Vụ gian lận thương mại lớn nhất Singapore: Nguồn cơn từ cờ bạc

Trong 4 năm, Chia Teck Leng, sống tại Singapore, đã lợi dụng vị trí giám đốc tài chính để lừa đảo các ngân hàng 86 triệu USD.

Chia từng là Giám đốc tài chính của Nhà máy bia châu Á - Thái Bình Dương.

Vị giám đốc nghiện cờ bạc

Chia Teck Leng, sinh năm 1960, tốt nghiệp ngành Kế toán tại Trường Đại học Quốc gia Singapore, một trong những trường đại học danh tiếng nhất cả nước. Sau khi tốt nghiệp, Chia bắt đầu sự nghiệp tại công ty kế toán Arthur Andersen rồi dần được đảm nhận nhiều vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như trợ lý Phó Chủ tịch ngân hàng United Overseas Bank (UOB), Giám đốc mua bán và sáp nhập tập đoàn Jack Chia-MPH .

Tháng 1/1999, Chia trở thành Giám đốc tài chính tại Nhà máy bia châu Á - Thái Bình Dương (APB). Thời điểm đó, APB là một trong những nhà máy bia lớn nhất khu vực với doanh thu 372,7 triệu USD vào năm 2001. Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp, thu nhập một năm của Chia dao động từ 200.000 - 300.000 USD.

Chia sống trong căn hộ chung cư trên đường Serangoon cùng vợ và hai con trai tuổi vị thành niên. Trong mắt gia đình và đồng nghiệp, anh là người đàn ông làm việc chăm chỉ, khiêm tốn, yêu thương gia đình. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài không mấy nổi bật, Chia lại là khách hàng quen thuộc tại các sòng bạc trải dài ở Australia, Anh, Hồng Kông, Malaysia, Campuchia và Philippines.

Anh ta vang danh ở các sòng bạc đến mức được chủ các sòng bạc mời vào phòng chơi riêng, được điều động chuyên cơ đến đón. Tại sòng bạc Crown ở Melbourne, Australia, Chia được đối xử như VIP, thậm chí được nghỉ dưỡng trong căn phòng đắt nhất sòng bạc trị giá 17 nghìn USD một đêm, có quản gia phục vụ.

Chia nghiện cờ bạc từ năm 1994, khi anh ta còn là kiểm soát viên tài chính tại công ty dịch vụ hàng hải Swire Pacific Offshore. Anh ta chìm sâu vào nợ nần trong giai đoạn 1995 - 1996 và nợ ngân hàng khoảng 7.500 USD dưới hình thức vay thấu chi và nợ thẻ tín dụng.

Nhưng vận may bắt đầu mỉm cười với Chia từ năm 1997 khi anh ta ghé thăm tàu du lịch Star Cruise hai tuần một lần để thử vận may tại các bàn đánh bạc. Anh ta thắng nhiều lần và được trao hạn mức tín dụng lên đến 55.600 USD. Trong vòng chưa đầy một năm, số tiền thắng cược đã tăng lên 750 nghìn USD.

Tuy nhiên tình thế dần thay đổi. Vào tháng 8/1998, trong một cuộc chơi kéo dài hai tuần, không chỉ tiêu tán hết số tiền thắng cược trước đó, Chia còn phải gánh thêm những khoản nợ mới. Từ tháng 1/1999, khi trở thành Giám đốc tài chính tại APB, Chia đã “nợ như Chúa Chổm”. Khoản lương hậu hĩnh hàng năm cũng không giúp anh ta trả hết những khoản nợ.

Chia sở hữu nhiều bất động sản đắt tiền tại Singapore.

Mượn danh nghĩa công ty để vay tiền

Để thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục xoay tiền đánh bạc, Chia nhắm vào bốn ngân hàng nước ngoài là Skandinaviska Enskilda Banken (SEB), Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Mizuho Corporate Bank và HypoVereinsbank (HVB).

Bằng cách gửi tài liệu giả mạo thông tin, Chia có thể mở tài khoản dưới danh nghĩa APB với tư cách là bên ký kết duy nhất. Riêng với SEB, anh ta có hạn mức vay thấu chi là 370 nghìn USD. Theo hợp đồng, APB đã ủy quyền cho Chia “thực hiện và ký kết mọi giao dịch liên quan đến tài khoản tại SEB”.

