Vụ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký lên tranh: Một sự xúc phạm tới họa sĩ

Trong một tác phẩm nghệ thuật, một nét, một chấm của người nghệ sĩ cũng là sáng tạo, là nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ để giữ trọn vẹn tính nghệ thuật của bức tranh còn không nỡ ký tên mình lên mặt tranh, chỉ ký đằng sau tác phẩm. Việc ai đó ký tên lên bức tranh là một sự xúc phạm tới tác giả, không chỉ ở góc độ nghệ thuật mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Những chữ ký đậm mực trên bức tranh khiến dư luận "dậy sóng" và phẫn nộ trong giới họa sĩ.

Hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên bức tranh đấu giá thành công gây quỹ ủng hộ diễn viên Lê Bình, Mai Phương chữa trị ung thư khiến cộng đồng mạng xôn xao bàn tán ngày qua. Báo Dân Việt tiếp tục nhận được những phản ứng gay gắt từ phía các họa sĩ xoay quanh sự việc này.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết: "Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhìn tấm hình Đàm Vĩnh Hưng và các nhân vật khác trong làng văn nghệ ký tên họ lên một bức tranh hội họa hiện đại. Một cảm giác "sốc" và liền đó là nỗi buồn ê chề lan tỏa trong tôi khi thấy hành động đó của họ. Họ đã phá nát bức họa. Nỗi buồn của họa sĩ nói chung là thường nghe mọi người gọi "tranh" là "ảnh" và trường hợp này không phải là chỉ buồn mà chúng tôi phẫn nộ. Được biết, họ có thái độ xin lỗi tác giả bức tranh nhưng thực sự tôi vẫn băn khoăn về sự hiểu biết văn hóa của những người mang danh nghệ sỹ. Hy vọng họ tự vấn lại bản thân để tránh lặp lại những hành động như thế.”

Trước những ý kiến không hay từ phía cộng đồng và giới họa sĩ về bức tranh bị ký tên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết: “Chủ nhân mới của bức tranh tha thiết yêu cầu các anh chị em nghệ sĩ ký tên vào làm kỷ niệm. Lúc đó, chúng tôi đều rất e ngại nhưng anh ấy là người kiên quyết bắt chúng tôi ký vào. Cũng vì cảm động trước tấm lòng của vị Mạnh Thường Quân đã mua bức tranh này ủng hộ Mai Phương nên chúng tôi ký tên để anh ấy làm kỷ niệm".

Dù đã lên tiếng nhưng lời chia sẻ của nam ca sĩ không đủ xoa dịu đi sự bức xúc của những họa sĩ khi thấy tác phẩm của đồng nghiệp bị những chữ ký đè lên.

Họa sĩ Kiều Hải khẳng định: “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của họa sĩ, dù đẹp hay xấu trong con mắt của người xem và sự đánh giá của công chúng. Tác phẩm đó duy nhất chỉ có một chữ ký của người sáng tạo ra nó. Việc một cá nhân hay một tập thể nào đó tùy tiện ký tên vào đó, ngay kể cả khi tác giả của bức tranh cho phép để tự tôn vinh mình là sự sỉ nhục tới tác giả và đồng nghiệp của họ.

Không thể lấy hào quang hay hư danh của người này đè lên lòng tự trọng của người khác cũng như trong trường hợp cụ thể này lấy tác phẩm hội họa của một họa sĩ làm nền cho chữ ký của một nhóm người là hành vi thiếu văn hóa. Hữu xạ tự nhiên hương, mỗi một ngành nghệ thuật có giá trị riêng và bình đẳng trước cái đẹp, trước sự đánh giá của công chúng. Không nên và không bao giờ được tùy tiện cho mình cái quyền coi thường người khác, ngành nghề khác để có những hành vi như vậy. Nếu họ có lòng tôn trọng họa sĩ, có thể ký mặt sau tấm toan còn có thể chấp nhận. Còn ở đây, dù là lời đề nghị của ai thì cũng là hành động không thể chấp nhận được.”

Bức tranh được bán đấu giá thành công trước khi Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên.

Các họa sĩ cho rằng, bất luận việc ký tên ấy có ý nghĩa như thế nào với chủ nhân mới của bức tranh thì hành động ký tên lên bức tranh sau khi đấu giá thành công thực sự là hành động đáng lên án, nhất là khi những người ký tên là những nghệ sĩ.

Trên trang cá nhân của mình, nhà điêu khắc Hà Trí Dũng khuyến cáo các họa sĩ: “Vẽ tranh mang ra đấu giá làm từ thiện thì nên vẽ kín đặc không để hở một khoảng trống nào cho người khác hết chỗ ký cọt bêu danh bôi bẩn tác phẩm - duy nhất chỉ có họa sĩ là tác giả được ký tên khẳng định quyền tác giả và bản quyền tác phẩm của mình theo luật định!

Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc bức xúc viết: “Đây là cách của giới nghệ sĩ tinh hoa xứ Việt đối xử với một tác phẩm nghệ thuật sao? Về nguyên tắc, một tác phẩm hội họa chỉ có một chữ ký, đó là chữ ký của tác giả, xác nhận tác phẩm của mình, ngoài ra không thể có một chữ ký nào khác, dù trước hay sau của bức tranh. Hơn nữa, không thể viết vẽ bừa bãi trên một tác phẩm đã được hoàn thiện, làm như thế là hành động phá hoại tác phẩm.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình đã bán tác phẩm của mình cho người mua, nhưng không thể không đau đớn và cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy tác phẩm của mình bị đối xử như thế này. Và người mua đấu giá bức tranh này nữa, ngoài việc đóng góp để làm việc thiện lành, người mua cũng có sự trân trọng nghệ thuật. Các người đang làm những hành động phỉ nhổ nghệ thuật dù đang hô hào phụng sự nghệ thuật”.

Cũng có ý kiến cho rằng: Thời xưa, ngoài chữ ký (triện) của tác giả bức tranh thì những người chơi tranh khi sở hữu một tác phẩm cũng có ký hiệu của mình lên bức tranh đó. Tuy nhiên, thời hiện đại, tranh sơn dầu và các chất liệu khác thì không nảy sinh thú chơi (ghi chủ sở hữu lên mặt tranh) kiểu Trung Hoa xưa. Và đặc biệt với những nhà sưu tập tranh ở Việt Nam thì chưa gặp trường hợp nào.

Bởi theo các họa sĩ, trong một tác phẩm nghệ thuật, một nét, một chấm của người nghệ sĩ cũng là sáng tạo, là nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ để giữ lại trọn vẹn tính nghệ thuật của bức tranh còn không nỡ kí tên lên mặt tranh, chỉ ký đằng sau tác phẩm, thậm chí, nhiều khi còn không ký. Việc ai đó ký tên lên bức tranh là một sự xúc phạm tới tác giả, không chỉ ở góc độ nghệ thuật mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/vu-dam-vinh-hung-le-quyen-ky-len-tranh-mot-su-xuc-pham-toi-hoa-si-921332.html