Vụ cựu chiến binh bị đòi đất tại Đồng Tháp: Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Liên quan đến việc cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy được cấp nhà, đất từ năm 1985 nhưng liên tục bị khiếu nại, khiếu kiện để đòi, ông Lê Xuân Thân- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa đã có những chia sẻ với phóng viên.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy bên căn nhà và đất được UBND huyện chấp thuận cấp từ năm 1985

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy bên căn nhà và đất được UBND huyện chấp thuận cấp từ năm 1985

Hồ sơ có dấu hiệu giả mạo lọt “cửa” công quyền

Về nguồn gốc đất, ngày 20/3/1985, ông Thủy làm đơn gửi Thường vụ huyện ủy- UBND huyện Thạnh Hưng (nay là huyện Lấp Vò- PV) xin được cấp 880m2 đất và 1 căn nhà nằm ngoài hàng rào của Công trình bệnh viện tại xã Vĩnh Thạnh để làm nơi sinh sống. Trên cơ sở đơn của ông Thủy, ngày 02/4/1985, UBND huyện Thạnh Hưng có ý kiến chấp thuận theo đơn xin đất và căn nhà của ông Thủy, trong đó nêu rõ nhà đã đền bù xong, đất nằm ngoài hàng rào của bệnh viện.

Kể từ khi được UBND huyện cấp nhà đất, ông Thủy cùng gia đình đã sinh sống ổn định và hàng năm đóng thuế sử dụng đất cho Nhà nước. Trong quá trình gia đình ông Thủy sử dụng đất, ông Huỳnh Tấn Hòa (đã mất- PV) và sau này là anh Huỳnh Tấn Cầu (con ông Hòa- PV) cùng một số người liên tục gửi đơn đến UBND huyện và UBND tỉnh Đồng Tháp để đòi lại khu đất 22000m2 trong đó có phần đất gia đình ông Thủy được cấp.

Ông Huỳnh Tấn Hòa và Huỳnh Tấn Cầu cho rằng, năm 1983 UBND huyện Thanh Hưng trưng dụng 1800m2 đất của gia đình làm trạm bơm điện xã Vĩnh Thạnh sau đó trạm bơm không còn tồn tại thì trưng dụng tiếp 22000m2 đất của ông Hòa để xây bệnh viện với tổng diện tích 22000m2 (trong đó có trưng dụng diện tích đất làm trạm bơm khoảng 1000m2), còn lại khoảng 800m2 ông Thủy tự ý bao chiếm.

Năm 1997 ông Huỳnh Tấn Hòa làm đơn đòi lại đất với lý do đất này là của ông cha để lại khi Nhà nước trưng dụng không bồi thường và cũng không hỗ trợ gia đình ông Hòa kinh phí di dời 14 ngôi mộ gia tộc trong khu đất.

Ngày 15/04/1997, Phòng Địa chính huyện Lấp Vò có Văn bản số 01/BC-ĐC không xem xét giải quyết yêu cầu đòi bồi thường 22000m2 đất của ông Hòa. Ông Hòa tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 26/06/2008, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định 329/QĐ-UBND-NĐ giải quyết đơn khiếu nại của ông Huỳnh Tấn Hòa. Sau khi xem xét hồ sơ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định bác đơn khiếu nại yêu cầu đòi bồi thường diện tích 22000m2 đất của ông Huỳnh Tấn Hòa, giao UBND huyện Lấp Vò tiến hành bồi hoàn chi phí di dời mồ mả cho gia đình ông Hòa theo quy định.

Đơn xin cấp nhà, đất năm 1985 của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy

Vào năm 2011, ông Huỳnh Tấn Hòa qua đời, các con của ông Huỳnh Tấn Hòa đại diện là anh Huỳnh Tấn Cầu tiếp tục làm đơn khiếu nại đòi bồi thường. Sau khi xem xét, xác minh sự việc, ngày 26/10/2015, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp có Văn bản số 746/VPUBND-TCD về việc giải quyết khiếu nại của anh Huỳnh Tấn Cầu.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng có ý kiến chỉ đạo: Giao UBND huyện Lấp Vò hỗ trợ cho gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa 3 nền đất ở không thu tiền sử dụng đất; Bố trí cho 2 người con của ông Huỳnh Tấn Hòa là hộ ông Huỳnh Tấn Linh và hộ bà Huỳnh Thị Chi mỗi hộ 01 nền vượt lũ do là đối tượng hộ nghèo, không có đất ở; Xem xét, hỗ trợ chi phí di dời mồ mả của gia đình ông Huỳnh Tấn Cầu trên đất trúng quy hoạch hiện nay.