Trong khi APB không hay biết gì, Chia vẫn nắm quyền kiểm soát duy nhất đối với tất cả các tài khoản giả mạo bằng cách giả mạo quyết định của hội đồng quản trị ủy quyền cho anh ta nhận các khoản tín dụng và hợp đồng vay, ký tất cả giao dịch cũng như điều hành các tài khoản ngân hàng thay APB.

Thời điểm đó, Chia đã giả mạo chữ ký của các giám đốc điều hành tại APB như Giám đốc điều hành Koh Poh Tiong và Ton Blum. Để giả mạo chữ ký của các giám đốc, Chia lấy chữ ký mẫu từ báo cáo hàng năm và tài liệu nội bộ, luyện cách ký cho đến khi chắc chắn vượt qua vòng thẩm định.

Thậm chí, anh ta giả mạo chữ ký của Giám đốc điều hành doanh nghiệp Fraser and Neaver, Tan Yam Pin. Thời điểm đó, ông Tan Yam Pin sở hữu 37,9% tại APB.

Phương thức gian lận của Chia là rút tiền từ SMBC, Mizuho và HVB rồi chuyển vào tài khoản SEB. Từ đó, tiền được chuyển vào hai tài khoản cá nhân của anh ta ở ngân hàng DBS (Singapore) rồi được chuyển đến các sòng bạc ở Australia, Anh, Hồng Kông, Malaysia và Philippines.

Anh ta xoay vòng các khoản tiền do ngân hàng cung cấp, gửi tiền kịp thời vào từng tài khoản khi đến hạn trả nợ, do đó, tạo ấn tượng là một khách hàng đáng tin cậy.

Đáng chú ý, tháng 11/1999, Chia rút 39 triệu SGD từ tài khoản của APB ở ngân hàng OCBC, Hồng Kông. Anh ta xoay xở để bù đắp số tiền vào tháng 10/2002 mà không bị phát hiện. Khi số tiền bất hợp pháp tăng cao, Chia cũng được thỏa cơn nghiện cờ bạc. Từ tháng 7/2000, anh ta trở thành khách VIP trong các sòng bạc nước ngoài.

Không chỉ được sòng bạc Crown tiếp đón đặc biệt, anh ta cũng là khách hàng quen của Ritz’s Club tại London, Anh. Từ số tiền đặt cược 15 USD trên tàu Star Cruise, Chia đã tăng lên mức cược 15 nghìn USD, thậm chí lên tới 300 nghìn USD trong một ván bài tại sòng bạc Crown.

Thiên tài tội phạm

Chia Teck Leng (trái) và người tình Li Jin.

Năm 2002, Chia gặp Li Jin, cô gái 22 tuổi người Trung Quốc trong một ván bài trên tàu du lịch. Li là nhân viên chia bài trong phòng VIP. Ngày hôm đó, Chia thắng 750 nghìn USD từ Li nên coi cô là “bùa may mắn”. Nữ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Nam Kinh sau đó đã bỏ việc để đến Singapore với Chia.

Để thu hút vận may đến với mình, Chia không tiếc tiền đầu tư vào Li Jin. Anh ta mua một căn hộ trị giá gần 400 nghìn USD tại đường Grange, Singapore cho Li cùng vô số đồ hiệu, đồ trang sức. Chia cũng mua hộ chiếu giả trị giá 10 nghìn USD, dưới tên Chu Chiao-Ling, để Li có thể nhập cảnh Singapore dễ dàng. Cô ta đã sử dụng hộ chiếu giả 2 lần vào năm 2002 và 2003.

Chia cũng tận hưởng cuộc sống xa hoa. Hắn ta mua một chiếc ô tô Mercedes-Benz trị giá 110 nghìn USD và căn hộ trị giá gần 400 nghìn USD. Trong khi đó, vợ con Chia không hề hay biết sự việc và vẫn luôn tin tưởng anh ta là người chồng, người cha chăm chỉ, mẫu mực.

Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, hoạt động phi pháp của Chia đã rơi vào tầm ngắm của Bộ Thương mại Singapore. Anh ta bị bắt vào ngày 2/9/2003. Trong bốn năm, Chia đã rút hơn 86 triệu USD từ các ngân hàng.

Trong số này, chỉ 25,7 triệu USD được thu hồi. Các nhà chức trách ước tính Chia đã tiêu tán 46 triệu USD chỉ vì thói nghiện cờ bạc. Đây là vụ án liên quan đến gian lận thương mại lớn nhất Singapore vào thời điểm đó.

