Vũ khí Mỹ đang mất dần hiệu quả vì tác chiến điện tử của Nga

Truyền thông Mỹ đưa tin do Nga gây nhiễu điện tử nên các vũ khí dẫn đường chính xác do Mỹ sản xuất, cung cấp cho quân đội Ukraine sử dụng trên chiến trường đã không đạt hiệu quả như mong muốn.

Hệ thống tác chiến điện tử R-330ZH của Nga, khắc tinh của nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác Mỹ. Ảnh: Huanqiu.

Một bí mật đã được công khai là Ukraine được Mỹ sử dụng làm "bãi thử vũ khí" trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, theo tờ Defense News của Mỹ, Lầu Năm Góc phát hiện ra rằng hiệu quả của nhiều loại vũ khí tiên tiến do Mỹ phát triển được quân đội Ukraine đang sử dụng trên tiền tuyến đang bị thách thức nghiêm trọng bởi tác chiến điện tử của Nga.

Trong đó, đạn pháo dẫn đường "Excalibur", bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) và tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Truyền thông Mỹ cho biết những loại đạn dẫn đường chính xác này cũng là vũ khí tiêu chuẩn của quân đội Mỹ. Những vấn đề bộc lộ trong xung đột Nga - Ukraine cũng để lộ những điểm yếu của quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc đang khẩn trương xử lý.

Tỷ lệ đánh trúng giảm từ 70% xuống 6% sau 6 tuần

Defense News cho biết Mỹ và các đồng minh đã cam kết hỗ trợ an ninh hàng tỉ USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa tầm xa, xe bọc thép và thiết bị liên lạc an toàn. Việc gây nhiễu và đánh lừa điện tử quy mô lớn do quân đội Nga thực hiện trong giai đoạn này đã mang lại cơ hội hiếm có cho việc thử nghiệm thực tế các loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Nhưng kết quả rõ ràng đã không làm Lầu Năm Góc hài lòng.

Michael Monteleone, giám đốc nhóm đa chức năng định vị, điều hướng và thời gian/không gian của Lục quân Mỹ, ngày 5/5 thừa nhận rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine "là một bài học kinh nghiệm to lớn đối với chúng tôi".

Nhiệm vụ chính của họ là cải thiện khả năng tiếp cận của người lính với các nguồn nhận biết tình huống quan trọng, như đang ở đâu, sẽ đi đâu và khi nào sẽ tới. Nhưng “sự gây nhiễu và đánh lừa điện tử có thể khiến những thông tin này trở nên vô dụng”.

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) đã bị Ukraine ngừng sử dụng do hiệu quả kém vì bị tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu (Ảnh: Sohu).

Defense News cũng đề cập rằng tác chiến điện tử mạnh mẽ của quân đội Nga đã làm nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác do Mỹ cung cấp để hỗ trợ Ukraine bị suy giảm hiệu quả, trong đó có đạn pháo dẫn đường chính xác "Excalibur".

Tiến sĩ Daniel Pat, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, một cơ quan tư vấn của Mỹ, đã tiết lộ trong văn bản làm chứng gửi Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 3/2024 rằng khi đạn pháo dẫn đường chính xác 155 mm "Excalibur" lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Ukraine nó có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu là 70%. Tuy nhiên, 6 tuần sau, tỷ lệ bắn trúng nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 6% do quân đội Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử để can thiệp.

Theo bài báo, do "Excalibur" chủ yếu dựa vào bộ dẫn đường được hỗ trợ bằng GPS để cải thiện độ chính xác nên khi quân đội Nga nhắm mục tiêu và đánh lừa tín hiệu GPS, hiệu quả bắn trúng của đạn pháo đã giảm đi rất nhiều.

Daniel Patt nói thêm rằng "hiệu quả cao nhất của hệ thống vũ khí mới chỉ có được trong khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp ứng phó của quân Nga xuất hiện".

Nhiều loại vũ khí Mỹ bị ảnh hưởng

Đạn pháo "Excalibur" không phải là loại vũ khí tiên tiến duy nhất của Mỹ bị tác chiến điện tử Nga hóa giải. Trang web TheDrive của Mỹ cho biết Bill LaPlante, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm và bảo trì thiết bị, gần đây cũng công khai thừa nhận một hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác đã bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của GPS của quân đội Nga và các yếu tố khác, dẫn đến việc độ chính xác bị giảm đi nhiều.

