Vũ khí siêu thanh có thể vượt 'tường lửa'

Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên công bố về vũ khí cực siêu thanh, bí danh Avangard trong một bài phát biểu vào đầu năm.

Mô phỏng vũ khí siêu thanh của Nga

Tuần trước các nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ trên truyền hình CNBC rằng vũ khí này đã được thử nghiệm thành công nhiều lần và có thể được đưa vào hoạt động trong năm 2020.

Nga đã tiết lộ một số chi tiết cụ thể về vũ khí, nhưng từ những thông tin có sẵn có thể xác định nó là một thiết bị lướt cực siêu thanh, theo như Giáo sư phụ tá về kỹ thuật hàng không Thomas Juliano – một chuyên gia về các chuyến bay cực siêu thanh đến từ ĐH Notre Dame phát biểu.

Tổng thống Putin tuyên bố thiết bị này khi bay có thể đạt tốc độ Mach 20 (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh) và vượt được hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ. Đáng lo hơn, thiết bị có tiềm năng chở trên mình đầu đạn hạt nhân, theo các nguồn tin tình báo tiết lộ.

Thay vì tự tạo ra lực phóng để đạt tốc độ cực siêu thanh, thiết bị lướt sẽ nằm trên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thông thường, tên lửa loại này sẽ bay vào không gian trên quỹ đạo cong trước khi thả đầu đạn xuống ở gần đỉnh parabol để cho chúng rơi xuống mục tiêu ở tốc độ cực siêu thanh nhờ vào sức mạnh của lực hấp dẫn.

Tuy nhiên, Avangard không rơi thẳng xuống Trái đất mà đâm vào bầu khí quyển ở một góc và nhờ vào hình dáng khí động học để tự tạo ra lực nâng cho phép nó lướt xuống ở tốc độ cực siêu thanh khiến nó có thể đi xa hơn và dễ kiểm soát hơn khi rơi xuống, theo như Juliano cho biết.

Thiết bị lướt này dường như được tạo nên theo hình mẫu thiết kế của waverider - một loại máy bay cực siêu thanh có phần thân hình mũi nhọn được thiết kế đặc biệt để tạo lực nâng bằng cách lướt trên các sóng xung kích tạo ra bởi chính nó khi đâm thẳng trong không khí ở tốc độ cực cao.

Điều này cực kỳ quan trọng khi bay rất cao, nơi không khí loãng hơn nhiều khiến việc tạo lực nâng trở nên khó khăn đối với các thiết kế cánh thông thường. Và bởi vì không cần có cánh lớn, phương tiện sẽ có lực cản thấp giúp nó giữ được tốc độ đâm thẳng trong quãng đường dài hơn nhiều.

Tạo nên một thiết bị có thể chịu được tốc độ cực siêu thanh và nhiệt tạo ra bởi nó không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên thiết kế mà người Nga lựa chọn để vượt qua một trong những thách thức lớn là vận dụng lực đẩy.

“Thiết kế một hệ thống đẩy thành công cho tốc độ từ Mach 10 trở lên là một thử thách cực kỳ lớn. Bằng việc đặt thiết bị lướt lên trên một tên lửa ICBM, họ đã bỏ qua được sự cần thiết của việc thiết kế một động cơ đẩy cực siêu thanh chưa từng có” - Juliano trao đổi.

Những nỗ lực của Nga trong việc phát triển thiết bị bay cực siêu thanh rõ ràng là nhằm vào việc vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, theo nhà phân tích độc lập chuyên về kho vũ khí hạt nhân của Nga Pavel Podvig cho biết.

Hệ thống phòng thủ hiện tại của Hoa Kỳ được thiết kế để triệt hạ các đầu đạn thông thường bắn ra bởi ICBM trên quỹ đạo dự đoán được từ lúc chúng vẫn còn đang nằm ngoài không gian. Hệ thống này không phù hợp để chặn các vũ khí lao tới với tốc độ cao khi đã ở trong bầu khí quyển, theo như Podvig cho biết. Và khác với các đầu đạn bình thường, phương tiện này đủ cơ động để né tránh hệ thống phòng thủ.

Tuy nhiên, Podvig không rõ rằng liệu vũ khí này có thực sự là một bổ sung hữu ích cho khả năng quân sự của Nga hay không. “Nó được mô tả là một vũ khí vẫn còn chưa xác định được sứ mệnh. Theo nhận xét của tôi thì nó thực sự không cần thiết. Nó không thực sự thay đổi nhiều về khả năng đánh trúng được mục tiêu” - ông trao đổi với truyền thông.

Theo Lê Hà -Livescience

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/vu-khi-sieu-thanh-co-the-vuot-tuong-lua-3965380-b.html