Vụ 'dân mất mùa điều' ở Bình Phước: Có làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh?

Ngày 31.7, báo Lao Động đăng bài: 'Bình Phước: Dân mất mùa điều vì nghe cán bộ khuyến nông'. Bài báo phản ánh hiện tượng nhiều hộ nông dân thuộc diện được hỗ trợ thiệt hại vụ điều năm 2016 - 2017, được cán bộ khuyến nông cấp phát thuốc và tư vấn phun thuốc... Hậu quả, dân đã mất mùa điều, vì cây điều bị rụng bông, rụng trái...

Nông dân Hoàng Văn Thanh (ngụ thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) chỉ lên một trong nhiều cây điều đang bị thuốc trừ sâu khiến cho rụng bông, rụng trái. Ảnh: C.H

Tỉnh chỉ đạo hỗ trợ bằng tiền, xã mua thuốc phát cho dân (?)

Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30.1.2018 của UBND tỉnh Bình Phước quy định rất rõ: “hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng điều”, “hạng mục hỗ trợ: Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018”, “mức hỗ trợ bình quân: 2.000.000 đồng/ha”.

Tổng diện tích hỗ trợ là 22.395,24ha trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng dự toán trên 44,7 tỉ đồng. Thực hiện chỉ đạo trên, UBND huyện Bù Đăng đã ra Quyết định 356/QĐ-UBND ngày 9.2.2018 và văn bản 142/UBND-KT ngày 5.2.2018, trích 3,2 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để làm kinh phí hỗ trợ nông dân.

Tại văn bản 142, UBND huyện Bù Đăng quy định rất rõ hình thức hỗ trợ bằng kinh phí, các hộ được thụ hưởng phải cam kết sử dụng kinh phí trong việc chăm sóc, bảo dưỡng bông, trái non, chống rụng trái và bảo vệ điều, v.v... Và, số tiền hỗ trợ trong đợt này là 500.000 đồng/hộ.

Tỉnh và huyện chỉ đạo là vậy, nhưng trên thực tế, không hiểu tại sao, chính quyền các xã lại không hỗ trợ bằng kinh phí (tiền), mà trực tiếp mua các loại thuốc từ các cửa hàng, rồi chở về trụ sở UBND xã và phát cho từng hộ dân.

Ngay khi phát thuốc, cán bộ khuyến nông tư vấn cho từng hộ dân cách thức pha trộn thuốc với nước và cách phun dung dịch thuốc lên cây điều... Hậu quả, hàng loạt hộ dân đã lâm cảnh thất bát mùa điều, vườn điều bị hủy hoại nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí bằng tiền cho dân, UBND huyện cũng tuân thủ chỉ đạo trên, nhưng về tới xã thì người dân lại bị ép nhận thuốc? Tai hại là chủng loại thuốc lại không nằm trong mục đích “chăm sóc bảo vệ bông và trái non”; trái lại, chủng loại thuốc... phá hoại bông, thiêu rụi trái, v.v...

Có làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh?

Trước tình hình trên, ngày 5.7.2018, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch HĐND huyện Bù Đăng, Trưởng đoàn khảo sát việc hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng điều niên vụ 2016-2017 - đã có báo cáo về vụ việc này. Theo ông Giang, trong đợt 2 hỗ trợ này, huyện Bù Đăng đã chi 3,2 tỉ đồng hỗ trợ cho 6.465 hộ có vườn điều bị thiệt hại.

Các hộ này được huyện Bù Đăng chia làm 4 đối tượng: Hộ nghèo, cận nghèo, chính sách và dân tộc thiểu số. Ông Giang thừa nhận: “Hồ sơ quyết toán của UBND các xã đối với cơ quan tài chính là hỗ trợ tiền cho người dân (người dân ký vào danh sách nhận tiền hỗ trợ), nhưng thực tế người dân không nhận tiền, mà nhận thuốc BVTV tương ứng với số tiền được hỗ trợ”.

Mặt khác, “UBND cấp xã đã chuyển toàn bộ số tiền Nhà nước hỗ trợ cho người dân, để người dân trực tiếp đến cửa hàng cung ứng thuốc BVTV nhận thuốc, theo thỏa thuận giữa UBND xã với đơn vị cung ứng”.

Rõ ràng, với việc thực hiện trên, chính quyền các xã đã làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh căn cứ trên diện tích thiệt hại để hỗ trợ kinh phí cho nông dân, thì UBND huyện Bù Đăng lại căn cứ trên số hộ, với 4 đối tượng, để hỗ trợ (?). Điều này có công bằng, khi mỗi hộ có diện tích điều không giống nhau? v.v...

Liệu có khuất tất đằng sau việc hỗ trợ, mua thuốc và cấp phát thuốc sai sót cho người dân trong sự vụ này? Không phải ngẫu nhiên, dù chưa thừa nhận sai phạm nào, nhưng HĐND huyện Bù Đăng mới đây đã yêu cầu UBND huyện “nên để người dân tự mua thuốc BVTV...; sau đó mang hóa đơn mua thuốc BVTV đến UBND xã nơi canh tác để nhận tiền
hỗ trợ”.

Thất thu mùa điều, hiện ở Bình Phước có không ít đồng bào dân tộc thiểu số quá khó khăn, phải bán điều non để có tiền chi tiêu. Đơn cử tại huyện Bù Gia Mập, hiện có 436 hộ bán điều non, cầm cố, bán đất, vay tiền lãi suất cao, cá biệt có trường hợp vay lãi suất 30-50%/năm. Trong đó, có 134 hộ bán 151,7ha điều non từ 3-14 năm; có 188 hộ cầm cố, thế chấp vườn điều với diện tích 275,9ha từ 3-10 năm. Và, có 78 hộ vay tiền lãi suất cao với số tiền 7,2 tỉ đồng.

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/vu-dan-mat-mua-dieu-o-binh-phuoc-co-lam-trai-chi-dao-cua-ubnd-tinh-623069.ldo