Vụ hàng loạt học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lên tiếng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.

Chiều hôm qua (18/3), báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT đang gấp rút chỉ đạo các địa phương về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Đặc biệt, Thứ trưởng Nghĩa đã lên tiếng trấn an phụ huynh trong lúc chờ kết luận của cơ quan công an.

“Bộ GD-ĐT đã họp khẩn, chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến các địa phương trong cả nước yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm ở trường học”, bà Nghĩa cho hay.

Trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) bị tố sử dụng thịt lợn nhiễm sán, thịt gà bở vụn.

Cụ thể, Bộ sẽ có văn bản gửi các Sở GD-ĐT trong cả nước yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm ở trường học.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, sớm báo cáo về việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng tại trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành) và tình hình sức khỏe học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Phụ huynh bức xúc tập trung trước cổng trường mầm non Thanh Khương yêu cầu nhà trường làm rõ. Ảnh: VTCNews

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, tuân thủ việc ăn chín, uống chín, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm...); đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh.

Các trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa là điều kiện thích hợp để dịch bệnh có thể bùng phát.

Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vu-hang-loat-hoc-sinh-nhiem-san-lon-o-bac-ninh-thu-truong-bo-gd-dt-len-tieng-a267173.html