Anh ta phải đối mặt với nhiều cáo buộc như giả mạo, gian lận, lừa đảo đối với bốn ngân hàng, cùng nhiều tội danh khác... Năm 2004, Chia bị kết án 42 năm tù, mức án dài nhất cho một vụ gian lận thương mại tại Singapore thời điểm đó. Còn bạn gái hắn, Li Jin, bị bỏ tù sáu tháng vì tội sử dụng hộ chiếu giả.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Tay Yong Kwang đã mô tả trong bản án rằng, tội ác của Chia là sản phẩm của một “thiên tài tội phạm”, dùng thủ đoạn tinh vi lừa đảo các ngân hàng mà không bị phát hiện trong bốn năm. Ông Tay cũng nhìn nhận các ngân hàng đã tự biến mình thành “con mồi dễ dàng” do bỏ qua các thủ tục và không nhận thấy sự bất thường trong các tài liệu.

Lý do gây ra bởi các ngân hàng muốn hợp tác với APB đến mức sẵn sàng cho vay hàng triệu USD mà không cần xác minh Chia có được ủy quyền thay mặt công ty hay không. Sau vụ việc, bốn ngân hàng SEB, Mizuho, SMBC và HVB đã kiện APB yêu cầu hoàn trả những tổn thất mà họ phải gánh chịu vì hành vi gian lận của Giám đốc Chia Teck Leng. Sau đó Mizuho rút đơn kiện, 3 ngân hàng còn lại bị bác đơn kiện.

Chia đang thụ án trong nhà tù Changi, Singapore. Nếu cải tạo tốt, anh ta sẽ được giảm án và được ân xá sau khi ngồi tù ít nhất 28 năm, lúc đó Chia đã 72 tuổi.

Những vụ gian lận chấn động Singapore

Vụ án của Chia là vụ gian lận thương mại lớn nhất Singapore.

Trước vụ án của Chia, Singapore cũng từng chấn động bởi nhiều vụ án gian lận thương mại, trong đó phải kể đến vụ án của Teo Cheng Kiat, nhân viên Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines.

Trong khoảng thời gian 13 năm, tính từ ngày 9/2/1987 đến ngày 18/1/2000, Teo đã biển thủ số tiền lên tới 35 triệu SGD. Gia nhập hãng hàng không từ năm 1975, ban đầu, Teo là một nhân viên hành chính nhưng sau đó được thăng chức là giám sát viên của bộ phận tiếp viên vào năm 1988. Ở vị trí mới, anh ta giám sát việc phân chia các khoản phụ cấp của tiếp viên và được trao quyền xử lý, thực hiện các khoản thanh toán trợ cấp.

Teo đã giả mạo danh nghĩa của các tiếp viên hàng không, phi hành đoàn sau đó chuyển tiền trợ cấp cho họ vào các tài khoản ngân hàng do anh ta đứng chung cùng vợ và người thân. Để tránh bị phát hiện, anh ta thậm chí in văn bản thông báo hàng ngày về việc điều chỉnh khoản trợ cấp đối với từng phi hành đoàn trên từng chuyến bay để không bị nghi ngờ.

Bằng số tiền biển thủ được, Teo đã mua 7 bất động sản đứng tên mình, trong đó có căn nhà anh ta ở cùng gia đình, mua một chiếc Mercedes Bez, BMW và nhiều trang sức, đồng hồ đắt tiền khác.

Sự việc đã bị Phòng Kiểm toán Nội bộ của hãng hàng không phát hiện. Teo bị bắt vào ngày 19/1/2000 và bị kết án 24 năm tù.

Sau những vụ thương mại tinh vi trên, Bộ Thương mại cùng các ngân hàng Singapore đã siết chặt các hoạt động giao dịch, cho vay, tín dụng... đặc biệt tại các doanh nghiệp lớn.

Về phía Chia, khi ở trong tù, anh ta đã viết một bài luận dài 13 trang kể lại trải nghiệm liên quan đến đánh bạc, cách sòng bạc vận hành, những rủi ro khi xây dựng sòng bạc... để chính phủ tham khảo trước khi xây dựng sòng bạc. Bài luận thể hiện sự ăn năn và nhắc nhở những người khác đừng đi vào vết xe đổ.

Theo Straits Times

Anh Khoa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vu-gian-lan-thuong-mai-lon-nhat-singapore-nguon-con-tu-co-bac-post622067.html