Vụ chùa Ba Vàng: Thứ nhất tu tại gia... thứ ba mới đến tu chùa!

'Phật trong tâm và tâm trong phật. Chúng ta hãy làm tốt việc cúng quan thần linh thổ địa thổ thần và gia tiên của mỗi gia đình đi đã. Bởi văn hóa truyền khẩu phi vật thể của người Việt tồn tại hàng nghìn năm nay đã đúc kết 'thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba mới đến tu chùa'.

Vụ việc thỉnh oan gia trái chủ tại Chùa Ba Vàng gây chấn động dư luận những ngày qua.

Đây là quan điểm của ông Đoàn Anh Tuấn, Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam xung quanh câu chuyện thương mại hóa tại các chùa (thỉnh oan gia trái chủ, dâng sao giải hạn…) dậy sóng dư luận những ngày qua.

Ông Tuấn cho rằng, các tôn giáo ra đời và tồn tại với mục đích giáo dục con người sống hướng thiện. Thời kỳ Lý Trần, vua Trần Nhân Tông lấy Phật giáo làm Quốc giáo. Phật giáo ngấm vào tiềm thức của mọi người dân qua nhiều thế hệ. Vì vậy, di tích lịch sử văn hóa Phật giáo ở đất nước chúng ta hầu như tỉnh huyện, thành phố nào cũng có.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước một số bộ ngành nhất là Bộ VH- TTDL hướng dẫn ủng hộ, thậm chí cấp kinh phí trùng tu. Đặc biệt, điều đáng mừng là nhiều tổ chức, cá nhân cũng đồng lòng đóng góp để bảo tồn các di tích lịch sử (đình chùa, miếu mạo), phục dựng các phế tích lịch sử văn hóa, tôn tạo và sửa chữa các di tích lịch sử hầu hết trên các tỉnh thành cả nước.

Các di tích lịch sử văn hóa đó chính là phương tiện để để người dân, các nhà tu hành tu tập hướng tới các điều thiện theo tôn chỉ mục đích của nhà phật.

Tất nhiên,theo ông Tuấn, không thể không có những hạn chế trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, rất nhiều di tích lịch sử được tôn tạo xây dựng nhiều khi chưa đúng với văn hóa bản địa. Mà phương tiện sai thì con người sẽ nhận thức sai.

“Trong quá trình hành pháp của người cầm cân nảy mực (sư trụ trì các chùa – PV) vấn đề tâm linh trong cộng đồng có người thấm nhuần được một cách trong sáng thì khi họ truyền đạt lại cho cộng đồng những điều đúng đắn. Nhưng cũng có những người do năng lực còn yếu kém, vì vậy việc hành xử đương nhiên sẽ ra những kết quả không tốt. Không khác gì một thầy giáo giỏi sẽ đào tạo những thế hệ học trò tốt, thầy giáo kém làm sao có học sinh giỏi được.

Hơn nữa, thời kỳ khó khăn người dân còn mải lo miếng cơm manh áo, thời kỳ phát triển mở cửa chúng ta lại phải lo sự nghiệp, lo cho con cái, áp lực công việc nhiều, thời gian tìm hiểu về các tín ngưỡng hay các quy định của đình chùa miếu mạo không có. Khi người dân không có điều kiện tìm hiểu như vậy mà lại có một số cá nhân không tốt muốn lợi dụng điều này để lôi kéo người ta tin theo thì cứ như thế người nọ mách người kia trở thành trào lưu. Thứ trào lưu mà tôi tin không ai mong muốn”, ông Tuấn phân tích.

Ông Đoàn Anh Tuấn, Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Đó chính là căn nguyên xảy ra hiện tượng mà báo chí vẫn nhắc đến như là thỉnh oan gia trái chủ, cúng dâng sao giải hạn. Tình trạng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng theo ông Tuấn không chỉ là câu chuyện ở chùa Ba Vàng mà là ở nhiều nơi khác. Thương mại hóa ở di tích đình, chùa được biến tướng ở nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn thùng để tiền giọt dầu, người hành hương có thể thấy ở khắp mọi nơi. Mục đích cuối cùng của những hành động này vẫn là thu lợi từ hoạt động tín ngưỡng. Điều này đi ngược với giáo lý nhà phật, người khoác áo tu hành là người giữ tinh thần cho cộng đồng, bắt buộc phải giữ thanh tịnh, một cốc nước cũng không được uống của dân, chứ chưa nói nhà chùa cầm mấy trăm nghìn núp danh tùy tâm công đức là không thể chấp nhận được.

Theo ông Tuấn, quá trình cúng bái là trao đổi giữa người sống và người đã mất. Phật trong tâm và tâm trong phật.

“Chúng ta hãy làm tốt việc cúng quan thần linh thổ địa, thổ thần và gia tiên của mỗi gia đình đi đã. Bởi văn hóa truyền khẩu phi vật thể của người Việt tồn tại hàng nghìn năm nay đã đúc kết “thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba mới đến tu chùa”.

Còn khi đi vãn cảnh chùa, người dân hãy bớt chút một thời gian tìm hiểu về luật di sản văn hóa, các quy định pháp luật đối với các tôn giáo. Chúng ta nên tập làm những việc mà chúng ta hiểu biết, không nên làm những điều không biết. Tìm hiểu trước khi làm thì chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng, làm những việc chưa hiểu biết sẽ dẫn tới sự thất vọng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn chia sẻ: “Câu cửa miệng khi tôi nói với các con và học trò mỗi ngày là: sắm sửa lễ vật nhiều làm gì khi trong đời sống hàng ngày mình đã làm được điều gì tử tế chưa? Chúng ta thờ cúng mong cầu an, chúng ta thờ cúng mong mọi điều tốt đẹp đến với cá nhân và cộng đồng của mình. Vì thế, tôi khuyên các con, học trò của mình trước và sau khi cúng cố gắng làm những điều tốt thì xã hội này mới lành mạnh, mới tốt lên được”.

Ngày 20/3, báo chí phản ánh thông tin "truyền bá chuyện vong báo oán" tại chùa Ba Vàng. Hôm sau, Bộ Văn hóa yêu cầu địa phương làm rõ sự việc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị địa phương chấn chỉnh việc thuyết giảng "vong báo oán" tại cơ sở này.

Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản nêu rõ, hiện tượng "trục vong", "gọi hồn" không có trong truyền thống Phật giáo. Nếu các cơ sở thờ tự thực hiện là vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản liên quan, cần bị xử lý nghiêm.

Ngày 24/3, UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), đã có văn bản yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo. Trong số này có hoạt động chưa đúng với danh mục đã đăng ký với nhà chức trách gồm: nghi thức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, các hoạt động giảng Pháp do bà Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng) thực hiện.

Thành phố Uông Bí yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ. "Việc tuyên truyền giảng pháp của phật tử Yến gây bất bình trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Uông Bí đề nghị Trụ trì chùa Ba Vàng, đại đức Thích Trúc Thái Minh, phải giáo dục tăng ni, Phật tử thực hiện nghiêm giáo lý nhà Phật và quy định của pháp luật. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cần chấn chỉnh việc giảng pháp của tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng trên phương tiện thông tin đại chúng do chùa quản lý, theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/vu-chua-ba-vang-thu-nhat-tu-tai-gia-thu-ba-moi-den-tu-chua-post294312.info