Vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân: Hủy bỏ kết quả để tạo môi trường đầu tư trong sạch

Những sai phạm trong việc đấu giá khu dân cư Hòa Lân (KDCHL) không chỉ gây bức xúc trong xã hôi mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng Agribank, lòng tin của nhà đầu tư và gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội.

Liên quan đến vụ việc này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Thanh tra Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thanh tra vụ việc.

Căn cứ nào để hủy bỏ kết quả đấu gia?

Việc vi phạm nghiêm trọng trong đấu giá dự án KDCHL đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra. Một số chuyên gia về BĐS, cũng như một số luật sư cũng phân tích kỹ vấn đề và đa số cho rằng vụ việc trên không chỉ vi phạm Luật dân sự, Luật kinh doanh BĐS, mà còn vi phạm những nghị định của Chính phủ.

Việc đấu giá dự án nói trên đã vi phạm vào điểm c, khoản 1, điều 117 của Luật dân sự 2015, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự; Vi phạm điều 122 của Luật dân sự, quy định về “giao dịch dân sự vô hiệu”; Vi phạm điều 12, mục 5, Nghị định số 76/2015, ngày 10/9/2015 quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS. Đấu giá DAKDCHL vi phạm Điều 48 của Luật kinh doanh BĐS. Đặc biệt, nó vi phạm Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ.

 Các tài liệu, văn bản liên quan đến các sai phạm tại khu dân cư Hòa Lân.

Các tài liệu, văn bản liên quan đến các sai phạm tại khu dân cư Hòa Lân.

Ngân hàng Agribank Chợ Lớn là đơn vị ký kết với công ty đấu giá đất dự án, nhưng không đo, vẽ chính xác diện tích đất, nên khi kiểm tra sau đấu giá thành công đã thiếu 8.500 m2 so với thực tế, gây thiệt hại cho công ty Thiên Phú nhiều tỷ đồng. Tiếp đó, khi ký hợp đồng số 10/2015/HĐĐG, ngày 16/7/2015, Phó giám đốc Agribank Chợ Lớn thực hiện, nhưng không được sự ủy quyền của Giám đốc là không đúng tư cách pháp nhân, vi phạm quy định của Luật dân sự và Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về bán đấu giá tài sản.

Agribank Chợ Lớn không có biện pháp kiên quyết đối với Công ty Kim Oanh khi trả nợ kéo dài, vi phạm quy chế đấu giá và thông báo đấu giá của chính ngân hàng này. Sự việc này gây thất thoát tài sản của Nhà nước hơn 96,3 tỷ đồng và làm thiệt hại lớn cho Công ty Thiên Phú.

Trong khi Agribank Chợ Lớn thiếu kiên quyết và bỏ qua nguyên tắc, thì Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại không kiểm tra thông tin do ngân hàng cung cấp. Vì thế, khi quy chế bán đấu giá và thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau, họ vẫn tổ chức bán đấu giá. Điều này cũng vi phạm Nghị định 17/2010 NĐ-CP.

Không những vậy, Công ty Nam Sài Gòn còn bỏ qua quy định của pháp luật về việc ban hành quy chế bán đấu giá trước khi đấu giá (vi phạm khoản 1, điều 13 Thông tư số 23/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp) và nghị định của Chính phủ; không kiểm tra cụ thể khi ngân hàng thông báo giảm giá khi đấu giá lần thứ 2 là 2%, nhưng giá khởi điểm ngân hàng đưa ra thiếu đến 346 tỷ đồng, gây thiệt hại trực tiếp cho Công ty Thiên Phú.

Một vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nữa là sau khi Công ty A Đông Hải (Kim Oanh) trúng giá, công ty đấu giá đã ký hợp đồng mua bán số 01 – 10/2017/HĐMBTSBĐS ngày 01/7/2017, trong khi Công ty Kim Oanh chưa thực hiện xong việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để được trực tiếp đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Và Công ty Kim Oanh cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình sau khi trúng đấu giá tài sản.

Từ sự việc này, Công ty Kim Oanh đã đem hợp đồng đi công chứng là sai luật, gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú và khó khăn, lãng phí trong việc xử lý khắc phục sai phạm.

Hủy bỏ là có lợi cho Nhà nước và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực sự

Nhận thấy những sai phạm nghiêm trọng trong việc đấu giá Dự án KDCHL, thiệt hại nhiều về tài sản của mình, Công ty Thiên Phú đã đệ đơn lên Tòa án nhân dân Quận 7, TP.HCM và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng làm rõ và giải quyết đúng vụ việc. Bên cạnh đó, công an và các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương cũng vào cuộc để điều tra, làm rõ vấn đề này.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Bình Dương: Những dấu hiệu sai phạm về thương vụ đấu giá tại Dự án KDCHL công an đang tiến hành thu thập các hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra. Còn ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết là Dự án KDCHL đã bị nghiêm cấm giao dịch dưới mọi hình thức.

Khu dân cư Hòa Lân từng được đổ đất đá để san lấp mặt bằng... nhưng tình cảnh hiện tại chỉ là những bãi đất đá lồi lõm.

Rõ ràng, những sai phạm đã nêu ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Nhà nước và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp BĐS chân chính. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng Agribank Chợ Lớn đã liên kết với Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh, hình thành “nhóm lợi ích” để thâu tóm, chiếm đoạt Dự án KDCHL thông qua việc đấu giá khó hiểu như đã nêu?

Để trả lời cho câu hỏi này, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và công minh. Có như vậy sự việc mới được làm sáng tỏ, lẽ phải mới được bảo vệ. Những sai phạm trong đấu giá Dự án KDCHL đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm mất uy tín, danh dự của ngân hàng, giảm lòng tin của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chân chính và nhân dân tỉnh Bình Dương.

Để giảm thiểu thất thoát tài sản của Nhà nước, thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh chính đáng, đề nghị cơ quan chức năng cần hủy bỏ kết quá đấu giá Dự án KDCHL, tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bán đấu giá lại theo quy định, giá trị của dự án sẽ được nâng cao, Nhà nước và doanh nghiệp đều có lợi. Đó là việc cần làm ngay, góp phần làm trong sạch và thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam nói chung, khu vực Nam bộ nói riêng.

PV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/congly-24h/vu-dau-gia-khu-dan-cu-hoa-lan-huy-bo-ket-qua-de-tao-moi-truong-dau-tu-trong-sach-293826.html