Vũ khí Mỹ không thể hoạt động vì thiếu điện

Là những chương trình vũ khí mang nhiều kỳ vọng của quân đội Mỹ nhưng lại không thể hoạt động vì lý do bất ngờ.

Theo Defence News, chương trình nâng cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley với hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Iron Fist đã bị Lầu Năm Góc quyết định hủy bỏ do chiếc xe không cung cấp đủ điện cho APS này hoạt động.

Trước khi hủy bỏ gói trang bị Iron Fist cho xe Bradley, hệ thống phòng thủ này đã chứng minh được sức mạnh trong nhiều cuộc thử nghiệm và được tích hợp thành công lên xe chiến đấu khác của Mỹ là Stryker.

Chính vì vậy, trong chương trình nâng cấp Bradley với hệ thống APS mới, quân đội Mỹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào Iron Fist. Nhưng điều khiến giới quân sự Mỹ không lường trước được là bản thân chiếc xe chiến đấu này không cung cấp đủ điện vận hành được Iron Fist.

Xe chiến đấu M2 Bradley.

Một số ý kiến từ giới chức quân sự Mỹ cho rằng, Bradley đã quá cũ và bộc lộ nhiều nhược điểm trong quá trình hoạt động từ năm 1981 tới nay. Chúng cần được thay thế bằng dòng phương tiện chiến đấu mới hơn.

Đây chính là nguyên nhân khiến Quân đội Mỹ đang yêu cầu chế tạo ít nhất 2 nguyên mẫu của loại phương tiện chiến đấu thế hệ mới (NGCV) trước năm 2022.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, đây là chương trình tạo ra một dòng xe quân sự, bao gồm xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép, xe tăng hạng nặng và xe tăng hạng nhẹ, được xây dựng dựa trên nhiều điểm chung.

Hay có thể nói NGCV sẽ thay thế mọi thứ từ một xe chiến đấu bộ binh 40 tấn, xe tăng 70 tấn hay xe bọc thép 20 tấn.

Chưa có thông tin gì về ý tưởng mà Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu cho NGCV, tuy nhiên, chắc chắn, nó sẽ được trang bị hệ thống APS tiên tiến, lớp giáp đặc biệt, cùng khả năng vận hành ở nhiều địa hình khác nhau.

Điều đặc biệt là cùng với Bradley, siêu hạm tàng hình thế hệ mới Zumwalt của Hải quân Mỹ cũng không thể trang bị khẩu pháo điện từ đầy sức mạnh cùng với một lý do không có đủ điện.

Pháo ray điện từ ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường để tạo ra lực đẩy điện từ mà không cần dùng đến thuốc phóng, hay động cơ tên lửa. Mẫu thử nghiệm pháo ray điện từ do BAE System và General Atomics phát triển có công suất 25MW.

Hệ thống tụ điện cần khoảng 6 giây để nạp điện sau mỗi lần bắn. Hải quân Mỹ hy vọng, pháo ray điện từ sẽ có tốc độ bắn khoảng 10 viên/phút. Tuy nhiên, việc cung cấp điện cho pháo đang trở thành vấn đề nan giải.

Hiện tại, Hải quân Mỹ chỉ có tàu khu trục Zumwalt có hệ thống cung cấp điện đạt công suất 78MW. Trong khi đó, tàu khu trục lớp Arleigh Burke chỉ cung cấp được 7,5MW.

Hải quân Mỹ trước đây có một số tàu tuần dương hạt nhân có thể cung cấp điện công suất lớn, nhưng tất cả đã ngưng hoạt động vào những năm 1990.

Hải quân Mỹ có thể chế tạo trở lại lớp tàu tuần dương hạt nhân để cung cấp lượng điện năng khổng lồ cho pháo ray điện từ, hay vũ khí năng lượng định hướng khác.

Nhưng việc phát triển dự án tàu chiến mới sẽ rất tốn kém, trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ ngày càng giảm.

Như vậy, về lý thuyết chỉ có tàu khu trục lớp Zumwalt có đủ điện năng cần thiết để trang bị pháo ray điện từ bởi tập đoàn Raytheon đã chế tạo thành công module cung cấp xung điện công suất cao (PPC) ở dạng container lưu động.

PPC có thể lắp trên các tàu thuyền để cung cấp điện năng cho pháo ray điện từ. Nhưng việc hoãn thử nghiệm trên biển cho thấy nhiều vấn đề kỹ thuật chưa thể khắc phục.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-my-khong-the-hoat-dong-vi-thieu-dien-3396374/