Vũ khí hạng nặng Mỹ khiến Nga bất an

Nga vừa có phản ứng chính thức khi Mỹ điều loạt vũ khí tối tân đến gần các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria.

Ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bodganov chỉ trích Mỹ đang làm gia tăng căng thẳng khi những vũ khí hạng nặng của Mỹ tập trung gần các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria. Đây là sự hiện diện quân sự trái phép của Washington tại Syria.

"Chúng tôi không thể hoan nghênh điều này. Trái lại, việc làm đó chỉ làm gia tăng căng thẳng", ông Bogdanov khẳng định. Theo ông, tình hình cần được giải quyết tại hội nghị theo thể thức Astana sắp tới, dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 10-11/12 ở Kazakhstan.

Hệ thống HIMARS khai hỏa tại Syria hồi tháng 7/2019.

Hệ thống HIMARS khai hỏa tại Syria hồi tháng 7/2019.

Thứ trưởng Nga cho rằng, Moscow không hiểu nổi Mỹ duy trì hiện diện quân sự tại Syria dựa trên cơ sở nào, sau khi Washington đã thông báo đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở phía Đông sông Euphrates.

Ngay trước khi nhà ngoại giao Nga lên tiếng phản đối Mỹ, truyền hình nhà nước Syria hôm 28/11 đưa tin, Mỹ đã đưa hàng chục phương tiện quân sự tới tỉnh Đông Bắc Al-Hasakah, nơi có các mỏ dầu lớn của nước này.

Nguồn tin quân sự địa phương cho biết, trong số những phương tiện và vũ khí được Mỹ dồn đến khu vực này, nhiều nhất là xe bọc thép kháng mìn, lựu pháo M777, súng cối thế hệ mới với loại đạn thông minh APMI XM395 dẫn bằng GPS... Đặc biệt trong đợt điều động này người ta còn dễ dàng phát nhận ra có hàng chục hệ thống pháo phản lực phóng loạt hạng nặng HIMARS.

HIMARS của Mỹ được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất hiện nay. Ngoài đạn rocket, hệ thống này còn có khả năng phóng tên lửa chiến thuật đáng sợ tầm ngắn MGM-140 với tầm bắn xa 300km, cùng một đầu đạn nặng tới 560 kg.

Trước đây khi Mỹ triển khai hệ thống này tới Syria, Nga đã phản ứng kịch liệt bởi lo ngại sức hủy diệt của loại vũ khí này gây ra có thể khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Và khi xuất hiện tại Đông Bắc Syria lần này, HIMARS cũng vấp phải sự phản đối của Nga.

HIMARS chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích. Xe được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km; leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.

Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140. Đây là hệ thống có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel. Mới đây nhất, Mỹ đã đồng ý bán hệ thống này cho Romania.

Được biết, hồi tháng 7/2019, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng đã dùng HIMARS diễn tập tại Al-Tanaf. "Quân đội Mỹ cùng với lực lượng liên minh tiến hành diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn với mục đích nhằm hoàn thiện kỹ năng chiến đấu đánh bại các tay súng khủng bố IS đảm bảo chúng không quay trở lại khu vực cách Al-Tanaf 55km", lực lượng Mỹ tại Syria ra thông báo cho biết.

Để thực hiện cuộc diễn tập, ngoài những vũ khí cá nhân như súng bộ binh, xe thiết giáp chiến đấu, lựu pháo... quân đội Mỹ còn huy động hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS. Điều đặc biệt là hầu như tất cả những vũ khí tham gia cuộc diễn tập này đều thấy xuất hiện gần các mỏ dầu ở Đông Bắc Syria.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-hang-nang-my-khien-nga-bat-an-3392393/