Mặc dù LaPlante không tiết lộ tên cụ thể của loại vũ khí này nhưng các chi tiết được cung cấp trong bài phát biểu của ông ám chỉ rằng đó chính là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất mà quân đội Mỹ đặt nhiều hy vọng vào. Nó được Công ty Boeing của Mỹ và Công ty Saab của Thụy Điển phát triển. Về bản chất, nó thay đổi loại "bom đường kính nhỏ" được máy bay thả từ trên không.

Đó là một trong số rất ít vũ khí tấn công tầm xa mà Ukraine có được. Với ưu thế về tầm bắn khoảng 150 km, loại bom này có thể chọn cách bay vòng để tấn công mục tiêu từ những hướng bất ngờ khi bay lướt trên không, gây thêm mối thách thức cho quân đội Nga.

Tờ The Telegraph của Anh trước đó cho biết bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất đã được chuyển giao cho Ukraine vào cuối tháng 1/2024 và thời điểm đó được cho rằng nó có thể buộc Nga phải di chuyển các điểm tiếp tế hậu cần lui ra xa tiền tuyến hơn. So với số lượng hạn chế các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân được Mỹ gửi tới Ukraine, GLSDB rẻ hơn nhiều, nên có thể được đưa vào chiến đấu nhanh chóng và với số lượng lớn.

LaPlante thừa nhận: “Chúng tôi đã đưa loại vũ khí này cho người Ukraine, nhưng do nhiều yếu tố, trong đó có sự gây nhiễu điện tử từ quân Nga nên nó cơ bản không có tác dụng. Sau nhiều lần sử dụng thất bại, Ukraine đã hoàn toàn từ bỏ nó”.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm bắn tới 300 km Mỹ cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sohu).

Trang web TheDrive đề cập rằng bom dẫn đường JDAM-ER và đạn dẫn đường tầm xa do bệ phóng tên lửa cơ động cao HIMARS phóng cũng bị thiết bị tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu. Các vũ khí này sử dụng GPS để dẫn đường và rất dễ bị quân đội Nga can thiệp điện tử.

Vào tháng 5 năm ngoái, CNN dẫn ít nhất 5 nguồn tin từ Mỹ, Anh và Ukraine cho biết hiệu quả chiến đấu của HIMARS liên tục suy giảm, có liên quan đến các biện pháp tác chiến điện tử mà quân đội Nga thực hiện. Một lượng lớn tài liệu mật Lầu Năm Góc bị rò rỉ tiết lộ mối lo ngại của quân đội Mỹ về việc tác chiến điện tử của Nga can thiệp vào bom dẫn đường JDAM-ER thông qua gây nhiễu GPS. Ngoài ra, nhiều loại máy bay không người lái do Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng có nguy cơ bị quân đội Nga gây nhiễu điện tử.

Trang web TheDrive cũng đề cập việc Nga sử dụng thiết bị gây nhiễu GPS vượt ra ngoài Ukraine. "Ở khu vực Baltic, việc Nga sử dụng các hệ thống như vậy có thể là để bảo vệ các cơ sở và tài sản quan trọng khỏi các cuộc tấn công tầm xa của máy bay không người lái Ukraine, nhưng nó đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy hiểm tiềm tàng đối với các máy bay dân sự gần đó".

Ví dụ, hồi tháng 3 năm nay, GPS của máy bay thương mại Dassault 900LX của Không quân Hoàng gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đang bay gần Kaliningrad, Nga, cũng đã bị gây nhiễu.

Một hệ thống tác chiến điện tử cơ động của Quân đội Nga (Ảnh: Sohu).

Quân đội Nga tác động đến GPS như thế nào?

Truyền thông Mỹ đề cập rằng các loại vũ khí dẫn đường chính xác do quân đội Mỹ phát triển trong những năm gần đây phụ thuộc rất nhiều vào dẫn đường GPS. Mặc dù chúng chiếm ưu thế khi đối phó với các tổ chức khủng bố, nhưng vấn đề đã bộc lộ khi đối phó với Nga, đối thủ có sức mạnh tác chiến điện tử.

Xung đột Nga - Ukraine đã chứng minh rằng những vũ khí này rất dễ bị tác chiến điện tử của quân đội Nga can thiệp và đánh lừa, và sẽ có tác động rộng hơn vì những vũ khí dẫn đường chính xác này đang được quân đội Mỹ và các đồng minh sử dụng với quy mô lớn; nếu không thể chống lại sự gây nhiễu và đánh lừa điện tử, đó sẽ là gót chân Achilles chí mạng.

