Vũ khí của Hàn Quốc không phải lúc nào cũng rẻ

Vũ khí của Hàn Quốc thời gian qua đã chiếm thị phần khá tốt trên thế giới, một phần nhờ việc giao hàng nhanh và mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải lúc nào hai yếu tố này cũng đúng.

Ví dụ của Ba Lan cho thấy vũ khí Hàn Quốc có thể được giao rất nhanh và quan trọng nhất là chúng thường rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng, điển hình như trường hợp Australia.

Bộ Quốc phòng Australia cuối cùng đã ký được đơn đặt hàng với Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc để mua 129 xe chiến đấu bộ binh (IFV) AS21 Redback - được tuyên bố chiến thắng trong chương trình "Land 400 Phase 3".

Gói thầu đã được triển khai từ năm 2019 và trong thời gian đó, số lượng bị giảm đi hơn 3 lần từ con số 450 chiếc ban đầu. Dòng IFV này sẽ thay thế một phần xe bọc thép chở quân bánh xích M113 của Lực lượng mặt đất Australia.

Vấn đề tiếp theo phải nói đến ở đây là AS21 Redback của Hàn Quốc đã đánh bại Lynx KF41 của Đức và theo điều kiện của cuộc đấu thầu, việc sản xuất xe chiến đấu bộ binh này phải được nội địa hóa tại Australia.

Tổng chi phí của 129 chiếc AS21 Redback, theo báo cáo của Cơ quan Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc là 2,4 tỷ USD. Tức là một chiếc IFV nói trên sẽ tiêu tốn của Australia 18,6 triệu USD.

So sánh điều này với các chỉ số về khả năng tham gia của Hanwha trong gói thầu mua sắm IFV ở Romania có quy mô 298 chiếc, với giá 2,995 tỷ euro, tức là 10,05 triệu euro cho một xe chiến đấu bộ binh với điều kiện nội địa hóa sâu.

Rõ ràng mức giá mà chiếc AS21 được Hàn Quốc bán cho Australia thực sự nổi bật so với các chỉ số hiện tại trong các hợp đồng gần đây nhất. Ví dụ, phiên bản mới nhất của CV90 do Thụy Điển chế tạo trong phiên bản hiện đại Mk IV có giá khoảng 10 - 12 triệu USD.

Dĩ nhiên mức giá trên còn tùy thuộc vào số lượng đơn đặt hàng, thông số căn cứ vào hợp đồng với Slovakia và Cộng hòa Séc, nơi họ nội địa hóa sản xuất khoảng 40%, rõ ràng AS-21 mà Hàn Quốc bán cho Australia vẫn có giá rất cao.

Nhưng ngay cả 18,6 triệu USD cho AS21 Redback cũng không thể so sánh với giá của chiếc Puma IFV đời mới được sản xuất tại Đức, với mức giá 30 triệu euro, nó hóa ra chỉ rẻ hơn một chút so với xe tăng Leopard 2A8 trị giá 32 triệu.

Theo giới quan sát, chi phí thực sự của một phương tiện chiến đấu bộ binh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bổ sung, ví dụ chỉ riêng tổ hợp phòng vệ chủ động có thể chiếm một phần khá lớn trong tổng giá thành xe bọc thép.

Với thực tế trên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng các xe chiến đấu bộ binh AS21 Redback của Lực lượng mặt đất Australia sẽ được trang bị cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn thông thường.

Hợp đồng cung cấp những chiếc AS21 Redback này cũng không được nhanh lắm khi thực thi. Việc giao những phương tiện đầu tiên chỉ bắt đầu vào năm 2027, chúng vẫn được sản xuất tại Hàn Quốc và đơn đặt hàng dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2028.

Nghĩa là toàn bộ quá trình chuẩn bị sản xuất nội địa hóa mất nhiều thời gian hơn so với công việc thực tế của doanh nghiệp, sau đó tất nhiên sẽ phải giải quyết việc bảo trì cũng như hiện đại hóa số máy móc này.

Nhưng tất nhiên, điều này không loại trừ kịch bản trong đó nhà sản xuất địa phương sẽ tham gia thực hiện các hợp đồng khác, như trường hợp có thể xảy ra với thiết giáp Boxer của chi nhánh Rheinmetall, dự kiến sẽ được xuất khẩu từ Australia Tới Đức.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-khi-cua-han-quoc-khong-phai-luc-nao-cung-re-post560720.antd