vô thùng.

PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhìn nhận những con tàu cổ nếu như không bị tác động thì còn nhiều hiện vật nguyên vẹn. "Tàu cổ Dung Quất có hiện tượng bị phá nên mới có nhiều mảnh vỡ như thế", ông Chiến nói.

Ông Chiến cho hay cuộc khai quật này có những thiệt hại đáng tiếc, tuy nhiên cần nhìn nhận do nhiều nguyên nhân, trong đó vướng mắc nhiều thủ tục mất thời gian, địa điểm lại không thuận lợi...

Tính toán sai lệch độ sâu tàu cổ đắm

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam hiện nay rất ít chuyên gia khảo cổ học biết lặn sông, biển. Trường hợp gặp dòng chảy ngầm, khu vực gần cảng nước đục hoặc tàu đắm ở mực nước quá sâu, họ khó thể lặn để khảo sát lập phương án phục vụ nghiên cứu, khai quật.

Khu vực đóng cọc thi công cảng Hào Hưng, nơi tàu cổ đắm được phát hiện. Ảnh: Minh Hoàng.

Trực tiếp tham gia khai quật, ông Nguyễn Văn H. cho hay do tàu cổ đắm nằm gần cầu cảng Hào Hưng trong giai đoạn thi công dang dở, cọc bê tông đóng dày đặc.

"Nước đục ngầu, khu vực tàu cổ đắm sâu hơn 15 m (tính toán, khảo sát ban đầu chỉ 9 m) nên rất tối, khó thể chụp ảnh hay giám sát camera. Nếu không thay thế máy hút cát bằng xáng cạp múc bùn bao phủ tàu cổ đắm thì có khi khai quật kéo dài cả năm cũng chưa xong", ông H. phân bua.

Theo các chuyên gia, việc khai quật tàu cổ đắm dưới đáy biển có nhiều rủi ro khó lường. Nếu khâu khảo sát thực hiện sơ sài, các chuyên gia, thợ lặn không đo vẽ, tính toán kỹ thì công tác khai quật tàu cổ sẽ thất bại lớn.

Hai năm trước, trong lúc thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu dùng chung cho Khu kinh tế Dung Quất, nhóm công nhân phát hiện xác tàu cổ dài 30 m, rộng hơn 6 m, cách bờ khoảng 7 m và chỉ ở độ sâu 9 m.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, kết quả khai quật tàu cổ Dung Quất thu về hơn 10.000 hiện vật, chủ yếu là mảnh vỡ nên chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học. Các hiện vật khai quật được thuộc giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573 - 1620).

Các mảnh vỡ này nằm ở gần cầu cảng Dung Quất với mật độ dày, chứng tỏ tàu cổ bị phá vỡ trong quá trình xây dựng cảng... Mặt bằng di tích thay đổi bởi việc xây dựng cầu cảng, diện tích khai quật thu hẹp nên việc trục vớt xác tàu và hiện vật không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vu-chi-48-ty-khai-quat-tau-co-de-xuat-giam-dinh-vet-vo-hien-vat-post984368.html