Vụ chìm tàu Titanic và những bài học kinh doanh

Vụ chìm tàu kinh hoàng trên Đại Tây Dương đã trở thành chất liệu cho bộ phim tình cảm ăn khách. Nhưng đằng sau tai nạn đó là những kinh nghiệm quản trị quý báu dành cho mọi CEO.

Con người chúng ta vẫn thường hay mặc định trong tâm trí: “Chỉ những gì to lớn, nguy hiểm mới có thể là những đe dọa ngầm ẩn và sẽ chôn vùi tất cả nếu chúng ta lơ là.” Câu chuyện về con tàu Titanic đã cho những người làm kinh doanh một góc nhìn khác. Tuy ít kịch tính hơn nhưng đó là những bài học đáng suy ngẫm cho các nhà lãnh đạo đang chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những “vùng biển băng giá.”

Hãy để tâm lắng nghe những cảnh báo

Vào cái ngày “định mệnh” 15 tháng 4 năm 1912, con tàu Titanic đã nhận được tới 6 cảnh báo về tảng băng trước khi vụ va chạm diễn ra. Nhưng đáng buồn là tất cả đều bị những người trực tổng đài và thủy thủ đoàn bỏ qua. Họ còn đang bận lúi húi chuyển phát những thư từ, điện tín của các hành khách cũng như tập trung giúp con tàu lướt đi nhanh nhất có thể.

Do đó, hãy luôn lưu ý rằng: Các tín hiệu cảnh báo luôn rất rõ ràng nếu bạn chịu để tâm lắng nghe. Một vài công ty như Borders, Kodak, Polaroid đã bỏ qua những tín hiệu “báo động đỏ” để rồi chuốc lấy thất bại nặng nề. Một số khác như Domino’s Pizza lại cố gắng tiếp thu….khi mọi thứ đã trở nên quá muộn.

Con tàu huyền thoại được hạ thủy năm 1912 tại cảng Southampton, trên hành trình tiến về thành phố New York

Con tàu huyền thoại được hạ thủy năm 1912 tại cảng Southampton, trên hành trình tiến về thành phố New York

Đừng để “kích cỡ” lừa dối

Thực chất, khối băng trôi đâm vào Titanic không phải quá to lớn, bề nổi của nó thậm chí còn không cao hơn khoang lái của con tàu. Và lỗ thủng xuất hiện sau vụ va chạm cũng khá nhỏ so với toàn bộ kích cỡ của chiếc tàu xấu số – vết đâm 6 cạnh có độ rộng chỉ khoảng gần 1m vuông.

Bộ não của chúng ta cũng vậy, thường theo lối mòn suy nghĩ rằng các mối nguy cơ chỉ đến từ một thứ gì đó to lớn, nhưng thực tế, những điều nhỏ nhặt lại chính là nguyên nhân dẫn đến những thất bại tồi tệ. Cuốn sách của Clay Christensen về những cuộc cách mạng đổi mới đã chỉ dẫn chứng ra những ví dụ nổi tiếng như David chiến thắng Goliath, loài động vật có vú bé nhỏ đã vượt qua loài khủng long to lớn, những doanh nghiệp mới gây dựng hoàn toàn có khả năng xóa xổ những ông lớn trong ngành.

Ví dụ gần đây nhất là hãng dao cạo râu nổi tiếng Gillete vốn đã quen với ngôi vị thống trị trong ngành dao cạo và không để tâm nhiều đến những đối thủ khác. Nhưng sự xuất hiện của “kẻ nổi loạn tí hon” Dollar Shave Club lại đang đe dọa ngai vàng của Gillete, buộc thương hiệu của P&G này phải có những sách lược cụ thể đối phó.

Cẩn trọng với những nguy hiểm ẩn dấu

Tảng băng va chạm với tàu Titanic gần như là vô hình trước những đôi mắt của thủy thủ đoàn. Đó là một tảng băng có dấu hiệu đang tan chảy, vậy nên nó có bề mặt ngoài trong suốt và sáng như gương, phản chiếu hình ảnh làn sóng nước và bầu trời đêm tối. Nó thật sự đã ẩn mình trên Đại Tây Dương bao la.

