Vụ học sinh vùng cao nghỉ học hàng loạt: Ngành chức năng có làm ngơ?

Học sinh ở xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn nghỉ hàng loạt vì không chịu được mùi khí thải từ Nhà máy chế biến chì kẽm là sự việc nghiêm trọng.

Thông tin chính thức của huyện Ngân Sơn về sự việc xảy ra vào ngày 22/10, điểm chính của Trường tiểu học Đức Vân có 61 học sinh thì có tới 39 em nghỉ học. Riêng lớp 2A, có 8 học sinh thì cả 8 đều nghỉ học. Còn tại Trường mầm non Đức Vân có 28 em cũng nghỉ học học vì lý do tuơng tự. Tổng cả 2 trường là 67 học sinh nghỉ học vì phụ huynh lo sợ con em mình sẽ hít phải mùi khí thải nồng nặc của NM chế biến chì kẽm Bản Tặc đang bao phủ khu vực 2 trường học và UBND xã.

Tất cả học sinh lớp 2A không đến trường vào ngày 22/10

Sau khi có sự vào cuộc của chính quyền xã Đức Vân và huyện Ngân Sơn, cùng sự vận động của các thầy cô giáo, đến ngày 23/10 đã có nhiều em học sinh đến lớp, chỉ còn một số phụ huynh vẫn kiên quyết không cho các cháu đi học vì khu vực trường học vẫn có mùi khét của khí thải NM.

Mặc dù địa phương đã báo cáo lên cơ quan chức năng cấp trên, tuy nhiên sự việc nghiêm trọng này lại bị làm ngơ. Theo một cán bộ huyện Ngân Sơn, việc đoàn công tác của Sở TNMT Bắc Kạn lên làm việc tại xã vào ngày 23/10 là lịch làm việc theo kế hoạch từ trước. Chứ không phải công tác về vấn đề do học sinh phải nghỉ học vì ô nhiễm không khí do khí thải, nên không lấy mẫu không khí để xác định nguyên nhân. Chỉ thông báo rằng vài hôm nữa sẽ cử cán bộ chuyên môn đi lên lấy mẫu không khí sau.

Một sự việc nhiêm trọng như vậy, đáng lẽ cơ quan chức năng là Sở TNMT Bắc Kạn phải xử lý khẩn cấp ngay trong thời điểm xảy ra sự việc, nhưng thực tế thì ngược lại. Thậm chí còn chỉ đạo sẽ lấy mẫu không khí sau là điều hết sức vô lý. Bởi không khí là thứ sẽ bị chuyển hóa hoặc hòa tan sau một khoảng thời gian nhất định, có thể là xảy ra chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nhưng lại rất nguy hiểm, người hít phải có thể bị ngộ độc, nặng có thể bị tử vong.

Khói đen bao phủ núi rừng, bay xa nhiều km gây ra mùi nồng nặc, khó thở

Trao đổi với Báo NNVN, bà Chu Thị Huyền – Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: NM Bản Tặc nằm trên địa bàn huyện, nhưng địa phương không có thẩm quyền và thiết bị chuyên môn về môi trường để xử lý. Huyện đã báo cáo sự việc này lên lãnh đạo ngành chức năng và UBND tỉnh Bắc Kạn. Rất mong muốn tỉnh sớm có kết luận và hướng xử lý để nhân dân 2 xã Đức Vân và Bằng Vân yên tâm sinh sống, các cháu vui vẻ đến trường.

Cuối tháng 8 vừa qua, cũng đã có hơn 5ha rừng hàng chục năm tuổi bị chết sau khi NM chế biến chì kẽm Bản Tặc tăng cường hoạt động. Địa phương cũng đã yêu cầu NM phải bồi thường cho người dân. Ngành chức năng là Sở TNMT Bắc Kạn cũng đã lấy mẫu. Nhưng cũng giống những lần trước, là Sở “ỉm” đi kết quả xét nghiệm. Lãnh đạo huyện Ngân Sơn còn bức xúc khi một lãnh đạo cơ quan này còn chỉ đạo xã và NM có việc liên quan cứ báo cáo trực tiếp lên Sở mà không cần qua huyện.

Một NM gần như không đóng góp cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn hoạt động rầm rộ như bình thường dù liên tiếp bị tố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Báo cáo diện tích rừng bị chết bất thường của Hạt kiểm lâm huyện Ngân Sơn

TOÁN NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vu-hoc-sinh-xa-vung-cao-o-bac-kan-nghi-hoc-hang-loat-nganh-chuc-nang-co-lam-ngo-post229360.html