Vụ di chúc nhiều uẩn khúc ở Quảng Ngãi: Cần xem xét các chứng cứ liên quan

Tòa án huyện Đức Phổ trong phiên sử sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn Võ Duy Bình (trú TDP 2, thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) dù nguyên đơn cho rằng còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ về tính xác thực của bản di chúc của cha mẹ ông để lại.

Báo Công lý & Xã hội đã có bài phản ánh trước đó về bản di chúc tạo lập có nhiều dấu hiệu “bất thường” đứng tên ông Võ Duy Nghi (SN 1929) và bà Nguyễn Thị Bôn (SN 1933) tặng tài sản cho con là Võ Duy Minh, trong khi ông Nghi và bà Bôn có 10 người con. Nghi ngờ tính hợp pháp của bản di chúc trên, ông Võ Duy Bình đã gửi đơn khởi kiện, TAND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) thụ lý vụ án và đưa ra xét xử.

Di chúc được cho là được lập vào ngày 3/2/2012 và do ông Võ Duy Nghi viết lại không được ông Võ Duy Nghi ký mà chỉ cùng vợ là Nguyễn Thị Bôn điểm chỉ với nét dấu vân tay không rõ hoa tay. Quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Công chứng nêu: “Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký…”. Trường hợp ông Võ Duy Nghi và bà Nguyễn Thị Bôn không trái quy định này thì tại sao không có chữ ký của ông Nghi và bà Bôn trong di chúc?

Trên Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu tại Công an Thị trấn Đức Phổ, ông Võ Duy Nghi ký trong phần ý kiến chủ hộ vào ngày 8/3/2012 cho Nguyễn Thị Hiền và ngày 4/10/2013 cho Võ Duy Minh cho thấy ông Nghi biết ký và vẫn ký được trên các chứng từ trong cùng thời điểm lập di chúc. Chứng cứ này được Công an huyện Đức Phổ gửi Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ ngày 8/10/2019.

Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu

Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu

Trong quá trình ghi nhận lời khai, ông Phạm Vũ Tùng (cán bộ Tư pháp Thị trấn Đức Phổ thời điểm đó) xác nhận tự ông Tùng ghi chữ “ngày 3/2/2012” và “ngón trỏ phải bà Nguyễn Thị Bôn, ngón trỏ phải ông Võ Duy Nghi” trong di chúc. Đồng thời, ông Tùng khai rằng “ông Nghi mang đến UBND thị trấn Đức Phổ 01 bản di chúc viết tay…”. Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Toàn – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Phổ lại chứng thực: “Di chúc này được thành lập thành 02 bản chính”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 630 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định tại Mục a nêu: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”, ông Võ Duy Minh và bà Nguyễn Thị Bôn phải đủ năng lực hành vi khi thực hiện di chúc. Câu hỏi đặt ra, nếu người cho tặng minh mẫn tại sao lại không thể tự ghi “ngày tháng” và “ngón trỏ phải” trong di chúc mà để cán bộ tư pháp tự ghi như vậy?

Trong Bản án sơ thẩm số 29/2019/HNGĐ-ST ngày 28/11/2019, TAND huyện Đức Phổ tuyên, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu tuyên bố bản di chúc vô hiệu và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Võ Duy Minh.

Quyết định hoãn phiên tòa

Ông Võ Duy Bình thắc mắc, bản án sơ thẩm khẳng định di chúc hợp pháp về nội dung, hình thức, người lập di chúc minh mẫn nhưng lại dựa vào quy định các điều luật cũ gồm Luật Công chứng 2006 (nay là Luật Công chứng 2014); Bộ Luật dân sự 2005 (nay là Bộ luật dân sự 2015) mà không đề cập đến Luật đất đai (liên quan đến hồ sơ dịch chuyển chủ sở hữu và cấp GCNQSD đất mới cho ông Võ Duy Minh).

Nguyên đơn Võ Duy Bình cho rằng, TAND huyện Đức Phổ đã không xem xét ghi nhận chứng cứ có giá trị theo yêu cầu và được Công an huyện Đức Phổ cung cấp ngày 8/10/2019, thể hiện 3 chữ ký thời điểm trước và sau thời gian xuất hiện bản di chúc trong vụ kiện này.

Ông Bình cũng cho rằng trong trường hợp này di chúc có nhiều chứng cứ ngụy tạo bởi vì theo quy định của pháp luật thì cha mẹ ông phải là người tự ký vào di chúc, tự viết ngày tháng. Ông Bình cho biết thêm, bên cạnh việc kháng cáo bản án sơ thẩm ông sẽ có đơn tố cáo đối với những người liên quan cố tình làm di chúc giả mạo.

Nhà có 10 anh chị em, khi cha mẹ mất đi người em út là Võ Duy Minh âm thầm sang tên, đổi chủ sở hữu trên GCNQSDĐ cho mảnh đất và ăn nhà mà cha mẹ để lại và sau đó rao bán. 9 người anh em còn lại buộc phải tìm hiểu nguồn cơn, đấu tranh nhằm giữ lại mảnh đất hương hỏa thờ tự mẹ cha. Quá trình làm rõ vụ việc đã phát hiện, không có văn bản cần thiết nào của Phòng TN&MT huyện Đức Phổ như biên bản đo đạc thực địa, chữ ký xác nhận các hộ liền kề, xác nhận biến động đất, văn bản đề nghị cấp mới sổ đỏ gửi Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cấp mới trong hồ sơ cấp đổi giấy tờ nhà đất. Sổ đỏ cũ (số sổ AD 830769, thửa đất số 104, tờ bản đồ số 20, đất ở đô thị 167,8m2 trong đó sử dụng 108,8m2 đất ở lâu dài và 59m2 đất ở tạm thời), sau khi đổi sổ đổ mới tên chủ sở hữu Võ Duy Minh (số sổ CP 562406, thửa đất số 104, tờ bản đồ số 20, biến động diện tích thành 167,8m2 đất ở lâu dài trong đó có 28m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông).

Dương Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/vu-di-chuc-nhieu-uan-khuc-o-quang-ngai-can-xem-xet-cac-chung-cu-lien-quan-30281.html