Vụ Giang '36': Vợ nguyên GĐ công an Đồng Nai liên quan gì?

Thời điểm Cảnh sát 113 xuất hiện tại hiện trường trấn áp Nguyễn Tấn Lương, Giang '36' cùng đồng bọn, Lương điện thoại cho bà N.T H, vợ của một cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (lúc đó đang đương chức) nhằm răn đe phản ứng của lực lượng công an có mặt tại hiện trường.

Liên quan vụ án Giang “36” vây nhốt xe chở công an, mới đây, ngày 18/5, HĐXX TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai), đã tuyên phạt Ngô Đình Giang (34 tuổi, còn gọi là Giang “36”) 4 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Cùng tội danh trên các bị cáo Nguyễn Tấn Lương (37 tuổi) lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Duy Kỷ (31 tuổi), 3 năm 6 tháng tù; Mai Văn Căn (30 tuổi) và Nguyễn Văn Sơn (30 tuổi), mỗi người nhận 2 năm 6 tháng tù.

Dư luận vẫn băn khoăn về việc vợ một cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có liên quan đến vụ án trên tuy nhiên cáo trạng đã “bỏ lọt” một chi tiết đắt giá đã được đề cập trong kết luận điều tra vụ án liên quan đến người phụ nữ này.

 Bị cáo Nguyễn Tấn Lương tại tòa. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Bị cáo Nguyễn Tấn Lương tại tòa. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, vào thời điểm Cảnh sát 113 xuất hiện tại hiện trường trấn áp Nguyễn Tấn Lương, Giang “36” cùng đồng bọn, Lương điện thoại cho bà N.T H, vợ của một cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (thời điểm này đang đương chức) nhằm răn đe phản ứng của lực lượng công an có mặt tại hiện trường.

Kết luận điều tra của Công an TP Biên Hòa nêu rõ, Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho bà H., vợ đồng chí M., nguyên giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và mở loa ngoài mục đích các lực lượng công an giải quyết tại hiện trường nghe làm giảm tinh thần trấn áp tội phạm. Đồng thời tiếp sức cho Nguyễn Tấn Lương cùng đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội gây ách tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng tình hình chung của địa phương.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng của nhóm đối tượng do Giang “36” cầm đầu là rất rõ ràng nên việc khởi tố, điều tra để xử phạt nhóm đối tượng này là có căn cứ.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa các bị cáo và giữa bị cáo với những người có liên quan khác để giải quyết vụ án một cách triệt để, đúng pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng, tình tiết khi sự việc xảy ra Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho vợ nguyên Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai là một tình tiết quan trọng. Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ tình tiết này để xem những yếu tố nào tác động đến hành vi, thái độ của nhóm đối tượng này. Có hành vi xúi giục, giúp sức nhóm đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội hay không.

“Đây là một vụ án rất đặc biệt, nhóm côn đồ này dám vây đánh, đe dọa rất nhiều công an của địa phương. Chuyện chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Bởi vậy, nếu không có thể lực nào chống lưng, bảo kê, việc nhóm đối tượng dám công khai tấn công cả công an giữa ban ngày, trước mắt cả cảnh sát 113 là chuyện xưa nay hiếm” – luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ có cuộc điện thoại liên hệ giữa đối tượng này với vợ lãnh đạo công an tỉnh Đồng Nai trước, trong và sau khi sự việc diễn ra hay không?

“Qua lời khai của đối tượng, cơ quan điều tra sẽ phải rà soát điện thoại để xác định các cuộc gọi và nội dung các tin nhắn nếu có giữa đối tượng Lương và người phụ nữ này. Nếu hai bên có liên hệ, phải làm rõ nội dung liên hệ là gì, có hành vi giúp sức, xúi giục đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội hay không?” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Nếu cơ quan điều tra chứng minh được, sẽ xử lý người phụ nữ này với vai trò giúp sức, xúi giục các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Người phụ nữ này không thừa nhận, cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh bằng các tài liệu, chứng cứ khác, nếu chứng minh được mới có căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp nếu có liên hệ nhưng nội dung không liên quan đến vụ việc này hoặc không chứng minh được hành vi giúp sức, xúi giục cho nhóm đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội, người phụ nữ này sẽ không bị xử lý. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục luật định.

Trong trường hợp kết luận điều tra chưa rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc các căn cứ buộc tội còn chưa đảm bảo, viện kiểm sát hoặc tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng không thu thập được thêm tài liệu chứng cứ nào để chứng minh các bị cáo có hành vi phạm tội khác hoặc có đồng phạm khác, tòa án sẽ xét xử trên cơ sở các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án.

Mời độc giả xem video Diễn biến bất ngờ trong phiên xử nhóm Giang '36' vây xe chở công an ở Đồng Nai

Nguồn: VTC News

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-giang-36-vo-nguyen-gd-cong-an-dong-nai-lien-quan-gi-1387801.html