Vũ khí hạt nhân: Kim bài miễn tử của Nga

Theo giới lãnh đạo Nga, sở hữu một lực lượng hạt nhân hùng hậu chính là vật bảo đảm cho hòa bình của đất nước.

Mỹ sợ vũ khí hạt nhân Nga

Theo ấn phẩm Trung Quốc Sohu, Hoa Kỳ không bao giờ tính đến một kế hoạch tấn công nước Nga do lực lượng hạt nhân chiến lược đáng gờm của đối thủ. Trong thế giới hiện đại, nếu một quốc gia sở hữu lực lượng hạt nhân chiến lược thì được coi là cường quốc và vũ khí hạt nhân còn được gọi là “Vũ khí đảm bảo hòa bình.

Washington tiếp tục lo ngại về sức mạnh quân sự của Moscow, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và ngân sách quốc phòng của Nga giảm nhiều lần. Theo tác giả bài viết của Sohu, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và điều này "buộc người Mỹ phải giữ thuốc súng luôn khô ráo".

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, Nga đã nhận được 70% lực lượng hạt nhân chiến lược của Liên Xô, do đó nước này luôn có các phương tiện trên bộ, trên biển và trên không để thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, tờ báo Trung Quốc nhắc lại.

Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới cùng với Hoa Kỳ có khả năng tấn công hạt nhân từ mọi phương tiện phóng. Vai trò chính trong "bộ ba răn đe hạt nhân" của Nga được trao cho các tên lửa bố trí trên đất liền, sẵn sàng trực chiến liên tục kể từ sau chiến tranh Lạnh.

Đầu năm nay, Washington tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), cáo buộc Nga đã vi phạm trong thời gian dài. Nhưng Moscow đã bác bỏ tất cả các cáo buộc và hành động đáp trả tương xứng. Kết quả vào ngày 2 tháng 8, hiệp ước đã chấm dứt hoạt động.

Theo tờ báo Trung Quốc, bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang mới nào, tương tự như cuộc đua giữa Liên Xô và Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, sẽ không bao giờ còn xảy ra.

Hiện nay, Quân đội Nga cải thiện sức mạnh của mình, cụ thể là nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược và đảm bảo độ tin cậy của một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân. Vì vậy trong những thập kỷ tới, Hoa Kỳ thậm chí sẽ “không dám liếc mắt về phía Nga”.

Nga phóng ICBM và tên lửa hành trình trong diễn tập “Sấm sét-2019”

Quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận giải trừ hạt nhân, bao gồm hiệp ước quan trọng nhất về việc loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đã gây áp lực chiến lược mạnh mẽ đối với Nga. Tuy nhiên qua cuộc tập trận “Sấm sét-2019” [Grom – 2019 exercise, còn được gọi là Thunder – 2019 exercise], Moscow đã nói rõ với toàn thế giới rằng, an ninh của nước Nga sẽ được đảm bảo bằng lực lượng hạt nhân chiến lược.

Vũ khí hạt nhân chính là cây gậy răn đe hiệu quả nhất của Nga

Vũ khí hạt nhân chính là cây gậy răn đe hiệu quả nhất của Nga

Cuộc tập trận của Nga mang tên “Sấm sét-2019” diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 10 vừa qua. Khoảng 12 nghìn quân nhân đã tham gia cùng với 213 bệ phóng tên lửa, 105 máy bay, bao gồm 5 máy bay ném bom chiến lược, 15 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm, 310 đơn vị quân sự và thiết bị đặc biệt.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa hành trình đã được phóng trong khuôn khổ cuộc tập trận chỉ huy chiến lược “Sấm sét-2019” (Thunder-2019) dưới sự chỉ huy của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận bao gồm các vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, tàu mặt nước, tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars và tên lửa đạn đạo chiến thuật trầm ngắn Iskander, cùng với các máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân.

Các tàu ngầm Nga cũng đã phóng thành công tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu ở khu vực Kamchatka và Arkhangelsk.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quân sự Quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga là Thiếu tướng Yevgeny Ilyin lưu ý, cuộc tập trận được tổ chức để đánh giá về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng chiến lược Nga. Nó hoàn toàn mang tính chất phòng thủ và không nhằm chống lại các quốc gia khác.

Nga: Vũ khí hạt nhân là vật bảo chứng cho hòa bình

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng: Chủ nghĩa hòa bình là tốt, nhưng chủ nghĩa thất bại là điều không thể chấp nhận được. Do đó, Nga có nghĩa vụ phải duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược ở trạng thái có khả năng chiến đấu, nếu muốn đảm bảo chủ quyền và lòng tôn trọng đối với đất nước mình.

"Tôi không muốn nói rằng chúng ta cần đề cập đến khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhưng mỗi nhà lãnh đạo của đất nước, lực lượng vũ trang của đất nước có nghĩa vụ duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược của mình ở trạng thái có khả năng chiến đấu" - Bộ trưởng nói.

Theo ông, lịch sử của những thập kỷ trước đã chứng minh rằng, nếu không làm như vậy thì không thể đảm bảo chủ quyền của đất nước, và đáng tiếc là không đạt được cả sự tôn trọng đối với bản thân.

Ông nhấn mạnh rằng, đây không phải là lựa chọn của Nga mà Moscow buộc phải làm như vậy bởi Hoa Kỳ đã quyết định rằng, chỉ có họ mới có thể tự sắp xếp trật tự trên hành tinh này.

Tình trạng này bắt đầu từ lâu, khi Liên Xô biến mất và Nga nhận thấy rõ ràng rằng, Mỹ sẽ đối xử với Nga như thế nào nếu Nga không có sức mạnh quân sự vượt trội. Khi những người am hiểu sâu sắc về điều này lên nắm quyền thì tình hình bắt đầu thay đổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng, Washington cũng mô hình hóa việc sử dụng vũ khí chiến lược của mình và Moscow cũng không thể làm khác, nếu không, Nga sẽ bị Mỹ tiêu diệt.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vu-khi-hat-nhan-kim-bai-mien-tu-cua-nga-3390104/