Trong công việc kinh doanh cũng vậy, nhiều khi những thứ nguy hiểm lại náu mình trong một vẻ ngoài rất đỗi bình thường nếu chúng ta không chú ý kỹ. Thậm chí ngay trong nội bộ công ty, phần lớn các nhà lãnh đạo chỉ quen việc đến văn phòng, thấy nhân viên ngồi yên, chăm chỉ làm việc và đánh giá mọi thứ vẫn ốn. Nhưng nếu không để tâm và quan sát kỹ, họ sẽ không nhận ra những mối quan hệ, những xung đột có thể đang tiềm tàng giữa các nhân viên hay cán bộ cấp cao. Và khi các CEO phát hiện điều này quá muộn, công ty của họ có thể chìm xuống biển sâu – như số phận con tàu Titanic.

Titanic đã chìm sâu vĩnh viễn xuống Đại Tây Dương băng giá vào hồi 2h10′ ngày 15 – 4 – 1912, trong chuyến ra khơi đầu tiên của mình.

Luôn nhìn mọi việc một cách tổng thể

Phần nổi trên tảng băng được ước lượng kích cỡ chỉ bằng 1/10 so với tổng thể toàn khối, và như vậy, 90% tảng băng là ẩn náu dưới mặt biển đen. Với độ lớn như vậy, việc “đẩy” tảng băng ra khỏi đường đi là điều gần như bất khả thi. Với một chiếc tàu lớn như Titanic, thậm chí ngay cả với một tảng băng nhỏ hơn cũng không thể. Và hậu quả xảy ra, như chúng ta đã biết, là một tai nạn thảm khốc trong lịch sử hàng hải.

Bài học rút ra cho các doanh nghiệp là khi xem xét mọi việc, luôn nhớ phải xem xét một cách triệt để và toàn diện nhằm đánh giá đúng bản chất vấn đề. Đứng trước những thương vụ lớn, ví du như một thương vụ M&A. Ngoài việc xem xét những kết quả kinh doanh khả quan cũng như những thủ tục quy trình pháp lý cần thiết, các nhà lãnh đạo còn cần tìm hiểu kỹ lịch sử hình thành, văn hóa làm việc cũng như nhiều khía cạnh khác của doanh nghiệp đối tác nhằm có cái nhìn đúng đắn, từ đó đưa ra những quyết định hợp lý, liên quan đến sinh mệnh của cả công ty.

Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường dễ bị mờ mắt bởi những cơ hội “màu hồng” sắp đến và thường gây ra những hành động không thể cứu vãn. Đối với hoạt động M&A, chi phí trong những thương vụ thất bại có thể không cho doanh nghiệp hay vị CEO đó có cơ hội sửa chữa sai lầm.

Dũng cảm tiến về phía trước

Khi thuyền trưởng Murdoch phát hiện thấy tảng băng, ông đã ngay lập tức kìm hãm động cơ đồng thời bắt đầu bẻ lái để tránh va chạm. Đó cũng là một hành động tự nhiên khi thực hiện phanh nếu phát hiện thấy có nguy hiểm bất thường. Nhưng thực tế, đó chính là hành động định mệnh “kết liễu” số phận tàu Titanic. Nguyên do vì khi chiếc tàu đang có đà đi nhanh, nó sẽ thực hiện mệnh lệnh quay một cách dễ dàng hơn. Do vậy, nếu viên thuyền trưởng tiếp tục duy trì tốc độ tàu, hay thậm chí là tăng tốc, ông đã có thể tránh khỏi khối băng lạnh lùng đó.

Trong hoạt động doanh nghiệp cũng vậy, khi gặp những khủng hoảng, rủi ro hay những tác động xấu từ môi trường kinh doanh, không phải lúc nào chùn bước, e dè cũng là hành động tốt, thậm chí đó còn là quyết định khiến doanh nghiệp bị phá sản. Là một nhà lãnh đạo, hãy bình tĩnh nhìn nhận và xử lý. Có thể cơ hội để đưa công ty thoát khỏi thời kỳ khó khăn lại nằm ngay trong những bước đi dấn thân quả quyết của bạn

Theo Havard Business Review

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vu-chim-tau-titanic-va-nhung-bai-hoc-kinh-doanh-158240.html