Vụ 'đất lậu' làm đường ở Bình Định: Bỏ quên quy trình giám sát?

Đất đá từ vị trí hạ cao độ nền đường, ăn vào chân trụ điện cao thế, lẫn cả đá hộc vô tư được nhà thầu dùng san lấp nền đường dự án đường phía Tây Bình Định không đảm bảo tiêu chuẩn...

San lấp nền đường dự án đường phía Tây Bình Định bằng cả đá hộc (Chụp trưa 10/10)

Đá to bằng bàn tay vẫn được dùng để san nền

Không chỉ dùng “đất lậu” từ các mỏ không phép trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn, Bình Định), ghi nhận PV, một số nhà thầu thi công dự án đường phía Tây tỉnh lấy đất tại các vị trí hạ cao độ nền đường, lẫn cả đá hộc để san lấp. Sáng 10/10, tại dốc Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), nhiều xe tải logo Nam Ngân (Công ty TNHH Xây dựng và công nghệ Nam Ngân) nối đuôi nhau ra, vào chở đất. Ngọn đồi đang được hạ độ cao, đào sát vào chân các trụ điện cao thế toàn là đất lẫn đá dăm, đá hộc… được máy đào xúc đổ thẳng lên thùng xe.

Chừng vài phút, chiếc xe tải 2 trục BKS 77C-144.09 chở có ngọn đất tạp xuôi xuống dốc, chạy vào nút giao Long Mỹ san lấp. Ông Sơn (người được giới thiệu quản lý thi công của Nam Ngân) vừa lái xe lu, vừa cho biết: Dự án chấp thuận cho tận dụng đất ở dốc Long Mỹ để san nền.

Cảnh sát môi trường vào cuộc điều tra

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án được kiểm soát chặt tiến độ, không thể để xảy ra tình trạng thi công ẩu (?). Khi PV đưa hình ảnh đá hộc lẫn vào đất san lấp nền đường, vị lãnh đạo này gọi cán bộ phụ trách gói thầu lên yêu cầu kiểm tra. “Chúng tôi có tư vấn giám sát, nghiệm thu từng hạng mục, nếu có vi phạm sẽ loại ngay vật liệu không đạt tiêu chuẩn ra khỏi công trường. Ban sẽ có báo cáo kết quả cụ thể”, vị lãnh đạo này nói thêm.

Trước đó, Báo Giao thông có bài “Vô tư mua bán đất lậu san lấp nền đường ở Bình Định” phản ánh nhà thầu Thuận Đức dùng đất ở mỏ trái phép trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân san lấp nền đường gói thầu dự án đường phía Tây (ĐT639B, đoạn Km 113- Km 145 và phân đoạn Km 137+580 - Km 143+787, có tổng mức đầu tư hơn 940 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP, vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác).

Các chuyên gia cầu đường nhận định: Việc dùng đá hộc san lấp nền đường vi phạm quy chuẩn TCVN 9436:2012 về nền đường ô tô, quy định rõ kích cỡ hạt sỏi, đá lẫn trong đất đắp, san lấp nền đường tối đa 100-150mm. Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư vấn giám sát (TVGS), quản lý dự án. Đồng thời, việc dùng vật liệu không rõ nguồn gốc, các mỏ không được cấp phép tiềm ẩn nguy cơ chất lượng vật liệu không đảm bảo.

Theo các chuyên gia này, vật liệu dùng dự án giao thông phải được chủ đầu tư chấp thuận mỏ, trường hợp vật liệu tận dụng (từ các dự án san lấp, hạ cao độ đồi núi..) phải được cấp địa phương trên tuyến xác nhận. Vật liệu vận chuyển đến công trường phải được các đơn vị TVGS kiểm tra, nghiệm thu chất lượng chặt chẽ.

“ Việc vô tư dùng “đất lậu, thành phần đất đá không đảm bảo tiêu chuẩn triển khai dự án đường phía Tây Bình Định cho thấy, quy trình giám sát, quản lý dự án bị hổng. Nếu không đảm bảo quy định pháp lý, chất lượng, vật liệu này bị buộc cào bóc, đưa ra ngoài dự án”, một chuyên gia quản lý dự án giao thông phân tích.

Sáng 17/10, PV liên hệ với Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định, nhưng không có câu trả lời cụ thể. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bình Định) cho biết, đang điều tra vụ việc khai thác “đất lậu” mà Báo Giao thông phản ánh.

Nhóm PV VPMT

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/vu-dat-lau-lam-duong-o-binh-dinh-bo-quen-quy-trinh-giam-sat-d275832.html