Vũ điệu của nắng trên dòng thời gian

Một nhóm tác giả gồm các họa sĩ trẻ Dương Ngọc Tuấn, Ngọc Anh và Phan Quang Tuấn sinh ra ở những địa phương khác nhau, song lại chung một tình yêu với những vẻ đẹp giản dị của thiên nhiên, góc quê, góc phố. Đó cũng là chủ đề trong triển lãm chung 'Sự nhìn', tại Bảo tàng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, vào ngày 5-1-2019 tới đây.

Bên bờ sông quê, tranh sơn dầu của Dương Ngọc Tuấn.

Bên bờ sông quê, tranh sơn dầu của Dương Ngọc Tuấn.

Dương Ngọc Tuấn, Ngọc Anh và Phan Quang Tuấn là những họa sĩ khá quen thuộc với những người yêu tranh qua các triển lãm mấy năm gần đây. Họ gắn kết với nhau bởi tình yêu sâu nặng với thiên nhiên, nắng, gió trên những cánh đồng, ngõ xóm, con phố thường ngày đi qua. Ba tác giả đều là những người trẻ, vẽ kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chi tiết, có tình yêu hội họa và dám dấn thân thật sự

Trong triển lãm này chỉ với số lượng tranh khá khiêm tốn, chỉ 18 bức, nhưng người xem sẽ thấy rõ họ là những cá nhân khác nhau về tâm tính và cuộc sống qua cách đặt vấn đề, hòa sắc và bút pháp của mỗi người biểu hiện trên mặt tranh, mặc dù họ đều có chung chí hướng vẽ phong cảnh hiện thực.

Nếu nắng trong tranh Ngọc Anh là sự chói chang và trong vắt của những buổi sáng tháng năm chạy trong những ngõ phố với những chi tiết, đồ vật sinh hoạt và cây cối được diễn tả kỹ lưỡng như những họa sĩ của phong cách “photorealism” tại nhiều nước châu Âu và Mỹ. Thì nắng trong tranh phong cảnh của Dương Tuấn được cảm nhận như ánh nắng bảng lảng, mát dịu với độ ẩm cao sau những cơn mưa của tiết trời đông xuân từ tháng mười hai tới tháng ba trên những cánh đồng quê ngai ngái mùi cỏ hoang và đầm lầy.

Còn Phan Quang Tuấn - tác giả của nhiều bức sơn mài kích thước lớn khá nổi tiếng lại diễn tả cái nắng nóng, hanh khô mùa thu trong những ngôi làng Bắc bộ thật gần gũi với mỗi chúng ta, mà đâu đó bay ra hương của những bức tường gạch cũ và rơm khô của tháng 8, tháng 9. Phan Tuấn (sinh năm 1981, Hải Phòng), tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng Thạc sĩ mỹ thuật tại đây. Anh hiện là giảng viên trường Đại học Hòa Bình. Anh vừa là Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên của nhóm "Họa sĩ sơn ta Việt Nam".

Hương Canh, tranh Sơn mài của Phan Quang Tuấn

Họa sĩ Ngọc Anh, tác giả của những bức tranh miêu tả về những chiếc cổng, những bức tường thu có nắng chiếu rọi, cho rằng: Tranh của tôi mang một thông điệp rất rõ. Chúng cho ta thấy được rằng thời gian đã trôi qua rất nhanh. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, những thứ hàng ngày chúng ta lướt qua, đi qua mà không biết rằng nó là minh chứng thời gian không chờ đợi một ai. Với những người không biết quý trọng thời gian thì hãy nhìn lại và soi vào đó để biết được rằng thời gian là thứ vô cùng quý giá. Tôi vẽ lại chúng như là ghi chép lại những khoảng khắc mà thời gian đã đi qua và để lại.

Họa sĩ Ngọc Anh bên bức tranh sơn dầu Nơi tình yêu bắt đầu.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, nhận xét: “Cảm giác về một cách làm việc nghiêm túc, chân thành và cẩn trọng là ấn tượng rất rõ để hiểu thêm tình cảm nâng niu cái đẹp trong tự nhiên của mỗi nghệ sỹ, ở ngưỡng cửa của tuổi 40 họ đã làm chủ được cảm xúc, kỹ thuật và tay nghề để biểu đạt tình yêu quê hương đất nước một cách dung dị và thành công. Để đặt tên cho triển lãm những bức tranh này theo một cách hoa mỹ tôi nghĩ rằng: “Vũ điệu của nắng trên dòng thời gian” chắc cũng không quá lộng ngôn.

VĂN HỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38657002-vu-dieu-cua-nang-tren-dong-thoi-gian.html