Vụ cô giáo bắt học sinh tự tát vì nói chuyện: Một cách để gieo mầm bạo lực cho học sinh

Hành vi 'tát' chính là hành vi bạo lực. Chính cô giáo N.T.T trường Trần Văn Ơn đã viết những nét bút đầu tiên lên hành trang ra đời của chúng: Cứ hễ làm sai là phải dùng bạo lực để trừng phạt.

Liên quan tới việc cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP HCM) vừa bị phụ huynh “tố” đề ra hình phạt kỳ lạ: bắt học trò trong lớp tự tát vào mặt theo cấp số cộng, trao đổi với Gia Đình Mớingày 6/11, Thạc sỹ tâm lý - chuyên gia Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em bày tỏ sự ngạc nhiên: “Cô giáo đang gieo chữ hay gieo mầm bạo lực cho những học sinh mới 10 tuổi?”.

Ông Chuẩn cho rằng: Trong dạy học, thưởng và phạt là 2 hình thức cần thiết để khích lệ trẻ phát huy mặt tốt cũng như hạn chế những khuyết điểm của chúng. Tuy nhiên, các thầy cô bắt buộc phải thực hiện các hình thức thưởng – phạt theo nghiệp vụ sư phạm.

Hình phạt bắt học trò tự tát vào mặt khi nói chuyện riêng rõ ràng là hình phạt phản sư phạm, không có trong giáo trình mà các trường sư phạm giảng dạy học viên. Hành vi này làm tổn thương thể xác, tinh thần của học sinh.

Hình phạt bắt học sinh tự tát vào mặt của cô giáo ảnh hưởng tới thể xác, tinh thần học sinh.

Hành vi “tát” chính là hành vi bạo lực. Dù là cô giáo bắt học trò tự tát vào má chúng, nhưng cô giáo có biết, chính hình phạt của cô khiến những đứa trẻ bắt đầu biết, làm quen và thành thạo với những hành vi bạo lực từ khi chúng còn rất nhỏ.

Và như vậy, hành vi bạo lực sẽ hình thành và in hằn trong suy nghĩ của những đứa trẻ. Những đứa trẻ đó mới 10 tuổi, chúng như một tờ giấy trắng, chính cô giáo N.T.T trường Trần Văn Ơn đã viết những nét bút đầu tiên lên hành trang ra đời của chúng: Cứ hễ làm sai là phải dùng bạo lực để trừng phạt. Như vậy là cực kỳ nguy hiểm cho sự phát triển của học sinh và cho cả một thế hệ sau này.

Chuyên gia Phạm Đức Chuẩn cũng thể hiện sự phẫn nộ đối với hình phạt mà cô giáo trường Trần Văn Ơn đề ra: "Tôi cho rằng, đã là giáo viên, được xã hội tín nhiệm với công việc gieo chữ, uốn nắn cho những đứa trẻ, mỗi người thầy, người cô cần luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình, cần tuân thủ một cách bài bản những phương pháp dạy học khi đứng trên bục giảng".

Việc “sáng tạo” những hình phạt để nhằm mục đích uốn nắn học sinh, những người thầy, cô giáo cần đặt ra câu hỏi và tự trả lời: Hình phạt đó có hiệu quả không? Hình phạt đó có ảnh hưởng tới thể xác, tinh thần học sinh hay không?

Tôi cho rằng những học sinh bị hình phạt trên của cô giáo, sẽ chỉ thấy sợ cô chứ không có động lực để nghe cô giảng.

Khi đứng lớp với những học sinh “cá biệt”, thay bằng việc nghĩ ra hình phạt quá nghiêm khắc, phản sư phạm, một người thầy giỏi, một người cô giáo tốt sẽ nghĩ tới việc thay đổi cách thức giảng dạy, nội dung bài giảng ra sao, cách thu hút học sinh như thế nào, để các em tập trung vào những tiết học của cô.

Tôi nghĩ, trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Phòng Giáo dục và đào tạo quận Tân Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc để làm gương cho những giáo viên khác.

Trước đó, như Gia Đình Mới đã đưa tin, phụ huynh học sinh lớp 5/2 trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP.HCM) đã phản ánh cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 dùng hình phạt bắt học trò tự tát vào mặt theo cấp số cộng để trừng phạt việc học sinh nói chuyện trong lớp.

Hiện, cô giáo này đã bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy để nhà trường, Hội động kỷ luật xem xét sự việc.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/vu-co-giao-bat-hoc-sinh-tu-tat-vi-noi-chuyen-mot-cach-de-gieo-mam-bao-luc-cho-hoc-sinh-d15384.html