Quân đội Nga đã đầu tư một lượng lớn thiết bị tác chiến điện tử trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù phương Tây có những quan điểm khác nhau về hiệu quả của chúng nhưng có thể khẳng định rằng khi quân đội Nga tiếp tục điều chỉnh chiến thuật và trang bị, sức mạnh tác chiến điện tử của họ đang tăng nhanh.

Khi tín hiệu GPS được quân đội Mỹ sử dụng truyền tới bề mặt trái đất từ các vệ tinh ở quỹ đạo trên cao, cường độ tín hiệu yếu đi và dễ bị gây nhiễu với công suất tương đối nhỏ. Mặc dù quân đội Mỹ cũng nhận thấy rằng GPS dễ bị nhiễu và đã cài đặt "các mô-đun chống giả mạo có chọn lọc" cho nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác, nhưng thiết bị tác chiến điện tử của Nga có thể tác động theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ gây nhiễu tín hiệu để ngăn chặn vũ khí dẫn đường chính xác thu được tín hiệu được mã hóa, hoặc gửi tín hiệu GPS giả để đạt được hiệu quả đánh lừa. Tất cả đều ảnh hưởng đến độ chính xác của đạn dẫn đường.

Đơn cử như hệ thống gây nhiễu điện tử R-330ZH hiện được quân đội Nga sử dụng rộng rãi, rất nổi tiếng với khả năng gây nhiễu băng tần rộng và đặc biệt hiệu quả gây nhiễu hệ thống GPS. Người ta nói rằng nó có thể phát hiện và tấn công các tín hiệu vô tuyến ở băng tần 100 MHz đến 2GHz và phát ra tín hiệu nhiễu với công suất 10 kilowatt. Hệ thống này có phạm vi tác động hiệu quả xa hơn 30 km.

Hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine
(Ảnh: TheDrive).

Quân đội Mỹ vội vã “vá víu”

Stacey Pettijohn, giám đốc các dự án quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for a New American Security, CNAS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho rằng kinh nghiệm về xung đột Nga - Ukraine đã thách thức quan điểm lâu nay của Lầu Năm Góc rằng vũ khí dẫn đường chính xác đắt tiền là chìa khóa để Mỹ chiến thắng trong các cuộc xung đột. Quân đội Mỹ đã nhận ra vấn đề nghiêm trọng là vũ khí dẫn đường chính xác dễ bị gây nhiễu điện tử và đang gấp rút “vá lỗi”.

Defense News cho biết quân đội Mỹ đã chi số tiền khổng lồ cho các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến và thiết bị chống gây nhiễu, trong đó có việc ký kết thỏa thuận M-code mã hóa quân sự GPS trị giá 318 triệu USD với BAE Systems và mua từ Công ty TRX Systems hệ thống định vị cầm tay và dẫn đường chiến trường thế hệ mới. Ngoài ra, Lục quân Mỹ cũng yêu cầu phát triển một loại thiết bị gây nhiễu mới có thể gắn trên xe bọc thép Stryker hoặc mang trên lưng cá nhân binh sĩ.

Trang web TheDrive cho biết Không quân Mỹ đang mua và tích hợp thêm các thiết bị đầu dẫn được thiết kế để làm cho bom JDAM-ER có khả năng chống nhiễu GPS. Việc bổ sung đầu dẫn mới sẽ giúp bom JDAM-ER có khả năng khóa các thiết bị gây nhiễu GPS, biến thứ vũ khí bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hoạt động gây nhiễu điện tử này thành một công cụ chống lại nó một cách hiệu quả. Việc này cũng tương tự với tên lửa chống bức xạ "HARM" tấn công radar. Tuyên bố của Lầu Năm Góc nói hợp đồng mua sắm liên quan đến "việc bán vũ khí cho Ukraine", nhưng hệ thống này dự kiến sớm nhất năm 2025 mới được giao.

Hải quân Mỹ cũng tuyên bố sẽ bổ sung các tổ hợp tác chiến điện tử cho các tàu chiến mặt nước không người lái để ứng phó với môi trường chiến trường ngày càng phức tạp.

(Theo Huanqiu

)

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vu-khi-my-dang-mat-dan-hieu-qua-vi-tac-chien-dien-tu-cua-nga-post174917.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat