Vụ chó cắn tử vong bé trai 7 tuổi: Hậu quả nghiêm trọng có thể xử lý hình sự

Liên quan đến vụ bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị chó cắn tử vong, lãnh đạo Cục Thú y cho rằng các quy định của pháp luật đã đầy đủ, tuy nhiên hiện chưa có trường hợp nào bị xử lý hành chính khi để chó thả rông, không rọ mõm, không đăng ký

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) diễn ra sáng nay 5-4, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc một bé trai 7 tuổi ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bị đàn chó cắn tử vong thương tâm, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ vật nuôi.

"Theo đó, nếu nuôi chó không đăng ký, không tiêm phòng, ra đường, không có chủ đi kèm, có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự" - ông Thành nói.

Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành nói về chó cắn chết người - Video: Văn Duẩn

"Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra, nhưng như tôi đã nói, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị xử lý thậm chí là hình sự. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, văn bản quy định pháp luật thì có đầy đủ, nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý hành chính khi để chó thả rông, không rọ mõm, không đăng ký" - ông Thành cho hay.

Về trách nhiệm của lực lượng thú y trong trường hợp này như thế nào, ông Thành cho biết ngành thú y chỉ có chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Còn việc quản lý chó thả rông thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. "Theo Nghị định 90, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký".

Theo ông Thành, từ nhiều năm qua, lực lượng thú y luôn tăng cường tuyên truyền, xây dựng quy định phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tiêm phòng bệnh dại. Nhưng như đã nói, dù hành lang pháp lý đã có đầy đủ nhưng đến nay chưa có ai bị xử phạt vì thả rông chó, không rọ mõm hay tiêm phòng nên theo tôi cần có sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng và chính quyền địa phương".

"Từ kinh nghiệm của TP HCM cho thấy, để quản lý tốt đàn chó nuôi, cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực ủa ngành chức năng và chính quyền địa phương"- ông Thành nêu.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sáng 4-4, Bệnh viện Việt Đức cho biết khoảng 23 giờ đêm ngày 3-4, sau nỗ lực cấp cứu của các bác sĩ, bé trai tên N.V.T (7 tuổi, ở Kim Động, Hưng Yên), đã không qua khỏi sau khi bị đàn chó 6 con lao vào cắn xé trong lúc bé đi về nhà.

Thời điểm được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, bé T. đã không có huyết áp, đồng tử hai bên dãn, sốc mất máu và bị đa vết thương phần mềm, trong đó có nhiều vết thương vùng bẹn và hai vai.

Trước đó, khi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hưng Yên, bệnh nhân đã được truyền 4 đơn vị máu và đã ngừng tim 1 lần. Sau khi được cấp cứu và truyền máu, tim nạn nhân đập trở lại, gia đình đã xin chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Dù được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng bé trai bị đàn chó dữ tấn công đã tử vong.

Tin-ảnh, video: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vu-cho-can-tu-vong-be-trai-7-tuoi-hau-qua-nghiem-trong-co-the-xu-ly-hinh-su-20190405110301716.htm