'Vũ khí hạt nhân kinh tế' phương Tây hướng vào Nga mang tới kết quả bất ngờ

Những biện pháp trừng phạt chống Nga đầy cứng rắn do phương Tây ban hành được so sánh như 'vũ khí hạt nhân kinh tế'. Tuy nhiên chỉ có điều, chúng không phát huy hiệu quả như 'các tác giả' mong muốn.

Phương Tây đã sử dụng "vũ khí hạt nhân kinh tế" để chống lại Nga, nhưng chúng không phát huy tác dụng như mong muốn, chuyên gia kinh tế người Anh Ian Stewart chia sẻ ý kiến của mình trên tờ Reaction.

Cụ thể sau khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã áp đặt vô số lệnh trừng phạt đối với Nga, được coi là "vũ khí hạt nhân kinh tế" vì mức độ khốc liệt ở mức chưa từng có.

Vào thời điểm đó, một số chuyên gia phân tích đã dự đoán rằng thị trường tài chính của Liên bang Nga sẽ rơi tự do và đất nước sẽ bị bao trùm bởi một cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi.

Nhưng theo nhà báo Ian Stewart, thực tế lại diễn ra khác biệt hoàn toàn, khi hầu hết các dự đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga trong thời gian ngắn đều không thành hiện thực.

“Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng quy mô nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,2% trong năm ngoái và sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay. Đây không phải là điều được mong đợi tại nhiều nước phương Tây”, vị chuyên gia lưu ý.

Nhà báo Ian Stewart nhận định rằng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây từ khá lâu, phản ứng của nước này trước những gì đang xảy ra là khá bất ngờ.

Moskva nhanh chóng chuyển hướng dòng chảy xuất khẩu nhiên liệu từ phương Tây sang châu Á, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất.

Bằng cách này, Moskva đã tránh được sự sụp đổ về giá trị của đồng tiền quốc nội cũng như siêu lạm phát - vốn là dấu hiệu của các cuộc khủng hoảng trước đây ở những thị trường mới nổi.

Giá năng lượng tăng cao cùng với các hàng hóa khác đã thúc đẩy doanh thu của chính phủ Nga và củng cố sức mạnh của đồng Ruble.

Hơn nữa tác động của việc tăng giá dầu, khí đốt và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác cũng đang bù đắp cho những tổn thất thu nhập xuất khẩu do lệnh trừng phạt gây ra.

“Các biện pháp trừng phạt rõ ràng cho thấy chúng kém hiệu quả hơn so với mong đợi trước kia của phương Tây”, nhà phân tích tài chính cho biết.

Tất cả các quốc gia đối mặt với những cú sốc bên ngoài đều đang thích nghi với điều kiện mới. Phản ứng của Nga trước biện pháp trừng phạt là rất mạnh mẽ, điều này giúp giảm thiểu tác động từ bước đi hạn chế mà phương Tây áp dụng.

Kết luận nào có thể được rút ra từ tất cả những điều này? Nhà báo Ian Stewart tin rằng ngay cả những hạn chế nghiêm trọng nhất giáng lên Nga cũng không trở thành "vũ khí hạt nhân kinh tế".

“Cuối cùng, bất kỳ quốc gia nào cũng tin rằng một ngày nào đó họ có thể xung đột với phương Tây, họ đều đã thấy kế hoạch và chính sách có thể làm suy yếu tác động từ những biện pháp trừng phạt như thế nào”, chuyên gia người Anh nói.

Mặc dù vậy, cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây vẫn chưa dừng lại và thời gian sẽ trả lời xem Moskva có thể đứng vững sau những làn sóng trừng phạt tiếp theo hay không.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-khi-hat-nhan-kinh-te-phuong-tay-huong-vao-nga-mang-toi-ket-qua-bat-ngo-post531631.antd