Vũ điệu rồng lửa ấn tượng ở Hong Kong dịp Tết Trung thu

Mỗi dịp Tết Trung thu, khu phố nhỏ yên tĩnh Đại Khanh ở Hong Kong lại trở nên sống động với tiếng trống rộn ràng, hương trầm phảng phất, cùng một con rồng dài hơn 20 m.

Vũ điệu rồng lửa ở Đại Khanh, Hong Kong, Trung Quốc Mỗi dịp Tết Trung thu, khu phố yên tĩnh Đại Khanh lại trở nên sống động nhờ lễ hội múa rồng lửa độc đáo, thu hút đông đảo khán giả.

Được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia của Trung Quốc vào năm 2011, Vũ điệu Rồng lửa ở Đại Khanh (Hong Kong, Trung Quốc) bắt đầu từ năm 1880, khi nơi đây vẫn còn là một làng chài ven biển.

Theo truyền thuyết, bệnh dịch hạch từng tấn công cộng đồng người Khách Gia tại đây. Một thầy bói gợi ý cho dân làng hãy thực hiện một vũ điệu rồng với pháo và hương để ngăn chặn sự lây lan. Đến ngày nay, vũ điệu rồng tiếp tục là điểm nhấn của Tết Trung thu.

Vũ điệu rồng lửa ra đời cách đây hơn 100 năm, đến nay vẫn là điểm nhấn trong Tết Trung thu ở Hong Kong. Ảnh: Tai Ngai-lung.

Cuộc diễu hành năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 3-6/10 (rằm tháng 8 theo Âm lịch). Theo truyền thống, lễ hội tổ chức trong 3 ngày. Tuy nhiên lễ hội năm nay sẽ kéo dài tới 4 ngày để kỷ niệm 20 năm Hong Kong trở thành Đặc khu Hành chính của Trung Quốc.

Trưởng đoàn múa rồng là Chan Tak-fai, người đã hành lễ cho sự kiện suốt 20 năm qua. Ông tham gia lễ hội lần đầu khi còn là một đứa trẻ.

"Tôi đã quan sát tất cả bậc cao niên tiến hành lễ hội mỗi năm. Tôi học tập và truyền dạy cho thế hệ trẻ ở khu phố. Thời điểm đó, chúng tôi luôn tụ tập trên đường phố vì không có điều hòa, và ở ngoài trời mát hơn. Điều đó tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng", người đàn ông 70 tuổi kể lại.

Để chuẩn bị cho lễ hội thường niên, cư dân làm một con rồng mới mỗi năm. Trong 2 ngày làm việc, họ dệt sợi gai dầu, rơm và tre với nhau để tạo thành thân rồng, sau đó buộc hàng nghìn que hương lại làm cột sống. Dù có những cây cột gắn dưới bụng, việc điều khiển con rồng nặng gần 100 kg này không hề dễ dàng. Điệu nhảy cần đến 300 cư dân ở Đại Khanh để nâng 32 phần của con rồng.

Con rồng hoàn chỉnh gồm 32 phần và cần tới 300 người khiêng. Ảnh: Bluebalu.

Tak-fai chủ trì 2 buổi diễn tập lớn, mỗi buổi khoảng 2-3 giờ, để đảm bảo những người mới tham gia nắm được những động tác và kỹ thuật truyền thống. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm một phần: thân rồng (nhẹ và dễ cầm hơn), đuôi rồng (đòi hỏi tốc độ và sự nhanh nhẹn) và đầu rồng (cần sức mạnh và độ bền). Đầu là phần nặng nhất của con rồng với khối lượng khoảng 48 kg, được dựng trên một khung mây, lưỡi làm bằng các tấm kim loại.

Angus Wong Ho-kit là người chịu trách nhiệm phần đầu rồng. Anh đã tham gia múa rồng suốt 20 năm qua.

"Nhiều người bạn từng tham gia múa rồng với tôi những ngày đầu đã nghỉ, nhưng tôi thì không. Tôi ngày càng quan tâm hơn đến lễ hội. Một người làm rồng thủ công lớn tuổi đã khuyến khích tôi học cách làm. Giờ tôi không chỉ trình diễn mà còn tham gia vào nhiều khâu khác nhau của lễ hội truyền thống", người đàn ông 32 tuổi cho biết.

Trước khi rồng uốn lượn trên các đường phố, Chan Tak-fai thực hiện một số nghi thức của người Khách Gia tại ngôi đền Liên Hoa 150 tuổi ở Đại Khanh, chẳng hạn như treo những tấm khăn đỏ để tỏ lòng tôn kính loài rồng.

Vũ điệu bắt đầu vào khoảng 20h, khi những người lớn tuổi thắp hương trong mắt rồng. Với chiếc đầu rực cháy, con rồng đuổi theo 2 "viên ngọc", thực chất là những bó hương mà các vũ công trẻ mang theo. Với các động tác phức tạp, những quả cầu ánh sáng có hình dạng như hoa bồ công anh này dẫn đám rước dọc theo các phố Wun Sha, King và Sun Chun. Trong 2 giờ tiếp theo, hàng nghìn khán giả cổ vũ cho con vật đầy sức mạnh "bay" vòng quanh khu phố.

Con rồng đuổi theo 2 "viên ngọc", thực chất là những bó hương phát sáng. Ảnh: SCMP.

"Theo quan niệm, những người chạy qua phía dưới con rồng đang nhảy múa sẽ gặp may mắn và có sức khỏe tốt. Khi còn nhỏ, tôi nhớ rằng mẹ tôi luôn nắm tay tôi và em gái để cùng nhau đi dưới con rồng", Wong cho biết.

Ánh Ngọc
Theo National Geographic

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-dieu-rong-lua-an-tuong-o-hong-kong-dip-tet-trung-thu-post784561.html