Sau khi UBND tỉnh Đồng Tháp giải quyết, anh Huỳnh Tấn Cầu cùng các đồng nguyên đơn tiếp tục khởi kiện ra Tòa án đòi lại phần đất ông Thủy đã được UBND huyện cấp vào năm 1985.

Trích lục địa bộ mà gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa dùng để khiếu nại, khiếu kiện đòi bồi thường, đòi đất mang tên cụ Huỳnh Tấn Cứ

Thụ lý vụ án, năm 2017, TAND huyện Lấp Vò đã bác đơn khởi kiện đòi đất của anh Huỳnh Tấn Cầu và các đồng nguyên đơn. Sau đó, anh Huỳnh Tấn Cầu kháng cáo bản án đến TAND tỉnh Đồng Tháp. Tại phiên xét xử phúc thẩm vào năm 2018. TAND tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận kháng cáo của anh Huỳnh Tấn Cầu và tuyên ông Thủy phải trả lại 772,5m2 (diện tích đo thực tế- PV) cho anh Huỳnh Tấn Cầu.

Điểm đặc biệt là Trích lục địa bộ và Họa đồ lập năm 1965 mà gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa mang đi làm chứng cứ, pháp lý để khiếu nại, khiếu kiện đòi bồi thường, đòi đất lại mang tên cụ Huỳnh Tấn Cứ, người không có quan hệ ông bà, bố mẹ ruột thịt và cũng không có di chúc, tặng cho gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa.

Phải căn cứ vào quy định của pháp luật

Liên quan đến sự việc này, phóng viên Công lý & Xã hội đã có buổi trao đổi với ông Lê Xuân Thân- Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa.

PV: Gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa liên tục khiếu nại đến chính quyền tỉnh Đồng Tháp để đòi bồi thường 22000m2 đất Nhà nước đã trưng dụng để xây dựng trạm bơm năm 1979 và bệnh viện năm 1983 . Sau lần bác khiếu nại năm 2008 bằng quyết định hành chính, thì năm 2015 tỉnh Đồng Tháp bất ngờ xem xét lại và chấp thuận giao 05 nền đất cho gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa. Xin ông cho biết, pháp luật quy định về trường hợp này như thế nào?

ĐBQH Lê Xuân Thân: Ngày 14/4/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 111 về chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam. Tại Khoản 1, Mục IV nêu rõ Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc ngụy quân ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý”

Ngày 26/11/2003, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23/2003/QH11, về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991. Tại Điều của Nghị quyết 23 quy định Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

Để thi hành Nghị quyết 23 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết 755 năm 2005 để giải quyết trường hợp cụ thể về nhà đất. Trong Nghị quyết 755 đã hướng dẫn cụ thể trường hợp nào quản lý thế nào và quản lý ra sao, trong trường hợp người có khó khăn về nhà ở thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chỗ ở mới, chứ không đặt lại việc đòi lại chỗ cũ.

Các văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

PV: Việc gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa sử dụng hồ sơ có dấu hiệu giả mạo để đi khiếu nại, khiếu kiện đòi đất nhưng đã “lọt” qua các cấp chính quyền tỉnh Đồng Tháp và TAND 2 cấp tỉnh Đồng Tháp. Và trong bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã chấp nhận yêu cầu đòi đất của anh Huỳnh Tấn Cầu, buộc ông Thủy phải trả lại 772,5m2 nhà, đất đã được UBND huyện chấp thuận cấp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

ĐBQH Lê Xuân Thân: Về quá trình giải quyết của chính quyền tỉnh Đồng Tháp và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp, tôi cho rằng muốn đánh giá đúng sai thì phải căn cứ vào hồ sơ và chứng cứ. Ở đây mọi việc giải quyết đều phải căn cứ vào quy định của pháp luật, mà cụ thể là căn cứ vào Nghị quyết 23 năm 2003 của Quốc hội và Nghị quyết 755 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về vụ việc cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy bị khiếu kiện đòi đất, sau khi tiếp nhận đơn tôi đã có phiếu chuyển gửi cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.

PV: Xin chân thành cám ơn ông.

Anh Tuấn

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/vu-cuu-chien-binh-bi-doi-dat-tai-dong-thap-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-34091.html