Vụ dùng xăng đốt nhà người tình ở Đồng Nai: Trách nhiệm hình sự trong trường hợp hung thủ đã chết

Mặc dù sau khi gây ra vụ hỏa hoạn, nghi phạm đã tử vong nhưng việc khởi tố vụ án vẫn là cần thiết, nhằm điều tra các vấn đề liên quan.

Hiện trường vụ phóng hỏa khiến một người chết, ba người bị thương.

Hiện trường vụ phóng hỏa khiến một người chết, ba người bị thương.

CATP Biên Hòa cho biết, đang phối hợp với Phòng CSHS, CA tỉnh Đồng Nai điều tra vụ dùng xăng đốt nhà, khiến một người tử vong và ba người bị thương xảy ra tại phường Quyết Thắng. Theo thông tin ban đầu, Phan Hoàn Uy Vũ (48 tuổi) và bà B (43 tuổi, cùng ngụ tại phường Quyết Thắng) có quan hệ tình cảm yêu đương. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây hai người này xảy ra mâu thuẫn. Bà B yêu cầu chia tay nhưng Vũ không đồng ý.

Đến chiều 7/5, Vũ điều khiển xe máy đi mua một can xăng đến nhà bà B nhưng bà này không có nhà. Vũ đã tự mở khóa cửa rồi vào đốt nhà. Sau đó, Vũ tiếp tục điều khiển xe máy chở theo can xăng đi đến nơi bà B thuê để bán cá cảnh (trên đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng) cũng không thấy. Lúc này trong cửa hàng có chị N.D.C.C (23 tuổi, con gái bà B) cùng chồng và người thân.

Thấy Vũ mang can xăng vào đổ ở nhà, người thân của chị B ngăn cản nhưng bất thành. Sau khi đổ xăng xuống nền nhà, Vũ bật lửa đốt, thì 2 người nhà chị B đã không kịp chạy ra ngoài nên bị bỏng nặng. Khi Vũ bật lửa đốt, trong can vẫn còn xăng và bất ngờ bén lửa gây nổ khiến Vũ bị cháy trùm cả người rồi tử vong ngay ngay tại chỗ, có ba người bị bỏng, được người dân đưa đi cấp cứu.

Ngoài ra, căn nhà của bà B và cửa hàng bà thuê để kinh doanh cá cảnh bị cháy, gây thiệt hại nhiều tài sản bên trong. Bước đầu CATP Biên Hòa xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm giết người và đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong sự việc này, sau khi xác định có dấu hiệu phạm tội "Giết người", CQ CSĐT sẽ căn cứ vào các Điều 100, 103, 110 của Bộ luật Tố tụng hình sự có thể sẽ ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trong trường hợp vụ việc chỉ có một người duy nhất là hung thủ và có kết luận là người này đã chết mà không cần tái thẩm đối với người khác thì Viện kiểm sát không khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, nếu có căn cứ xác định trong vụ án còn có những đồng phạm khác hỗ trợ, xúi giục hung thủ thực hiện hành vi phạm tội thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo phán quyết của Tòa án.

Bên cạnh việc điều tra xử lý, trách nhiệm đền bù cho bị hại cũng được xác định là hết sức cần thiết. Theo luật sư Thái, mặc dù sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Phan Hoàn Uy Vũ đã tử vong. Tuy nhiên, qua công tác điều tra, đã xác minh được hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm quyền dân sự của bị hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, căn cứ khoản 5 Điều 11, Điều 13, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Về trách nhiệm bồi thường với nạn nhân trong trường hợp nghi phạm đã tử vong, luật sư Thái cho rằng, những người hưởng thừa kế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thay. Theo BLDS 2015, các khoản phải bồi thường gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...

Do kẻ thực hiện hành vi đã chết nên theo Điều 615 BLDS 2015, những người hưởng thừa kế của đối tượng này phải có trách nhiệm bồi thường những khoản trên. Cụ thể, nếu nghi phạm để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp nghi phạm đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết. Luật sư Thái cho biết, do mâu thuẫn tình cảm mà không ít đối tượng ích kỷ, thiếu kỹ năng sống, không làm chủ cảm xúc khi bị từ chối; Bị phản bội hoặc sự việc không như ý muốn thì sẵn sàng nổi nóng, dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí có thể sát hại nạn nhân để thỏa mãn cơn nóng giận. Hành vi này cho thấy cái tôi ích kỷ cá nhân, thể hiện thói côn đồ máu lạnh, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu kỹ năng sống...

Theo luật sư Thái, để giảm thiểu những vụ án mạng có nguyên nhân từ mâu thuẫn tình cảm thì vấn đề giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng vị tha, biết hy sinh, cống hiến và giáo dục kỹ năng sống là vấn đề cần phải đề cao hơn nữa. Khi cá nhân biết cách ứng xử hợp lý, biết quản trị cảm xúc, có khả năng phát hiện những tình huống nguy hiểm, biết cách giải quyết các tình huống có vấn đề và có sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh thì những hậu quả xấu sẽ ít xảy ra.

Chỉ khi nào đạo đức xã hội được nâng lên, tính ích kỉ tham lam, bần tiện trong con người giảm đi, giao tiếp với nhau có văn hóa, nhân văn, hướng thiện; Ý thức tôn trọng người khác được đề cao thành nét văn hóa thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-dung-xang-dot-nha-nguoi-tinh-o-dong-nai-trach-nhiem-hinh-su-trong-truong-hop-hung-thu-da-chet-335288.html