Vũ khí hóa đất hiếm: Trung Quốc còn dùng nhiều hơn Mỹ

Trung Quốc dùng nhiều đất hiếm hơn Mỹ, ngăn xuất khẩu đất hiếm vào Mỹ chỉ khiến Bắc Kinh tự bắn vào chân mình.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) hôm 17/6 phát đi thông tin cho biết, cơ quan này sẽ nghiên cứu và công bố chính sách quản lý đất hiếm càng sớm càng tốt.

Sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc.

Sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc.

Sau đó, truyền thông Trung Quốc tập trung tuyên bố về khả năng sẽ dùng đất hiếm làm "cú phản đòn" đối với Mỹ.

"Các tập đoàn sản xuất trang thiết bị cho quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ bị giới hạn nguồn cung đất hiếm. Bắc Kinh cũng nên xây dựng danh sách những khách hàng sử dụng đất hiếm do Trung Quốc sản xuất" - Thời báo Hoàn Cầu nêu rõ.

Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí. Việc ngừng sử dụng đất hiếm một cách đột ngột có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch sản xuất trong lĩnh vực dân sự cũng như quân sự Mỹ.

James Kennedy, chủ tịch công ty tư vấn ThREE Consulting từng nhận định: "Bắc Kinh có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ôtô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ ra lệnh cấm vận loại vật liệu này".

Tuy nhiên, thực tế, nhu cầu Mỹ sử dụng đất hiếm là không nhiều. Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu, 80% trong số đó được Washington mua của Trung Quốc. Mỹ chỉ chi tiêu một khoản khiêm tốn là 160 triệu USD trong năm 2018 để nhập khẩu đất hiếm phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã khai thác tới 70% lượng đất hiếm của thế giới trong năm 2018. Nhu cầu về đất hiếm của họ cũng rất cao khi đây là nguyên liệu cần thiết để sản xuất hàng loạt các mặt hàng, từ điện tử tiêu dùng đến quốc phòng.

Trung Quốc còn đang nuôi tham vọng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, sản xuất tất cả chuỗi sản phẩm từ kỹ thuật thấp đến cao. Năm 2000, thị trường này là công xưởng thế giới cho những mặt hàng cơ bản kỹ thuật thấp như đồ chơi nhựa hay ô dù thì đến năm 2016, Trung Quốc sản xuất cả những mặt hàng đắt tiền hơn như smartphone hay máy tính. Càng những sản phẩm kỹ thuật thấp được sản xuất tại Trung Quốc, càng phải sử dụng đến đất hiếm.

Sau đó là thời kỳ Trung Quốc bắt đầu hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường sản xuất, thông qua đại kế hoạch "Made in China 2025". Kế hoạch này nhấn mạnh tới 10 lĩnh vực ưu tiên: bao gồm công nghệ thông tin thế hệ mới, các công cụ máy móc và rôbốt điều khiển số tiên tiến; công nghệ hàng không vũ trụ, bao gồm cả động cơ máy bay lẫn thiết bị hàng không; dược phẩm sinh học và thiết bị y tế hiệu suất cao. Để tiếp tục bước đến kế hoạch này, chắc chắn Bắc Kinh không thể không dùng tới loại nguyên liệu mà họ đang sở hữu như đất hiếm.

Trong tình huống như vậy, Trung Quốc cần phải cân nhắc thật kỹ về kế hoạch ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ. Washington có thể chuyển sang các nguyên liệu khác để phục vụ sản xuất hoặc có thể mua đất hiếm từ những nguồn cung khác Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Một khi Bắc Kinh muốn sử dụng con bài đất hiếm để "đánh" Mỹ, các nhà cung khác trên thế giới như nhà máy tinh chế đất hiếm của Úc tại Malaysia sẽ tranh thủ cơ hội hiếm có này để có hợp đồng mới. Chưa kể, Mỹ cũng đã có mỏ đất hiếm tại California và dường như đang chuẩn bị các quá trình cần thiết để tái hoạt động sản xuất tại Mỹ, phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Trước những kịch bản nhiều rủi ro như vậy, Bắc Kinh sẽ thực sự phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn dùng con bài đất hiếm với Washington trong cuộc chiến chưa thấy hồi kết này.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vu-khi-hoa-dat-hiem-trung-quoc-con-dung-nhieu-hon-my-3382116/